Thời gian đã qua đi, nhưng hình ảnh của Bác kính yêu cùng những lời chỉ bảo ân cần và tình cảm của Người mãi mãi in đậm trong ký ức của cán bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình. Mỗi lần Bác về là một lần Bác giao cho nhân dân Ninh Bình những nhiệm vụ cụ thể phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước như: Đoàn kết lương - giáo, tăng gia sản xuất, diệt giặc đói, giặc dốt, xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, đoàn kết dân chủ… Trong thời điểm hiện nay, khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang ra sức thi đua thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", chúng tôi đã ghi lại những đổi thay trên những vùng đất đã vinh dự được Bác về thăm, để thấy những lời dạy của Người là "Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau…".
Theo dấu chân Bác Hồ
Điểm đầu tiên trong hành trình "theo chân Bác" của chúng tôi là thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn) - nơi đã được vinh dự đón Bác về thăm vào ngày 13-1-1946. Trong lần về thăm đó, Người đã nhắc nhở đồng bào: Kính Chúa phải yêu nước. Nước không được độc lập thì tôn giáo không được tự do nên chúng ta phải làm cho nước độc lập đã. Thời gian đã hơn nửa thế kỷ, nhưng những lời dạy của Bác vẫn còn in sâu trong tiềm thức của mỗi người dân nơi đây. Những năm qua, đặc biệt là từ khi Đảng ta phát động cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Đảng bộ và nhân dân thị trấn Phát Diệm đã không ngừng tăng cường mối đoàn kết lương - giáo, tạo thành sức mạnh đại đoàn kết, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội. Là một địa bàn có gần 30% đồng bào theo đạo Công giáo, Phát Diệm đã quan tâm đến việc triển khai học tập các chuyên đề của cuộc vận động đến cán bộ, đảng viên, đến các tầng lớp nhân dân, trong đó có cả các chức sắc, chức việc để mọi người hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp cũng như tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, từ đó có những việc làm cụ thể, thiết thực làm theo lời Bác như tuyên truyền để các tín đồ tôn giáo tham gia vào các phong trào thi đua, hưởng ứng cuộc vận động, góp phần tích cực trong việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
Điểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi là vùng đất Nho Quan giàu truyền thống cách mạng. Đến xã Lạng Phong, điểm nổi bật mà chúng tôi ghi nhận được trên mảnh đất này là cái đói, cái nghèo đã được nhường chỗ cho một diện mạo nông thôn mới với hệ thống điện, đường, trường, trạm khang trang. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã và đang nỗ lực hết mình để xứng đáng với truyền thống cách mạng của một vùng quê anh hùng đã vinh dự được đón Bác Hồ về dự và chủ trì hội nghị điền chủ ngày 10-2-1947. Khi đó, Bác mong đồng bào nơi đây đoàn kết để diệt giặc đói, giặc dốt, để đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Khắc ghi lời Bác, cùng với việc tích cực triển khai các phong trào thi đua yêu nước, hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", nơi đây, nhiều đảng viên đã gương mẫu đi đầu trong các phong trào làm vụ đông, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, xây dựng nhà văn hóa… Đời sống nhân dân đã được cải thiện nhiều mặt, giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt gần 40 triệu đồng. Lạng Phong đã có 6,5 km đường liên thôn được cứng hóa, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, 21 phòng học được xây dựng kiên cố. Toàn xã có 8/10 thôn có nhà văn hóa, xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế...
Chế biến dứa xuất khẩu ở Công ty CPTPXK Đồng Giao. Ảnh: Thế Minh
Trên mảnh đất Khánh Cư (Yên Khánh) - nơi đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và động viên nhân dân chống hạn vào ngày 15-3-1959. Thời gian qua, người dân nơi đây đã không ngừng phấn đấu hăng hái tham gia lao động sản xuất để xứng đáng với những lời căn dặn của Người 49 năm về trước. Khánh Cư nay đã khác xưa, với diện mạo của một vùng nông thôn mới đang trên đà phát triển, nhiều công trình phục vụ đời sống xã hội đã được xây dựng. Đặc biệt, từ khi cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được triển khai, đã tạo nên động lực mới để Đảng bộ và nhân dân Khánh Cư tiếp tục phấn đấu. Đảng bộ xã đã tổ chức thực hiện học tập, quán triệt nội dung của cuộc vận động tới tất cả cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như tổ chức các diễn đàn, giao lưu gặp gỡ với các nhân chứng lịch sử đã từng gặp Bác Hồ, đưa nội dung cuộc vận động vào sinh hoạt định kỳ hàng tháng của các chi bộ, khuyến khích việc sưu tầm những câu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ để thông qua học tập, mỗi người có nhận thức đúng đắn, sâu sắc hơn về giá trị nhân văn, đạo đức, lối sống và cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời thấy được trách nhiệm của mình trong sự nghiệp CNH - HĐH đất nước, xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh.
