Chung một tình yêu
Với cô giáo Đinh Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Gia Hưng, nghề giáo viên không chỉ là nghiệp mưu sinh, mà hơn thế còn là niềm đam mê mãnh liệt. Cô Liên bảo rằng, hình ảnh những người thầy, người cô tận tụy với học trò đã nằm sâu trong trái tim và trở thành lý tưởng để cho cô phấn đấu. Tốt nghiệp THPT, cô Liên thi vào trường Cao đẳng sư phạm mẫu giáo Trung ương và đỗ với điểm số cao.
Đầu những năm 1990, vì khó khăn nên không có nhiều trẻ ở Gia Hưng được đến trường của xã. Thậm chí đến năm 1992, giáo viên và học sinh của các lớp mầm non cũng giải tán, Gia Hưng trở thành địa bàn trắng về điểm trường mầm non. Đây cũng là thời điểm cô sinh viên trẻ Đinh Thị Liên ra trường với tấm bằng loại khá. Thực tế tại địa phương đã trở thành cơ hội và cũng là thách thức lớn đối với cô Liên.
Bằng tình yêu, nhiệt huyết và sức trẻ, cô giáo trẻ Đinh Thị Liên hăm hở tình nguyện cùng ra chung sức với cô giáo Vũ Thị Thái - người mới được điều về phụ trách lớp mầm non ở Gia Hưng xây dựng lại điểm trường. Hai cô giáo - một mái đầu xanh và một mái đầu đã điểm bạc đã bắt tay gây dựng lại lớp học trong hoàn cảnh ấy. Họ không quản mưa nắng hay rét buốt, đến từng gia đình vận động phụ huynh cho con trở lại lớp, vận động giáo viên trở lại trường.
Không phụ lòng của các cô, không lâu sau đó, đã có 3 cô giáo trở lại trường và các em trò nhỏ bắt đầu tới lớp với số học sinh và giáo viên đủ để các cô mở một lớp. Cô giáo Đinh Thị Liên trở thành cánh chim đầu đàn của lớp học còn nhiều khó khăn ấy. Cô tâm sự, mở được lớp đã khó, duy trì được lớp học lại khó khăn hơn nhiều. Bởi thời đó, lớp học còn thiếu thốn nhiều lắm. Cô Liên cùng các cô giáo đi quyên góp từng bộ bàn ghế, tỉ mẩn vẽ từng bức tranh, làm từng đồ dùng học tập cho các em. Các cô đổi mới, nâng cao nội dung mỗi buổi học để tạo hứng thú cho học sinh. Mỗi tối, các cô vẫn đều đặn soi đèn đi đến từng nhà để vận động cho con em tới lớp.
Với những nỗ lực đó, chỉ 7 tháng sau đó, các cô đã mở thêm được một lớp khác ở Hoa Tiên, tiếp đó là khôi phục lại những điểm trường cũ như Nông Giá, Hội Trường… Năm 1999, khi có quyết định thành lập Trường Mầm non Gia Hưng, cô giáo Đinh Thị Liên được bổ nhiệm là Hiệu trưởng nhà trường.
Giống như cô Đinh Thị Liên, cô Lã Thị Hồng Lam, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình gắn bó với nghề như là "duyên" trời định. Khởi đầu, cô Hồng Lam làm công nhân ở Xí nghiệp gạch ngói, sau chuyển sang xí nghiệp cấu kiện bê tông, rồi Công ty Bê tông thép. Ngày đó, công ty có 3 lớp trẻ của con em của những người lao động trong công ty. Mỗi ngày, nhìn cô và trò ở lớp mầm non say sưa múa, hát, cô tập cho trò bi bô những bài hát, vần thơ đầu tiên … đã làm nảy nở tình yêu nghề dạy trẻ đối với cô Lam. Thấy cô có đam mê, mỗi khi có cô giáo nghỉ tiết thì công ty lại bố trí cho cô Lam đứng lớp. Được gắn bó với trẻ thơ càng làm bùng lên trong cô công nhân ngọn lửa tình yêu đối với nghề giáo.
Một bước ngoặt lớn đã đến với cô. Năm 1997, cô Lam làm hồ sơ và đã đỗ vào trường sư phạm ở Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh. Việc học của cô khá vất vả, bởi khi đó cô đã lập gia đình và sinh con. Cô Lam bảo rằng, may mắn cho cô là cô có điểm tựa tinh thần vững chắc từ gia đình. Chồng và gia đình nhà chồng luôn ủng hộ và tạo điều kiện để cô được đi học, thực hiện ước mơ được đứng trên bục giảng. Khắc phục khó khăn ấy, hàng ngày, cô thức dậy từ 4 giờ sáng, chuẩn bị trước bữa ăn cho gia đình để kịp 4 giờ 30 phút bắt đầu đạp xe tới trường học… Ra trường, cô Hồng Lam trải qua kinh nghiệm ở một vài trường mầm non và từ năm 2009 đến nay, cô Hồng Lam đảm nhận nhiệm vụ là Hiệu trưởng Trường Mầm non Ninh Phúc.
