"Nhà cậu học trò nghèo Vũ Văn Thuận, lớp 2B, trường tiểu học Thạch Bình ở thôn Đầm Rừng, xã Thạch Bình. Nhà của Thuận cách điểm trường tới 6 km. Vậy mà mặc cho trời mưa hay trời nắng nóng, ngày nào Thuận cũng chăm chỉ tới lớp. Nhà của Thuận nghèo lắm. Cái nghèo ấy cứ bám riết chẳng buông, mặc cho đôi vợ chồng trẻ "đầu tắt mặt tối"- Cô giáo Hà Thị Nghĩa, chủ nhiệm lớp 2B mở đầu câu chuyện kể về nghị lực của cậu học trò nhỏ. Theo chân các cô giáo, men qua con đường mòn còn nhớp bùn đất bởi trận mưa từ hôm trước, chúng tôi tới thăm nhà của học sinh Vũ Văn Thuận. May mắn, là bố của Thuận, anh Vũ Văn Hòa có ở nhà. Anh Hòa bảo, hôm nay trời mưa nên chẳng ai thuê làm việc gì. Vợ anh đi chăm bón cho sào lúa mới cấy, còn anh ở nhà lo cơm nước. Nói về hoàn cảnh của mình, anh Hòa ngậm ngùi: Muốn thoát nghèo trên mảnh đất khó này quả là thách thức lớn. Nhà tôi có vài sào ruộng. Song, có cày cấy được hay không lại phụ thuộc vào… ông trời. Hàng ngày, tôi và vợ đi làm thuê. Ai thuê gì thì làm nấy, song thu nhập cũng rất bấp bênh vì không đều việc. Gia đình tôi tằn tiện cho khỏi đói thôi…
Khó khăn là thế, nhưng khi chúng tôi nói về việc học của con, thì người cha nghèo khổ đó vui hẳn lên. Anh Hòa bảo, chúng tôi nghèo mãi là do thiếu cái chữ. Có chăm chỉ lắm mà không biết tính toán làm ăn thì cũng chỉ làm cho trời xem thôi. Đời bố mẹ đã khổ rồi, chúng tôi không muốn các con mình cũng như thế. Các cô giáo lại thường xuyên đến nhà động viên, chia sẻ với gia đình từng chuyện vui, chuyện buồn. Rồi các cô lại phân tích cái lợi ích của việc biết cái chữ. Bởi vậy, mặc dù còn nghèo khó, song chúng tôi vẫn quyết tâm cho con đến trường.
Cô giáo Đỗ Thị Thủy, một trong những người có hơn 20 năm gắn bó với khu lẻ tâm sự: Điểm trường lẻ này là nơi học tập của các cháu thôn Bái Lóng, Đầm Rừng và Quảng Mào- những thôn vùng cao khó khăn nhất của xã Thạch Bình. Mặc dù đời sống của nhân dân trong thôn còn rất nhiều khó khăn, song nhận thức của các bậc phụ huynh về sự học của con em thì đã có nhiều chuyển biến tích cực. Những đổi thay ấy, sự hợp tác tích cực ấy từ phía phụ huynh đối với sự nghiệp trồng người là một nguồn động viên lớn để chúng tôi tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, vất vả mang cái chữ đến cho các học trò nhỏ. Rồi cô giáo Thủy kể lại cho chúng tôi nghe về sự học ở vùng khó này từ nhiều năm trước. Cô giáo Thủy bảo, thời cô mới ra trường và nhận công tác ở đây thì điểm trường này chỉ là ngôi nhà bằng đất, lợp lá mía thôi. Dân cư ở đây còn thưa thớt lắm. Đường sá đi lại rất khó khăn chứ chưa có đường bê tông, rải nhựa như bây giờ. Các cháu trong độ tuổi đến trường thì đông, song vì nhà nghèo quá lại thêm điều kiện đi lại khó khăn nên hầu như không tới lớp. Trước thực trạng đó, đội ngũ giáo viên của điểm trường không quản mưa nắng hay rét buốt, đến từng gia đình vận động phụ huynh cho con đến lớp. "Mở được lớp đã khó, duy trì được lớp học lại khó khăn hơn nhiều. Bởi thời đó, lớp học còn thiếu thốn nhiều lắm"-cô giáo Thủy nhớ lại. Cô Thủy cùng các cô giáo đi quyên góp từng bộ bàn ghế, tỉ mẩn vẽ từng bức tranh, làm từng đồ dùng học tập cho các em. Các cô đổi mới, nâng cao nội dung mỗi buổi học để tạo hứng thú cho học sinh. Mỗi tối, các cô vẫn đều đặn soi đèn đi đến từng nhà để vận động cho con em tới lớp. "Mưa dầm thấm lâu", tích cực vận động cuối cùng các phụ huynh cũng bắt đầu quan tâm đến sự học của con em. Các cô giáo cũng mở được 3 lớp học, mỗi lớp chừng hơn 10 học sinh ở những độ tuổi không đồng đều. Thời ấy, vì đường sá đến trường rất khó khăn nên thường thì trẻ trên 7 tuổi mới bắt đầu được bố mẹ cho đến lớp. "Có những cháu ở Khe Đồi còn phải vượt qua cái cầu nhỏ được bắc bởi những tấm gỗ để đến trường. Con nhà nghèo nên các cháu đi học phải mặc nhờ quần áo của… bố mẹ. Có cháu đến lớp đói quá mà ngất xỉu, các cô lại phải bón thức ăn để các cháu có sức mà học tiếp…Những hình ảnh ấy càng khiến chúng tôi thêm gắn bó, yêu thương đối với mảnh đất cằn này"- cô giáo Thủy xúc động khi nhớ lại những năm tháng đầu tiên đứng trên bục giảng.
