Không chỉ lắng nghe mà còn định hướng dư luận Thời gian qua, Ban Tuyên giáo các cấp đã chủ động rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ CTV dư luận xã hội, sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động, duy trì thường xuyên chế độ báo cáo tình hình tư tưởng, dư luận xã hội với thường trực cấp ủy và thông báo kịp thời những thông tin có liên quan đến cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị để quan tâm chỉ đạo, giải quyết. Hiện toàn tỉnh có 532 CTV dư luận xã hội các cấp. Đây là những người hiểu biết, sống và tiếp xúc thường xuyên với các tầng lớp xã hội trên địa bàn và biết phân tích, đánh giá những ý kiến của nhân dân. Nhờ tích cực chủ động trong việc nắm bắt dư luận xã hội qua nhiều hình thức, kênh thông tin từ nguồn CTV, công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh ta ngày càng đi vào nề nếp, kịp thời, phong phú, nhiều chiều; chất lượng thông tin ngày càng sâu sắc hơn, tập trung vào nhiều vấn đề, sự kiện quan trọng có tính thời sự, được đông đảo cán bộ, đảng viên, tầng lớp nhân dân quan tâm. Điển hình như việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", về tình hình Biển Đông, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, vi phạm an toàn giao thông, vấn đề tôn giáo… Từ những thông tin, nhận định của đội ngũ CTV dư luận xã hội mà nhiều vấn đề bức xúc tại cơ sở của nhân dân được giải quyết; giảm thiểu tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo và tình trạng khiếu kiện đông người.
Do sinh sống và công tác trên các địa bàn như các cơ quan, thôn, xóm nên đội ngũ CTV dư luận xã hội nắm bắt nhanh và kịp thời những "phản ứng" xã hội của các nhóm xã hội và cộng đồng dân cư với tính trung thực cao. Để đảm bảo các thông tin luôn được nắm bắt, thu thập và phản ánh kịp thời thì việc giữ mối liên hệ thường xuyên, liên tục giữa Ban Tuyên giáo các cấp và đội ngũ CTV dư luận xã hội là rất cần thiết. Bên cạnh việc trao đổi tại hội nghị giao ban CTV hàng tháng, mỗi CTV có thể gửi thư, điện thoại hoặc có thể trực tiếp gặp gỡ lãnh đạo Ban tuyên giáo cấp ủy phụ trách để trao đổi những vấn đề nóng, nhạy cảm. Vì vậy, đội ngũ CTV dư luận xã hội không chỉ nắm bắt tâm tư của người dân, tâm trạng xã hội một cách đơn thuần mà chính họ là những người tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội trong phạm vi phụ trách.
Chúng tôi có dịp tìm hiểu sâu về đội ngũ CTV dư luận xã hội ở Yên Khánh. Năm 2008, xuất phát từ yêu cầu thực tế của công tác tư tưởng trong tình hình mới, mạng lưới CTV dư luận xã hội ở Yên Khánh được xây dựng. Tiêu chí đầu tiên được đặt ra là phải lựa chọn được đội ngũ CTV hoạt động thực sự hiệu quả và trách nhiệm. Không cần quá nhiều người tham gia, mỗi xã chỉ cần 1 CTV, riêng những xã có đông đồng bào theo đạo thì có 2 CTV, quan trọng là phải tìm được những người có tư tưởng vững vàng, nhiệt tình, trung thực, có phương pháp tốt trong nắm bắt, khai thác thông tin, có mối quan hệ tương đối rộng và đặc biệt là phải có uy tín ở cơ sở. Đến nay, sau hơn 7 năm đi vào hoạt động, mạng lưới CTV dư luận xã hội ở Yên Khánh đã có sự trưởng thành, lớn mạnh và phủ khắp các địa bàn, các ngành, các lĩnh vực hoạt động. Đồng chí Tống Thanh Hùng, Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy Yên Khánh cho biết: Toàn huyện có 38 CTV dư luận xã hội, hầu hết các CTV đều có kinh nghiệm, uy tín và phương pháp hoạt động hiệu quả. Nhiều CTV trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã thể hiện được năng lực, bản lĩnh chính trị và khả năng thu thập, chắt lọc và thẩm định thông tin, được cấp ủy cơ sở và Ban Tuyên giáo huyện ủy đánh giá cao.
Tích cực đổi mới phương pháp hoạt động
Công tác nắm bắt dư luận xã hội đã trở thành một trong những kênh thông tin quan trọng phục vụ tốt công tác định hướng tư tưởng; phòng ngừa và xử lý các điểm nóng xã hội; hình thành dư luận xã hội tích cực; tạo sự thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, tham mưu cho cấp ủy trong công tác tuyên truyền và phản tuyên truyền, xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề nảy sinh về tư tưởng; tăng cường đấu tranh phản bác và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, góp phần vào việc giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nhìn chung nội dung phản ánh từ các CTV dư luận xã hội cơ bản bám sát tình hình thực tiễn và đã trở thành một kênh thông tin quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, giải quyết những vấn đề nổi cộm phát sinh trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, thời gian qua, thông qua việc nắm bắt tình hình dư luận xã hội, một số vấn đề nảy sinh trong công tác chuẩn bị nhân sự đại hội tại cơ sở đã được giải quyết kịp thời, góp phần tổ chức thành công đại hội Đảng bộ cấp cơ sở và cấp trên cơ sở.
Theo quy chế được ban hành, CTV dư luận xã hội vừa nắm bắt, tổng hợp, phân tích tâm trạng xã hội, dư luận xã hội trước những vấn đề, sự kiện quan trọng của địa phương, của tỉnh, của huyện, trước những tác động từ chính sách của Đảng và Nhà nước tới đời sống nhân dân; đồng thời có những đề xuất, kiến nghị và giải pháp. Vì thế, bên cạnh việc lựa chọn CTV với những tiêu chuẩn, tiêu chí đề ra thì việc xây dựng phương pháp hoạt động hay cách thức phản ánh thông tin cũng là công việc được Ban Tuyên giáo các cấp hết sức coi trọng, liên tục đổi mới với phương châm "Hướng về cơ sở, vì cơ sở". Luồng thông tin mà các CTV dư luận xã hội thu thập được rất đa dạng: Có những thông tin chỉ là tin đồn, có những thông tin chỉ là dư luận, có thông tin chỉ chính xác một phần. Vì vậy mà sau khi nhận được phản ánh của các CTV dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo các cấp sẽ có trách nhiệm chắt lọc, thẩm định thông tin để những thông tin báo cáo thường trực cấp ủy phải là những thông tin có độ chính xác tương đối cao.Với một phương pháp hoạt động khoa học, hiệu quả cùng với việc chú trọng giữ vững và bảo vệ uy tín của các CTV, Ban Tuyên giáo các cấp đã khuyến khích được các CTV hoạt động tích cực, trách nhiệm, đặc biệt là phản ánh được những mặt trái tại cơ sở.
Thời gian tới, với phương châm hướng mạnh về cơ sở, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục đưa hoạt động nghiên cứu, nắm bắt và phản ánh dư luận xã hội trở thành nhiệm vụ thường xuyên không thể thiếu trong công tác tuyên giáo và hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Từ đó góp phần nghiên cứu, đề xuất các biện pháp định hướng và hình thành dư luận xã hội tích cực, tạo sự thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Quỳnh Thu