Những nhà giáo giàu nghị lực
Không chỉ là một hiệu trưởng được ngành đánh giá cao, đồng nghiệp nể phục, học trò yêu mến, cô giáo Đinh Thị Liên còn là một người vợ, người mẹ mẫu mực. ánh mắt cô rạng ngời hạnh phúc khi kể cho chúng tôi nghe về người đã cùng cô kết nghĩa trăm năm. Ngày ấy, chồng cô là bộ đội xuất ngũ. Anh hiền lành, thương vợ yêu con. Để vợ yên tâm công tác, ngày ngày anh chăm chỉ làm kinh tế gia đình và trông nom con cái. Hạnh phúc của gia đình cô giáo thật khiến nhiều người phải ngưỡng mộ.
Nhưng hạnh phúc ấy thật mong manh. Đến năm 1996, khi các con còn nhỏ thì anh phát bệnh tâm thần nặng. Nén nỗi đau vì chồng đổ bệnh, cô Liên vừa học tập, công tác, vừa chăm sóc gia đình, chữa trị cho anh. Đó là những ngày tháng thực sự khó khăn với cô. Hàng ngày, cô đạp xe hơn 20km đến trường học hàm thụ đại học. Tan học, cô ghé vào bệnh viện động viên chồng. Ngoài dạy học, cô còn cấy thêm vài sào ruộng, chăn nuôi thêm lợn, gà.
Vào vụ cấy, cứ hết giờ trên trường, cô lại tranh thủ đi nhổ mạ, trời nhọ mặt người mới trở về nhà. Đêm đêm, cô Liên phải thức khuya hơn để làm việc. Hiểu vất vả của mẹ, các con của cô đều sống rất tự lập, chăm ngoan, hiếu học. Đó là niềm hạnh phúc, nguồn động viên lớn để cô vượt lên mọi khó khăn, trở thành người con dâu hiếu thuận, là người vợ thủy chung và là người mẹ mẫu mực của các con.
Với trách nhiệm là một hiệu trưởng, cô Liên luôn gần gũi động viên, tạo điều kiện để mọi giáo viên được đi học hoàn thiện nâng cao trình độ. Với nỗ lực không ngừng của tập thể giáo viên nhà trường trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, năm 2014, nhà trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
Nếu như cô Đinh Thị Liên là biểu tượng của người phụ nữ tảo tần, một cán bộ mẫn cán thì với cô giáo Lã Thị Hồng Lam, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ninh Phúc lại là tấm gương về tinh thần lạc quan, một nội lực mạnh mẽ. Cô Hồng Lam phát hiện bị bệnh về tuyến giáp vào cuối năm ngoái trong một lần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Chẳng để gia đình và đồng nghiệp lo lắng, một mình cô đi lên bệnh viện tuyến trên để khám và làm các xét nghiệm. Chỉ đến khi được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật, cô mới chịu nói với gia đình. Sau phẫu thuật, sức khỏe dần hồi phục, cô Lam lại tất bật với công việc của một hiệu trưởng. Cô Lam cười hiền, nhìn ánh mắt, nụ cười của trẻ thơ thì mọi nỗi đau bệnh tật dường như tan biến. Cô Hồng Lam hạnh phúc "khoe": tôi mới được lên chức bà ngoại được gần 1 tháng nay.
Cùng với sự viên mãn trong hạnh phúc gia đình, chất lượng dạy và học của ngôi trường cô gắn bó cũng ngày được nâng cao. Toàn trường hiện có 32 giáo viên thì có tới 94% giáo viên có trình độ đại học, cao đẳng. Các phong trào do nhà trường phát động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho trẻ như: "hội học, hội giảng", "làm đồ dùng, đồ chơi", "cô nuôi giỏi"… được 100% giáo viên hưởng ứng.
Qua các hội thi, chất lượng được nâng lên rõ rệt, 100% giáo viên nắm vững phương pháp giảng dạy các bộ môn, 100% nhóm lớp thực hiện tốt chương trình… Và hạnh phúc hơn nữa của những người thầy, người cô đó là được nhìn thấy những học trò từng được các cô dìu dắt những bước đi chập chững đầu tiên đã từng bước trưởng thành, gặt hái được thành công bước đầu trong học tập và cuộc sống.
Bài, ảnh: Đào Hằng