Chuyện cụ Lữ mất đi tôi đành chịu tiếng thất tín khi chưa kịp viết ra, nhưng những người cùng cảnh ngộ với cụ tôi không thể không viết. Người đầu tiên tôi được tiếp chuyện là cô giáo Phạm Thị Hương (tổ 13, Trung Sơn, Tam Điệp). Năm 1971, khi mới 17 tuổi, cầm tấm bằng tốt nghiệp Trường Trung học sư phạm Ninh Bình (đóng tại Khánh Nhạc), cô giáo Hương cùng các đồng nghiệp chừng 80 người lên đường đi Hà Giang nhận nhiệm vụ. Cô Hương còn nhớ trong đoàn tỉnh Ninh Bình có mấy người bạn: cô Cúc (Yên Khánh), cô Ninh (Gia Viễn), cô Tiệp (Tam Điệp)... Tuổi trẻ lắm mơ mộng, trước ngày lên đường trong lòng các cô giáo trẻ đầy hăm hở, không ai trong đoàn lường hết được những khó khăn, vất vả đang chờ họ ở phía trước.
Khi đến đại bản doanh tập kết tại Hà Nội, mỗi người được phát một chiếc chăn bông, cùng một tháng lương 36 đồng. Quyết định của trên điều các cô về dạy học với nhiệm vụ diệt dốt tại xã Yên Phú và xã Bắc Mê (Vị Xuyên, Hà Giang). Sau 2 ngày ngồi xe đò chật như nêm cối chở cả người, gà, lợn, cá mắm, cả đoàn đến Hà Giang. Ngành Giáo dục sở tại cử người đón, sau đó cả nhóm cuốc bộ 3 ngày thì vào đến nhiệm sở. Phải nói rằng trong 3 ngày đi bộ ròng rã, chứng kiến cảnh rừng xanh ngằn ngặt, đá tai mèo xam xám các cô gái miền xuôi không ai không rướm nước mắt. Vào đến nơi nhìn ngôi trường mà mình sắp dạy thì cả nhóm sụp xuống nức nở.
Gọi là trường cho sang chứ thực chất chỉ là mấy gian nhà lợp cỏ gianh ọp ẹp dựng giữa một khoảnh đất trống nơi lưng chừng núi. Gió mùa đông Bắc thổi vào thông thống, mỗi cơn gió mạnh ngôi trường lại run lên bần bật chực như đổ ụp cả xuống thung sâu. Trường rách nát các cô đành ở nhờ nhà dân. Cô Hương ở nhờ nhà vị cán bộ xã người Mông, cô còn nhớ có một cán bộ xã này tên Châu, trước kia nguyên là thổ phỉ, sau được cách mạng cảm hóa, về với chính quyền. Cán bộ Châu dáng người cao to lừng lững, mắt xếch ngược, bắn súng kíp nhanh như cắt, bách phát bách trúng, nhìn mặt mày dữ tợn mà thực tế hiền như đất, cả ngày không nói một câu, chỉ thích cưỡi ngựa, bẫy thú, dắt chó đi săn. Gặp cô giáo người dưới xuôi đến bản trọ cả nhà anh rất quý, ai cũng thực thà lễ phép. Lúc đi nương về gặp cô giáo ai cũng một điều "chào cô giáo" hai điều "chào cô giáo". Có hôm trời mưa ẩm, thú ra nhiều, anh Châu bẫy được cả con hoẵng lớn, bèn xẻ thịt, cắt lấy miếng đùi dành biếu cô giáo, số còn lại gọi trai bản đến uống rượu suốt đêm.
Những ngày đứng lớp là những ngày không thể nào quên với cô Hương và đồng nghiệp. Học trò đủ các thành phần người Mông, người Dao đỏ, đầu cạo trọc lông lốc, mặc áo thổ cẩm, vòng bạc đeo xủng xẻng, phần nhiều đã có vợ. Các học trò học bán trú, cuối tuần về nhà, khi quay lại trường thường có vợ đi theo giắt ngựa, có khi đến trường đang còn say ngất ngưởng mùi rượu ngô. Nhớ có dịp giáp Tết, nhà xa, đường sá đi lại khó khăn cô Hương cùng các cô giáo ở lại ăn Tết tại trường. Một học trò người Mông còn cùng cô vợ trẻ, cắp nách một con gà mái, một túi gạo nếp nương đến Tết cô giáo. Cô vợ ít tuổi, chừng còn trẻ con, rất hồn nhiên nói: Mời cô giáo xuống bản tao ăn Tết. Những lúc như vậy, cô Hương cùng bạn chỉ biết ôm nhau khóc, vừa thương học trò, vừa nhớ nhà. Một thời gian sau đó vì nhiệm vụ cô Hương lại chia tay các học trò trường Yên Phú (Vị Xuyên) để về xã Thông Uyên (Bắc Quang). Ròng rã cho mãi đến năm 1978 cô chuyển về Trường THCS Đồng Giao (thành phố Tam Điệp ngày nay) cống hiến trọn vẹn đời sư phạm cho đến ngày nghỉ hưu.
