Rất may mắn là những năm tôi làm Bí thư Huyện ủy Hoa Lư (1988-1992) Đại tướng thường ghé thăm huyện mỗi khi qua Ninh Bình, nơi (theo Đại tướng tâm sự) vừa là đất Cố đô, vừa có nhiều kỷ niệm về thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trong đó có dịp huyện mời Đại tướng thăm lại nơi trực tiếp thị sát chỉ đạo chiến dịch Quang Trung (1951), thăm nơi ngủ lại ở nũi Trẽ Trường Yên, gặp lại người quân báo chở đò đưa Đại tướng xuyên qua thủy động xuống Ninh Xuân - nơi Bộ chỉ huy chiến dịch đóng. Và một kỷ niệm không bao giờ quên là Đại tướng đã nhận lời mời của huyện dự cuộc ra mắt Ban Chấp hành lâm thời Hội Cựu chiến binh huyện Hoa Lư (cũng là lần đầu và duy nhất) Đại tướng dự ra mắt Hội Cựu chiến binh một huyện. Lúc này chưa có Hội Khuyến học nhưng Đại tướng vừa trao đổi, vừa như nhắc nhở chúng tôi phải quan tâm đến vấn đề tự học. Đại tướng nói: Tôi làm đến Đại tướng mà có được học trường quân sự nào đâu, chỉ nhờ vào tự học, cứ mỗi khi rảnh rỗi là tranh thủ đọc sách, kể cả lúc ngồi trên xe.
Chính nhờ có mối quan hệ gần gũi với Đại tướng nên khi Ninh Bình thành lập Hội Khuyến học, mỗi lúc gặp tôi là Đại tướng lại hỏi han về tình hình khuyến học ở Ninh Bình và luôn nhắc: Phải đặc biệt chú trọng phong trào ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa; quan tâm đến đào tạo người lao động sao cho họ nắm được khoa học kỹ thuật mới, vươn lên nắm được đỉnh cao trí tuệ của thế giới, làm chủ nó thì mới đáp ứng được yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa quê hương, đất nước.
Có một kỷ niệm rất đặc biệt là khi về thăm tỉnh Ninh Bình năm 2001, Đại tướng có nhã ý gặp tôi để hỏi về tình hình khuyến học ở Ninh Bình. Đại tướng rất vui và khen ngợi khi biết sau thành lập (1999) chưa được một năm mà Hội Khuyến học đã phủ khắp các thôn, xóm và cấp Hội nào cũng có Quỹ khuyến học.
Nhân dịp ấy tôi có đề nghị Đại tướng gặp Thường trực Hội Cựu chiến binh tỉnh (anh Trần Đăng Thành, Quách Thanh Miện và anh Trần Duy Thị). Sau khi say sưa báo cáo về thành tích phong trào giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, tham gia công tác chính trị - xã hội của cựu chiến binh, tuy khen ngợi, biểu dương nhiều, nhưng Đại tướng lưu ý rằng: Các cựu chiến binh nếu chỉ lo làm tốt việc xóa đói cái bụng thôi thì chưa đủ, mà phải lo xóa đói về trình độ văn hóa, nếu cựu chiến binh không thường xuyên tự nâng cao trình độ thì sẽ lạc hậu với tình hình và như vậy thì làm sao giữ vững và phát huy được bản chất của anh Bộ đội Cụ Hồ. Và nếu chỉ lo cho bản thân mỗi cựu chiến binh thì mai kia ai sẽ thay thế, xứng đáng các cựu chiến binh để đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới…
Sau khi gặp gỡ và được Đại tướng trao đổi, chúng tôi thấm thía hơn nhiều về nhiệm vụ, mục tiêu của công tác khuyến học. Đây thực sự là một trong những nguyên nhân thành công về tư tưởng và phương châm chỉ đạo phong trào. Vì vậy mà từ đó, công tác khuyến học nói chung của Hội Cựu chiến binh tỉnh nói riêng phát triển mạnh mẽ và bền vững như ngày nay. Tôi cảm nghĩ những tư tưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào ba thời điểm khác nhau: 80 tuổi, 90 tuổi và đến nay Đại tướng đã 100 tuổi vẫn còn nguyên giá trị như một phương châm chỉ đạo không chỉ đối với tỉnh Ninh Bình mà là bài học cho phong trào khuyến học cả nước nói chung và Hội Cựu chiến binh Việt Nam nói riêng.
Hoàng Xuân Khuyên
(Nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Ninh Bình)