Hơn ai hết, mỗi chúng tôi đều nhận thức rõ ý nghĩa của số báo xuân, bởi không chỉ là một số báo chuyển tải thông tin thông thường, mà còn là ấn phẩm đặc biệt, chứa đựng món ăn tinh thần không thể thiếu trong những ngày xuân. Đọc số báo xuân, người ta có thể cảm nhận được sự đổi thay, phát triển đi lên của quê hương, đất nước; thấy được phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa các vùng, miền; những dự cảm của mỗi người khi đất nước chuyển mình sang xuân…
Số báo xuân cũng là những trang viết đầy lắng đọng để các nhà báo hướng tâm hồn mình tới những người đang ngày đêm làm nhiệm vụ giữ gìn biên giới, hải đảo, vì bình yên cuộc sống hoặc đến với những số phận, mảnh đời thiếu may mắn, nhằm nhân lên việc thiện, xua đi điều ác, cầu mong hạnh phúc bình an đến với mọi người, mọi nhà.
Để đạt mục tiêu đề ra: Số báo phải đẹp về hình thức, phong phú, hấp dẫn về nội dung, ngay từ đầu tháng 11 dương lịch, trên cơ sở định hướng tuyên truyền của Ban Biên tập, các phóng viên đã đăng ký đề tài cho cả 2 số báo Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Bộ phận Tòa soạn, Vi tính - chế bản cũng khẩn trương biên soạn bài, ảnh của cộng tác viên và chuẩn bị phương án trang bìa, sao cho nổi bật chủ đề của số báo và cũng là vấn đề thời cuộc đang đặt ra. Nếu không phải người trong cuộc thì thật khó có thể hình dung nỗi vất vả của những ngày làm báo xuân. Viết chủ đề gì cho hợp với ngày Tết? chọn địa điểm viết ở đâu? thể hiện tác phẩm thế nào cho mềm mại, dễ đọc?… Hàng loạt câu hỏi được đặt ra, làm sao để bạn đọc có thiện cảm và cảm nhận được cái mới, cái xuân trong mỗi bài viết, mỗi tác phẩm ảnh. Thực tế cho thấy, những ngày làm báo xuân tuy có vất vả nhưng cũng rất thú vị. Các nhà báo đều phải dành thời gian xứng đáng để tư duy, trăn trở cho "đứa con tinh thần" của mình. Họ hăng hái đi về những vùng quê xa xôi, đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Cúc Phương, lắng nghe già làng kể chuyện để rồi đâu đó trong gió vang lên tiếng trống, tiếng chiêng xen lẫn điệu hát đúm của đồng bào Mường. Về với vùng biển Kim Sơn, họ muốn tận hưởng hương vị ngọt ngào, mặn mòi của những cánh đồng cói, khu nuôi trồng thủy sản, tận mắt chứng kiến nhịp sống sôi động nơi làng nghề, nghe những người nông dân kể chuyện một năm vượt khó, làm giàu. Đến với các công trường, nhà máy, các nhà báo cũng muốn ghi lại khí thế quyết tâm của người lao động trong những ngày đầu năm, mong muốn làm ra nhiều sản phẩm cho xã hội, đưa đất nước phát triển nhanh trong thời kỳ hội nhập… Đi cơ sở tuy vất vả, mệt nhọc nhưng vẫn là "chuyện nhỏ", lo nhất là thể hiện tác phẩm thế nào cho có sức xuân bởi còn hàng tháng nữa mới đến Tết, nếu thiếu đi cảm xúc thì bài viết sẽ trở nên khô cứng. Có nhà báo đã nói vui: Để có cảm hứng viết bài phải làm một cành đào giấy và đặt chiếc bánh chưng trước mặt để hình dung Tết đã đến… Không biết đã có ai làm như vậy chưa, nhưng tôi dám chắc, để có bài viết đăng trên số báo xuân, các nhà báo đã phải làm việc một cách nghiêm túc, trăn trở để đưa đến cho bạn đọc những trang viết, tác phẩm ảnh thấm đượm hơi thở của mùa xuân.
Với những người làm công việc ở Tòa soạn, Vi tính - chế bản, những ngày làm báo xuân cũng tất bật không kém. Thường phải chia làm 2 kíp: Một kíp đảm nhiệm số báo ngày, một kíp chịu trách nhiệm số báo xuân. Để đảm bảo thời gian phát hành, khoảng 20 tháng Chạp, các biên tập viên, họa sỹ, kỹ thuật viên đã làm việc hầu như không có ngày nghỉ. Từ khâu biên tập, đọc soát lỗi, đến trình bày trang báo đều có sự chỉ đạo, đôn đốc kịp thời của Ban Biên tập.
Chúng tôi luôn nhắc nhở nhau phải cố gắng, dồn tâm huyết để thận trọng, tỉ mỉ trong từng câu chữ, từng chú thích ảnh, phấn đấu không để xảy ra những sai sót, dù là nhỏ nhất. Và như vậy, niềm vui hạnh phúc thực sự chỉ đến với người làm báo khi tác phẩm của mình được công chúng đón đọc và trở thành món ăn tinh thần của mỗi nhà khi Tết đến, xuân về.
Hà Trang