Cô giáo Lê Thị Hồng (tổ 14, Trung Sơn) là một câu chuyện khác. Năm 1970 cô Hồng tốt nghiệp Trung cấp sư phạm Ninh Bình và nhận quyết định lên xã Bản Ngò (Sín Mần, Hà Giang), ở Sín Mần được một năm cô được tổ chức điều về Trường cấp I xã Cốc Rế. Trường này đặc biệt ở chỗ được mệnh danh là trường "Ba đảm đang" vì cả thảy18 giáo viên toàn là nữ. Trường ở xa trung tâm nên quanh năm may chỉ có Bộ đội Biên phòng ghé thăm, còn lại các cô giáo quanh quẩn với lũ học trò người Mông, người Nùng. Cô Hồng kể: Học trò Mông có khi 10 tuổi mới đi học, nhiều em đi học đã cao to lừng lững, từ bản đến trường toàn cưỡi ngựa. Trong ký ức của nhà sư phạm Lê Thị Hồng cái cô nhớ nhất lại không hẳn là những giờ lên lớp mà là những kỷ niệm với đám học sinh người Mông.
Ngày ấy do điều kiện kinh tế khó khăn, ngành Giáo dục hưởng ứng lời kêu gọi "Tăng gia sản xuất", cải thiện đời sống. Trường Cốc Rế cứ mỗi tuần lại tổ chức cho giáo viên lao động một buổi. Các cô giáo cùng đi trồng rau, xuống nương rẫy với đồng bào học kinh nghiệm trồng chè trên ruộng bậc thang. Cứ thứ bảy lại xuống bản làm công tác dân vận, nhất là vận động học sinh đi học. Một tháng đôi lần lại mượn ngựa của đồng bào đi lĩnh gạo trên huyện về cho cả trường. Học trò Mông, Nùng tuy nghèo nhưng rất quý thầy, cô. Ngày Tết cơm mới học trò đem xôi và bánh Khẩu đẹt tới biếu cô giáo, lại mời cả cô giáo xuống nhà ăn Tết. Lâu lâu có đoàn chiếu phim về bản cô, trò cùng đồng bào kéo nhau đi xem từ sớm. Những buổi có đoàn chiếu phim là ngày hội với cô trò trường Cốc Rế. Cuộc sống giáo viên vùng cao vất vả là vậy nhưng cô Hồng đã có 6 năm gắn bó với Cốc Rế. Lúc rời trường Trung cấp sư phạm Ninh Bình cô Hồng 18 tuổi, khi về xuôi đã 27 tuổi. Chính trong khó khăn gian khổ, nhưng với lòng yêu nghề cô Hồng đã nỗ lực phấn đấu, từ chỗ là một tổ trưởng công đoàn trường Cốc Rế dần dần trưởng thành tới chức Hiệu trưởng. Cũng như cô Hương, cô Hồng khi về xuôi cũng đã tiếp tục cống hiến cho nghề giáo cho tới khi nghỉ hưu.
Câu chuyện của cô Phạm Thị Hương, Lê Thị Hồng chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện của các cựu giáo chức mà người viết may mắn ghi lại được nhờ sự giúp đỡ của cụ giáo Nguyễn Văn Lữ hồi cụ còn tại thế. Những người như cô Hương, cô Hồng...đã sống một cuộc đời thanh bạch và trọn vẹn với cái tâm trong sáng của những nhà sư phạm. Đôi khi nhớ nghề, nhớ những này tháng thanh xuân gian khổ mà giàu ý nghĩa ấy họ lại tìm gặp nhau. Cô Hồng cho biết Hội giáo viên Hà Giang trước rất đông, nay còn khoảng 10 chị em. Họ vẫn thường xuyên liên hệ với nhau, mỗi năm gặp nhau một lần, ăn với nhau một bữa cơm, cũng để biết xem trong các chị em ai còn ai mất và những câu chuyện về một thời đi gieo chữ ở vùng cao luôn khiến họ vui và nhớ mãi.
Mai Phương