Ông Nguyễn Văn Đẳng năm nay tròn 70 tuổi, đã làm Bí thư chi bộ thôn Tràng An của xã Lạng Phong, huyện Nho Quan liên tục 24 năm, trong đó có 8 năm liền (2009-2016) đạt chi bộ xuất sắc. Ông còn là người có công rất lớn trong việc thực hiện chủ trương xóa thôn, bản "trắng" đảng viên của huyện ủy, thành lập Chi bộ thôn Đồng An của xã…. Ông Đẳng có dáng người thấp đậm, nước da bánh mật, bàn tay thô ráp, rắn chắc và nụ cười hiền lành, ấm áp. Ông sinh ra và lớn lên tại thôn Tràng An nằm ngoài đê Năm Căn, bên bờ sông Lạng của xã Lạng Phong.
Vì nhà nghèo, năm 16 tuổi, ông phải nghỉ học và bắt đầu tham gia công tác với vị trí bí thư chi đoàn, kiêm trung đội trưởng dân quân thôn Tràng An. Năm 20 tuổi, ông đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Sau đó, ông tạm biệt gia đình, quê hương và người yêu lên đường nhập ngũ, nhưng vì lý do sức khỏe, ông xuất ngũ về địa phương. Trở lại quê hương, sau 3 năm đi bộ đội, người đảng viên trẻ đó tiếp tục được giao nhiệm vụ công tác cho đến hôm nay. Ông trải qua rất nhiều chức vụ của xã Lạng Phong như: phó công an xã, phó chủ nhiệm, chủ nhiệm HTX, chủ tịch Hội Nông dân, ủy viên thường trực MTTQ xã… rồi bí thư chi bộ thôn. Ông Đẳng chia sẻ nỗi lòng, 52 năm rồi, tôi liên tục công tác, nhưng không được hưởng chế độ bảo hiểm, hưu trí gì, ngoài việc hưởng 0,9% lương cơ bản của chức danh bí thư chi bộ thôn như hiện nay.
Với giọng đầy phấn khởi, tự hào, ông Đẳng nói, tôi là một trong những người thành lập chi bộ Đồng An. Cũng như thôn Tràng An, thôn Đồng An nằm ngoài đê Năm Căn bên dòng sông Lạng. Đây là thôn 100% đều là người có đạo và chiếm tới 1/3 dân số của xã Lạng Phong. Thôn Đồng An khi chưa có đảng viên và chi bộ Đảng lãnh đạo rất khó khăn cho các hoạt động của địa phương. Việc thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, tình hình an ninh trật tự và nhiều phong trào thi đua khác của thôn tiến triển chậm, có việc phức tạp… Không ít người ở thôn còn có suy nghĩ là người có đạo nên không được vào Đảng, phấn đấu công tác mà làm gì? Trước tình hình đó, thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy Nho Quan về xóa thôn bản "trắng" đảng viên, Đảng ủy xã Lạng Phong phân công ông Đẳng cùng một số đồng chí khác nhiệm vụ gây dựng phong trào, phát triển đảng viên ở thôn Đồng An.
Bằng các mối quan hệ của mình, trước hết, ông làm công tác tư tưởng cho mọi người thông suốt, xóa bỏ mặc cảm là người có đạo. Ông thường nói: "Ai nói người có đạo không được vào Đảng thì gặp tôi". Sau đó, ông tìm đối tượng tuyên truyền, giác ngộ, giao nhiệm vụ thử thách. Ông nhớ đó là thời điểm năm 2006- 2007, tìm mãi cũng tuyên truyền, giác ngộ được 5 quần chúng. Quá trình "ươm nguồn" cũng rất vất vả và kỳ công. Khi làm hồ sơ chuẩn bị kết nạp thì 3 quần chúng "xin rút", còn lại 2. Khi kết nạp 2 quần chúng đó vào Đảng, sau một thời gian, một người cũng bỏ sinh hoạt chi bộ. Kết quả đợt 1 chỉ còn một đảng viên gốc giáo ở thôn Đồng An cũng đã là thành công lớn, bước đầu của ông.