Những nỗ lực ấy của các cô giáo ở khu lẻ đã được đền đáp. Đến nay, tỉ lệ học sinh đến lớp đúng độ tuổi ở điểm trường lẻ này đạt 100%. Hiện, khu lẻ có 3 lớp học với 50 học sinh. Cơ sở vật chất của trường được xây lại bằng căn nhà cấp 4, cũng đã phần nào khắc phục được những khó khăn cho cô và trò trong việc dạy và học. Tuy vậy, việc duy trì tỉ lệ trẻ đến lớp đều đặn cũng còn nhiều khó khăn, bởi có tới 70% học sinh của điểm trường là con nhà nghèo hoặc cận nghèo, 100% các em là đồng bào dân tộc Mường. "Mỗi khi nhà có việc hay vì hoàn cảnh khó khăn quá là các em lại nghỉ học. Chúng tôi lại phải tới tận nhà, tìm hiểu lý do và vận động các cháu trở lại trường. Đối với những cháu nghỉ học vài ngày thì chúng tôi lại phải kèm riêng để các cháu theo kịp chương trình. Mặt khác, nhận thức của các em không đồng đều, bởi vậy đòi hỏi người giáo viên cũng phải kiên trì hơn"- cô giáo Vũ Thị Trúc chia sẻ.
Cách xa điểm trường nhất là các em ở thôn Đầm Rừng với chặng đường hơn 6km. Vì bố mẹ phải đi làm thuê nên hầu hết các em phải tự mình đến lớp. Có em học sinh phải vượt qua chặng đường ấy bằng đôi chân trần trong tiết trời lạnh giá vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo. Những hình ảnh xúc động ấy đã khắc sâu vào trái tim những người cô ở đây. Càng thương các em, các cô giáo tự nhủ càng phải cố gắng hơn để mang cái chữ đến với các em. Chỉ có cái chữ mới góp phần giúp các em thoát khỏi cuộc sống đói nghèo. Cô giáo Hà Thị Nghĩa xúc động: Những năm gần đây, các em học sinh của điểm trường này đã nhận được sự quan tâm, động viên của chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân bằng những hoạt động thiết thực như: tặng quần áo cũ, tặng sách vở, xe đạp… Những món quà nặng ân tình đó có ý nghĩa rất lớn đối với các em học sinh.
Một mùa xuân mới lại về trên mảnh đất khó Thạch Bình. Cây cối đang đua nhau đâm chồi, nảy lộc. Và, từ điểm trường lẻ còn nhiều khó khăn ở thôn Bái Lóng vẫn vang lên tiếng trẻ thơ ê a đọc bài. Các cô giáo với mái đầu đã bắt đầu ngả bạc, dáng đã hơi còng vẫn miệt mài uốn từng nét chữ đầu tiên cho trò nhỏ bằng tình cảm của người thầy, người mẹ, người bà. Hình ảnh ấy đã quá đỗi thân thương đối với đồng bào ở đây. Đó chính là niềm tin, là động lực để họ nỗ lực đồng hành cùng các cô giáo trong hành trình đưa con em tới trường.
Bài, ảnh: Đào Hằng