Điểm dừng chân cuối cùng của chúng tôi là Nông trường Đồng Giao (nay là Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao), nơi vinh dự được Bác đến thăm vào ngày 20-7-1960. Trong trí nhớ của ông Phạm Tường Minh, cán bộ Nông trường Đồng Giao lúc bấy giờ, khi Bác về thăm, mọi người đều chung một tâm trạng bất ngờ, vui mừng và xúc động, Bác gần gũi, giản dị, đầy tình yêu thương với cán bộ, công nhân viên. Bác dặn dò cán bộ, công nhân Nông trường Đồng Giao phải chọn những cây trồng thích hợp, phù hợp với điều kiện tự nhiên để nâng cao năng suất, xứng đáng với hình mẫu đầu tiên của kinh tế quốc doanh nông nghiệp XHCN. 48 năm đã đi qua, cán bộ, công nhân nơi đây vẫn ghi nhớ lời Bác. Từ một Nông trường với quy mô nhỏ hẹp, giờ đây thương hiệu DOVECO của Công ty đã đến nhiều nơi trong và ngoài nước, tạo được niềm tin cho khách hàng. Đồng Giao bây giờ mang một màu xanh mướt của những cánh đồng dứa bao la, rộng lớn, Công ty là một trong 6 trung tâm chế biến thực phẩm hiện đại và quy mô nhất nước ta.
Sức lan tỏa của cuộc vận động
Theo "Dấu chân Bác Hồ" đến những vùng quê mà Bác đã về thăm, chúng tôi nhận thấy cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo ra sự chuyển biến sâu sắc trong tư tưởng và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân toàn tỉnh. Qua hơn 1 năm thực hiện cuộc vận động, các cấp, các ngành đã tổ chức triển khai thực hiện cuộc vận động bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, bằng những phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp. Tiêu biểu như ngành Giáo dục - Đào tạo đã tổ chức học tập cho tất cả cán bộ, giáo viên trong toàn tỉnh, gắn cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" với cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục". Tỉnh đoàn tổ chức phát động và triển khai cuộc vận động gắn với đẩy mạnh cuộc vận động "Tuổi trẻ Ninh Bình học tập và làm theo lời Bác", tổ chức cho 5.600 cán bộ, đoàn viên, đội viên tiêu biểu đi tham quan, học tập tại các khu di tích lịch sử cách mạng, bảo tàng, báo công tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát động phong trào tuổi trẻ hưởng ứng cuộc thi tìm hiểu tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh; tổ chức 107 diễn đàn "Tuổi trẻ Ninh Bình học tập và làm theo lời Bác"; 85 buổi tọa đàm, gặp mặt, hội trại, gặp gỡ các nhân chứng đã vinh dự được gặp Bác Hồ với chủ đề "Thanh niên làm theo lời Bác", "Dâng Đảng niềm tin, nhớ Bác Hồ", "Chúng con hát về Người"… Các bước của cuộc vận động đã được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai nghiêm túc, đạt hiệu quả. Nhiều đơn vị đã kết hợp giữa nghiên cứu, học tập các chuyên đề với việc tổ chức chiếu phim, băng hình; sưu tầm tranh ảnh tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; lồng ghép các nội dung của chuyên đề với những mẩu chuyện về Bác. Nhiều đơn vị, chi bộ thôn, phố đã bố trí cho cán bộ, đảng viên đi thăm di tích lịch sử, nơi ở và làm việc của Hồ Chủ tịch, nhiều cơ quan đơn vị bổ sung kinh phí mua sách báo, tạp chí, tài liệu củng cố các phòng đọc, thư viện phục vụ việc nghiên cứu, học tập về Bác. Các hội thi "Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" từ cấp huyện đến cấp tỉnh đã tạo ra một sức lan tỏa mạnh mẽ, đã có nhiều câu chuyện kể xúc động, những liên hệ sâu sắc mà các thí sinh mang đến hội thi. Qua đó tạo động lực cho các phong trào thi đua làm theo lời Bác đạt hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.
Quỳnh Thu