Những năm sau đó, ông tích cực tìm "nguồn", kiên trì vận động, giáo dục, thuyết phục nên nhiều người có đạo ở thôn Đồng An cũng nhận thức ra. Đợt 2, ông chọn và cho 9 quần chúng ưu tú làm hồ sơ kết nạp Đảng. Để tiện việc lãnh đạo phong trào và sinh hoạt, học tập của đảng viên, ông đề nghị và được xã cử 1 đồng chí Đảng ủy viên xã, cùng ông và đồng chí đảng viên của đợt 1 thành lập chi bộ thôn Đồng An do ông làm Bí thư. Ngày thành lập chi bộ cũng là ngày chi bộ tổ chức kết nạp các quần chúng gốc giáo thôn Đồng An vào Đảng. Niềm vui như được nhân lên, những mặc cảm trước đây về người có đạo không được vào Đảng đã được xóa bỏ. Thôn Đồng An từ ngày có chi bộ Đảng lãnh đạo, các hoạt động dần đi vào nề nếp, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước được mọi người chấp hành tốt hơn. Bà con giáo dân trong thôn có sự lãnh đạo của chi bộ, yên tâm, hăng hái làm ăn, phát triển kinh tế; sống tốt đời, đẹp đạo, kính chúa, yêu nước; đảm bảo an ninh trật tự, không có các tệ nạn trộm cắp, ma túy. Người dân tin vào Đảng và ngày càng nhiều người có đạo ở thôn Đồng An được đứng trong hàng ngũ của Đảng….
Gần một năm làm Bí thư chi bộ cả hai thôn, ông Đẳng lại trở về làm Bí thư chi bộ thôn Tràng An. Hiện nay, ông Đẳng tuổi đã cao, sức không còn khỏe, song tiếng nói và uy tín của người đảng viên gốc giáo- Bí thư chi bộ đó vẫn rất có trọng lượng và cần thiết cho quê hương. Chỉ mấy tháng nữa, ông tròn 50 năm tuổi Đảng. Hôm tôi đến, ông vừa ký giấy chuyển sinh hoạt Đảng cho một đảng viên của chi bộ về thành phố Hà Nội làm việc. Vui vì sự tiến bộ của con cháu nhưng ông cũng không khỏi chạnh lòng vì chi bộ giờ chỉ còn 8 đảng viên. Phát triển đảng viên mới giờ cũng rất khó- ông tâm sự. Khó không phải vì là người có đạo mà khó vì thanh niên của thôn ông, lớn lên đi học hành, tìm việc làm ăn nơi xa. Nhưng chi bộ ông vẫn có cách để tạo nguồn, phát triển đảng. 8 đảng viên của chi bộ thôn Tràng An, ai cũng có nhiệm vụ. Người là bí thư chi đoàn, người là chi hội trưởng cựu chiến binh, phụ nữ, nông dân của thôn… Họ đang đoàn kết bên cạnh người Bí thư chi bộ cao tuổi, cùng nhau sống "tốt đời, đẹp đạo" góp phần tiếp nối truyền thống anh hùng của quê hương; giữ vững và phát huy thành tích đạt chuẩn nông thôn mới của xã Lạng Phong. Nói về người Bí thư thôn Tràng An, đồng chí Trần Duy Đông, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lạng Phong cho biết, tiếng nói của bác Đẳng rất có trọng lượng đối với bà con giáo dân. Đã nhiều lần bác Đẳng đặt vấn đề xin được nghỉ công tác vì lý do tuổi cao, sức yếu, nhưng Thường trực Đảng ủy xã đã gặp gỡ, động viên nên bác Đẳng vẫn tiếp tục công tác. Người Bí thư chi bộ già đó vẫn còn rất cần cho sự nghiệp chung của địa phương.
Chia tay chi bộ thôn Tràng An, chúng tôi tìm đến nhà đồng chí Đinh Minh Sơn, người dân tộc Mường hiện đang là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Sấm 2 xã Cúc Phương (Nho Quan). Đây là xã miền núi, thuộc diện hưởng chương trình 135 của Chính phủ có nhiều thôn, bản, trong đó có đến 3 thôn Sấm được đặt tên là Sấm 1, Sấm 2 và Sấm 3. Ông Đinh Minh Sơn năm nay 65 tuổi, dáng người cao gầy trong bộ quân phục sờn cũ, vui vẻ ra đón chúng tôi. Sau cái bắt tay thật chặt, ông mời chúng tôi vào ngôi nhà mới xây dựng khang trang còn thơm mùi sơn. Bên chén trà xanh đặc quánh, ông ngồi nói chuyện về cuộc đời công tác của mình và cơ duyên làm Bí thư chi bộ thôn đến nay đã được 15 năm.
