Tốt nghiệp khoa Văn Trường Đại học Sư phạm năm 2001, cô giáo Phương Lan được phân công về Trường THPT Nho Quan A giảng dạy. Sinh ra và lớn lên tại thành phố Ninh Bình, rồi học chuyên Văn tại Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, nhưng với cô, được trở về quê hương Ninh Bình công tác là niềm mơ ước của những sinh viên mới tốt nghiệp ra trường. Cuộc sống mới ở nơi tất cả đều lạ lẫm, còn nhiều khó khăn nhưng ngay từ năm học đầu tiên, với sức trẻ, lòng nhiệt huyết, cô giáo Phương Lan đã nhiệt tình tham gia vào BCH Đoàn trường, phụ trách công tác văn thể. Nhà xa, đường sá đi lại khó khăn nên cô phải ở lại khu nội trú và cũng chính tại nơi đây, cô giáo Phương Lan đã từng bước trưởng thành, trở thành tấm gương cho đồng nghiệp và học sinh noi theo.
Trường THPT Nho Quan A kết nghĩa với hai đơn vị quân đội là Lữ đoàn Pháo binh 241 và Trung đoàn Xe tăng 202 thuộc Quân đoàn I, cùng đóng trên khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu. Nhà trường và các đơn vị quân đội thường tổ chức giao lưu nhân các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước, của ngành, của đơn vị... Trong những cuộc giao lưu đó, anh lính Pháo binh đã mở được trang giáo án Văn và họ nên vợ nên chồng. Hơn 10 năm ở khu tập thể nhà trường họ đã có 2 đứa con xinh xắn, ngoan ngoãn. Cũng hơn 10 năm ấy, với bao nỗ lực vượt lên chính mình để đến hôm nay, cô giáo dạy văn buổi đầu còn bỡ ngỡ, xa lạ với quê hương miền núi đã trở thành cô giáo dạy giỏi - Tổ trưởng tổ chuyên môn Văn - Sử.
Chồng là bộ đội, thi thoảng mới được về nhà, quê nội, ngoại đều ở xa, một mình nuôi hai con nhỏ, việc gia đình một mình gánh vác, không chỉ là việc nội trợ, chuyện đưa - đón con tới lớp, tới trường cũng là cả vấn đề khi lớp học của các con ở khá xa, ngặt nhất là những ngày trái gió trở trời con ốm, con đau... cũng chỉ có một mình xoay xở. Vượt lên tất cả, cô giáo Phương Lan đã phấn đấu qua từng bài dạy, từng năm học để có được trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2010-2011, được Công đoàn ngành Giáo dục suy tôn "Giỏi việc nước - đảm việc nhà" giai đoạn 2005-2008; hàng năm đều đạt danh hiệu lao động giỏi, chiến sĩ thi đua cơ sở… Trong con mắt những người đồng nghiệp, cô giáo Phương Lan là người chịu khó, ham học hỏi và tận tình giúp đỡ đồng nghiệp. 12 năm công tác thì có đến 10 năm cô làm giáo viên chủ nhiệm, nhiều năm lớp cô làm chủ nhiệm đều dẫn đầu các phong trào thi đua của nhà trường.
Nói về những năm tháng gắn bó với mái trường THPT Nho Quan A, cô giáo Phương Lan cho biết: Ngày đầu về trường chưa quen với cuộc sống miền núi tôi cũng buồn lắm, ở khu nội trú nhiều khi thấy vắng vẻ, cô đơn. Thế rồi như là số phận, chuyện gia đình, chuyện công việc cuốn hút, kéo mình đi, nhiều khi không có thời gian để nghĩ, để buồn, để so sánh giữa trường thành phố với trường miền núi. Vui và cảm động hơn khi những năm tháng khó khăn tôi luôn nhận được sự trợ giúp, động viên của rất nhiều đồng nghiệp, của các em học sinh. Có những hôm con ốm, vẫn phải lên lớp tôi đành gửi con cho học sinh trông coi; nhiều học sinh nhà xa, mưa bão không thể về đã ở lại sống cùng cô giáo như những người thân… Giờ thì tôi đã gắn bó với nơi này, với mái trường THPT Nho Quan A yêu dấu, gắn bó và thấy thân thương hơn với những thế hệ học sinh miền núi dù nghèo, học chưa giỏi nhưng lại rất hiền lành, chân thật. Tôi vui và hạnh phúc vì được đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của trường THPT Nho Quan A nói riêng và của tỉnh Ninh Bình nói chung…