Bí thư Chi bộ thôn Sấm 2, Đinh Minh Sơn bên ngôi nhà mới xây dựng.
18 tuổi, ông cũng như bao chàng trai lúc bấy giờ lên đường nhập ngũ vào miền Nam chiến đấu. Ông đã tham gia nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch trong đội hình Binh đoàn Tây Nguyên, trong đó có cả chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Năm 1977, ông xuất ngũ và trở về địa phương tham gia các công tác như: thư ký đội sản xuất, phó chủ nhiệm HTX sản xuất nông nghiệp, cán bộ tài chính xã, xã đội trưởng… Năm 1985, ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng và lại càng tích cực tham gia công việc ở địa phương. Là người lính chiến trở về và là một đảng viên, ông không nề hà việc gì, Đảng ủy phân công đâu ông làm nhiệm vụ đó. Nhưng sức khỏe yếu do những năm tháng chiến đấu ở chiến trường cộng với hoàn cảnh gia đình khó khăn, đông con, ông xin nghỉ công tác ở xã để về tập trung làm kinh tế. Cùng với thời gian ông xin nghỉ công tác, Đảng ủy xã Cúc Phương có chủ trương thành lập chi bộ thôn Sấm 2. Vì khi đó, 3 thôn Sấm của xã chỉ có 1 chi bộ lãnh đạo. Nói là nghỉ công tác về làm kinh tế gia đình, nhưng ông Sơn đâu có được nghỉ. Đảng ủy xã phân công ông làm Bí thư Chi bộ thôn Sấm 2 và từ năm 2002 đến nay, ông luôn được tín nhiệm cao gánh vác công việc Bí thư chi bộ.
Thôn Sấm 2 có 48 hộ với 98% là dân tộc Mường, 2% còn lại là con dâu, con rể từ các dân tộc khác đến. ở đây đất rộng, đồi núi nhiều, nhưng diện tích đất sản xuất của thôn chỉ có 50 ha. Thiên nhiên ở vùng này khắc nghiệt, trồng lúa có khó khăn là không tự chủ được nước tưới. Ngay nguồn nước sinh hoạt cũng rất khan hiếm. Sản xuất của bà con những năm đó chủ yếu là "đào mài, hái lá", đời sống cực kỳ khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo của thôn đến 45-50%. Trước tình hình đó, với vai trò là Bí thư, ông Sơn đã cùng các đảng viên trong chi bộ tập trung lãnh đạo phát triển sản xuất với phương hướng là chuyển từ cây lúa sang cây mía, kết hợp với khai thác thế mạnh chăn nuôi, trồng rừng. Khi chuyển sang trồng cây mía, không ít người đắn đo, nghi ngại, liệu có chắc làm được cây mía không? Cây mía có hợp với đất đai, thổ nhưỡng không và trồng được rồi, bán cho ai?.... Những câu hỏi đó không phải là không có căn cứ. Nghị quyết chi bộ đã ra, những đảng viên của chi bộ vừa phải tuyên truyền, vận động bà con, vừa gương mẫu đi trước trồng mía. Chi bộ phân công mỗi đảng viên phụ trách một số hộ gia đình để đến vận động trồng mía. Từ khó khăn đi lên, đến nay, cây mía đã trở thành cây chủ lực của thôn Sấm 2 và của cả xã Cúc Phương. Đặc biệt, đầu ra của cây mía hiện nay khá ổn định. Xã đã ký hợp đồng với Nhà máy mía đường Việt Đài để bao tiêu sản phẩm. Diện tích trồng mía của thôn Sấm 2 cũng ngày càng mở rộng, hiện nay là gần 40 ha. Đường hướng phát triển cây mía kết hợp với chăn nuôi, trồng rừng của chi bộ thôn Sấm 2 đã từng bước đi vào cuộc sống của thôn, bản đồng bào Mường. Nhiều gia đình đảng viên với mô hình trồng cây mía và chăn nuôi, thu nhập 70-80 triệu đồng/năm. Từ đó, bà con người dân tộc càng hăng hái thi đua, lao động sản xuất và làm giàu.
Đến thôn Sấm 2 hôm nay, mới cảm nhận được sự thay đổi của bản Mường. Hầu hết, bà con đã có nhà xây kiên cố, nhiều ngôi nhà xây dựng rất đẹp. Ngay gia đình Bí thư Đinh Minh Sơn, vừa xây dựng được ngôi nhà rất khang trang một phần quan trọng cũng nhờ cây mía. Thôn Sấm 2 giờ đây chỉ còn 5 hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều, số hộ khá trở lên là 30 hộ… Khi kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tinh thần cũng đổi thay nhiều. Nhà nhà, người người trong thôn đều quan tâm và chăm lo đến sự nghiệp giáo dục của con em mình. 100% trẻ em trong thôn đều được đến trường. Nhà văn hóa thôn được xây dựng, làm chỗ luyện tập ca hát cho đội văn nghệ. Các hoạt động thể dục thể thao được quan tâm, tại Đại hội thể dục, thể thao xã Cúc Phương lần thứ 7 vừa qua, thôn Sấm 2 dành giải nhì môn chạy và bắn nỏ, giải 3 môn bóng chuyền…
Kết quả đó càng làm cho vai trò, uy tín của chi bộ Đảng do ông Sơn làm Bí thư tăng cao. Ngày càng có nhiều con em người dân tộc Mường được chi bộ bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện phấn đấu để đứng trong hàng ngũ của Đảng. Ông Sơn kể, 15 năm, từ ngày thành lập đến nay, chi bộ đã kết nạp được 20 người vào Đảng. Ngay trong 8 tháng của năm 2017, chi bộ cũng đã kết nạp được một đảng viên mới. Từ chi bộ Sấm 2, nhiều đảng viên trẻ đã tốt nghiệp đại học và có người phát triển trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của xã. Tiếng nói của ông Sơn với vai trò là bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận còn được thể hiện qua việc đã giải quyết thành công nhiều vụ xích mích trong thôn, bản. Từ chuyện vì con trẻ nghịch ngội, lấy con gà, quả bưởi, gia đình anh K và chị N trong thôn nghi kỵ, cãi cọ nhau. Bác Sơn đến phân tích, lý giải điều hơn, lẽ thiệt, hai gia đình đã nhận ra đúng, sai để cùng nhau dạy bảo con cái tốt hơn. Có hộ gia đình tranh cãi nhau vì người nọ nói nhà kia lấn đất ruộng, đất ở… lời qua tiếng lại gây căng thẳng, bác Sơn đến tìm hiểu và bảo ban, mâu thuẫn nhỏ được xóa bỏ, tình làng, nghĩa xóm nối lại như xưa.
Chính vì thế mà an ninh, trật tự ở thôn, bản được giữ vững. Đồng bào vui vẻ, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới. Thôn Sấm 2 đã được công nhận là làng văn hóa từ năm 2010, được ủy ban MTTQ tỉnh, UBND huyện Nho Quan khen thưởng. Chi bộ thôn Sấm 2 qua 15 năm luôn được công nhận danh hiệu chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh hoặc là hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong thành tích chung đó, có công lao không nhỏ của người Bí thư chi bộ 65 tuổi đời, hơn 35 năm tuổi Đảng- Đinh Minh Sơn… Đánh giá về người Bí thư Chi bộ thôn Sấm 2, đồng chí Bùi Hoàng Việt, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cúc Phương khẳng định, bác Sơn là người nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm đối với công việc. Mặc dù tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng ông vẫn tích cực, gương mẫu trong công tác cũng như lối sống, được tổ chức Đảng và đồng bào dân tộc tín nhiệm cao. Đây thực sự là một trong những người bí thư chi bộ ở thôn, bản cấp ủy Đảng cần và nhân dân tin tưởng.
Lời kết: Hình ảnh bình dị của ông Đẳng, ông Sơn là những người Bí thư chi bộ đã cao tuổi ở những thôn, bản đã đem đến cho chúng tôi sự xúc động xen lẫn tự hào. Chính họ đã và đang góp phần giữ vững thanh danh, uy tín của Đảng và đem lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Bài, ảnh: Nguyễn Đông