Giờ lên lớp của thầy giáo trẻ Nguyễn Thiện TàiTốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm II năm 2003, thầy giáo trẻ Nguyễn Thiện Tài được phân công về dạy học tại Trường THPT Bình Minh (Kim Sơn). Thời điểm ấy, trường còn quá nhiều khó khăn, cơ sở vật chất trường lớp nghèo nàn, thiếu thốn, vùng đất mới heo hút, đời sống người dân nghèo khó nên việc quan tâm đến học hành của con cái chưa nhiều. Nhà ở xã Khánh Cường (Yên Khánh) nơi dạy học cách nhà vài chục km, đường sá đi lại khó khăn nên thầy Tài không thể hàng ngày đi về. ở nhà công vụ, sau những giờ trên lớp là khoảng thời gian buồn vì nhớ nhà, nhớ người thân, đối với thầy giáo trẻ mới ra trường, lúc đó thật khó khăn và đầy tâm trạng. Nhưng với suy nghĩ "đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên", thầy Tài cùng nhiều thầy, cô giáo trẻ đã nỗ lực tự học tập, lấy niềm vui được truyền đạt những kiến thức mình học được cho học sinh làm chân lý sống. Trong quá trình giảng dạy, công tác tại trường, thầy giáo Nguyễn Thiện Tài đã "bén duyên" với cô giáo dạy Văn cùng trường, cùng quê hương Yên Khánh. Giờ họ đã có một mái ấm hạnh phúc tại xã Cồn Thoi, cùng xác định gắn bó và lập nghiệp lâu dài với vùng đất đầy nắng và gió biển này.
Cả một thời tuổi trẻ gắn bó với ngôi trường miền biển, góp sức cho bao thế hệ học trò có thêm kiến thức, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và từng bước trưởng thành, thầy Nguyễn Thiện Tài cho biết, xác định nơi mình công tác chính là quê hương thứ hai nên mình luôn phấn đấu và dành cho các em học sinh những gì tốt đẹp nhất. Do đặc thù các em học sinh hầu hết là con nông dân nghèo, sống tại các xã đặc biệt khó khăn, điều kiện học thêm, tham khảo tài liệu qua các kênh thông tin khác hầu như không có, nên khi giảng dạy cho các em, thầy Tài luôn cố gắng tìm ra phương pháp truyền đạt kiến thức một cách dễ hiểu nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Để dạy tốt môn Vật lý, thầy Tài đã không ngừng tự học tập nâng cao trình độ và tham gia nhiệt tình các lớp tập huấn của ngành, khi giảng dạy kết hợp nhiều phương pháp cũng như sử dụng hiệu quả các thiết bị hỗ trợ như thiết bị thí nghiệm, tranh ảnh, giáo án điện tử… Kết quả, hàng năm môn Vật lý do thầy Tài giảng dạy là một trong những môn học luôn có điểm bình quân đạt cao trong các kỳ kiểm tra và thi tốt nghiệp THPT. Với giáo dục mũi nhọn, từ năm học 2008-2009 đến nay, đội tuyển học sinh giỏi môn Vật lý cấp tỉnh do thầy Tài đảm nhiệm đạt 1 giải nhất, 4 giải nhì, 4 giải ba và nhiều giải khuyến khích. Giải Casio môn Vật lý cấp tỉnh cũng đạt 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và các giải khuyến khích … Thầy Nguyễn Thiện Tài cũng đã đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh trong Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh lần thứ VI, năm học 2011 - 2012.
Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, của ngành Giáo dục và Đào tạo; sự nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, năm 2012, Trường THPT Bình Minh đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Tuy nhiên, là những người đã gắn bó với vùng đất mở hàng chục năm, thầy giáo Nguyễn Thiện Tài cũng như nhiều thầy, cô giáo của Trường THPT Bình Minh mong muốn tiếp tục được sự quan tâm hơn nữa về kinh phí để nâng cấp trường lớp, mua sắm thiết bị, phương tiện phục vụ việc dạy và học, sửa chữa nhà công vụ cho giáo viên; đặc biệt nên có chế độ ưu đãi cho giáo viên ở xa đến công tác tại trường như bán đất với giá ưu đãi (hiện 6 xã bãi ngang của huyện đã có chế độ ưu đãi này nhưng thị trấn Bình Minh chưa có).
Đồng thời tạo điều kiện cho các thầy, cô giáo vùng sâu, vùng xa được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, được giao lưu trao đổi kinh nghiệm… đó là nguồn động viên, tạo động lực cho những người thầy đang công tác ở những vùng khó khăn yên tâm, gắn bó với nghề.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh