Những cuộc hôn nhân ngoài ý muốn Trong một lần vào tiệm gội đầu, tôi cứ thắc mắc về một cô giúp việc tại tiệm này. Động làm cái gì, cô bé tầm 17, 18 tuổi cũng bị cô chủ cửa tiệm mắng mỏ. Buột miệng bảo "nó không biết làm thì nhận vào làm gì để suốt ngày thấy mắng nó là thế nào?", tôi được chị chủ tiệm kể cho nghe câu chuyện về cô bé A, quê ở xã Ninh Tiến (thành phố Ninh Bình), cũng như bao người nông dân trong làng, bố mẹ A sau khi ruộng đất phải thu hồi để bàn giao cho các dự án về du lịch đã khăn gói lên thành phố tìm kế mưu sinh. Dù từ nhà ra thành phố chẳng bao xa, chỉ vài cây số nhưng vì việc làm ăn nên cả bố mẹ A phải đi từ sáng sớm tới tối mịt mới về. Việc học hành, ăn uống của chị em A hoàn toàn do bọn trẻ tự lo. Khi đó, A cũng thuộc diện nhanh nhẹn, hoạt bát nên bố mẹ cũng yên tâm, bớt lo lắng khi để con cái ở nhà. Nhưng nhanh nhẹn như A ở trong môi trường nông thôn buồn chán đã khiến cô bé luôn tò mò với ánh đèn đô thị. A nhanh chóng kết bạn được với nhóm bạn người thành phố. Rồi A có người yêu là một anh chàng "chíp hôi" cũng chẳng học hành, nghề ngỗng gì… Thấy tôi hào hứng với câu chuyện, cô bé A đã mạnh dạn tự kể câu chuyện của đời mình: A bảo, cháu biết "mùi đời" từ năm học lớp 8, tức là khi đó mới 13, 14 tuổi và bỏ học từ đó. Cách đây 2 năm, tức là khi A 16 tuổi, A đã về ở nhà chồng vì lỡ "dính" bầu và sinh được cậu con trai. Nhưng cái chỗ để nương tựa của A là cậu chồng non choẹt ấy cũng mới "nhập trại" vì hành vi sử dụng ma túy. Chị chủ tiệm gội đầu nhà ở gần đấy thấy hoàn cảnh thương tình, gọi sang cho giúp việc ở tiệm. Gọi là giúp việc nhưng theo chị chủ kể, A chẳng biết làm một việc gì, cứ sai đâu làm đấy, chỉ đâu theo đấy, nhiều khi chỉ muốn đuổi cho nhanh. Nhưng nhìn điệu bộ lóng ngóng của A, thái độ vô tư dù vừa bị mắng, chị chủ lại thay đổi. Chị thở dài bảo: Mẹ của trẻ con mà vẫn hồn nhiên, vô tư lắm, mắng vậy chứ mắng nữa nó cứ cười, cứ làm. Đẻ con ra đã 1 năm nhưng chưa bao giờ có tiền để mua sữa cho con. Gọi sang làm để mỗi tháng trả cho chút tiền lương, lấy đó mà nuôi con và bản thân, chứ bố mẹ chồng cũng nghèo, biết trông chờ vào ai... Mỗi buổi chiều, khi nhìn A bế con từ nhà sang tiệm, nhìn nó ngượng ngùng, lóng ngóng khi nựng con và dỗ dành mỗi khi thằng bé khóc, ai cũng ái ngại và thương cảm…
Cũng làm mẹ ở tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường là cô bé H. So với cô bé A, H sướng hơn nhiều vì điều kiện kinh tế của đôi bên gia đình nội, ngoại đều khá giả. Con đường dẫn H đến với vai trò làm mẹ cũng na ná cô bé A nhưng muộn hơn chút, phải đến năm lớp 11. Tình yêu của H và cậu bạn trai cùng tuổi theo như bạn bè kháo nhau cũng phải được 2-3 năm. Tuy nhiên, phụ huynh 2 bên tuyệt nhiên không biết gì về tình cảm này để khuyên răn, dạy bảo con cái vì hàng ngày, H vẫn đi học, đến lớp bình thường. Trên lớp, thầy cô vẫn khen H là học trò ngoan, chỉ bạn bè mới biết H là người như thế nào. Nhưng chính những buổi đi học thêm, những giờ trốn tiết đã dẫn H đến kết cục không hay. Phải đến khi cái thai khá to, phụ huynh mới tá hỏa lên thì "sự đã rồi". Cưới chồng khi đang có bầu nên H phải nghỉ học để sinh con. Sinh con xong, tưởng con đường học hành lại tiếp nối, nhưng chồng, rồi gia đình chồng đều thống nhất: con cái rồi học làm gì, mấy nữa con cứng cáp rồi cho ít vốn, buôn bán, kinh doanh cái gì đó là xong…Dù khóc hết nước mắt, bỏ ăn, bỏ uống nhưng đứa trẻ mới vài tháng tuổi kêu khóc đòi sữa mẹ đã khiến ước mơ học hành của H đành phải dẹp sang một bên. Mới 17, 18 tuổi làm mẹ, những lúc con ốm, con đau… khiến H luôn cảm thấy mệt mỏi, bế tắc. Đặc biệt, mẹ chồng không dịu dàng, nhẹ nhàng và chăm chút ân cần như mẹ đẻ, chỉ cần sơ suất hay để đổ vỡ thứ gì… là sẵn sàng mắng mỏ không thương tiếc, khiến H, từ một cô bé vô tư trở thành một người phụ nữ trầm tư, sống lặng lẽ…
Cần trang bị kiến thức về giáo dục giới tính, kỹ năng sống cho thanh, thiếu niên
Với lứa tuổi thanh, thiếu niên hiện nay, thú vui, giải trí của các em đã khác xa kiểu truyền thống của các bậc phụ huynh ngày xưa. Internet, mạng xã hội, công nghệ thông tin hiện đại kết nối 4 phương… đã trở thành công cụ hữu hiệu để trẻ em bây giờ biết nhiều thứ. Cô giáo N.T.H, giáo viên một trường THCS trên địa bàn thành phố kể lại: Học sinh lớp 6 mà cô chủ nhiệm khá bạo dạn. Có em gái còn viết thư tỏ tình với cậu bạn trai mà mình thích. Việc một cậu được 2 cô thích hoặc một cô có 2 cậu thích là chuyện… thường ngày. Trong tình huống này, nếu bố mẹ hoặc giáo viên biết chuyện, đứng ra làm người tâm tình, trò chuyện thì mọi chuyện sẽ khác. Nhưng thường người lớn rất ít khi hiểu chuyện, khiến trẻ lại là người hoàn toàn chủ động giải quyết các tình huống khi chưa đủ kiến thức, kỹ năng. Kết quả là các em rất dễ bị sa đà vào lối sống, sinh hoạt thiếu lành mạnh. Một lần vào Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh làm việc, các bác sỹ đã kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện khá đau lòng. Khi đưa bạn vào cấp cứu do đau bụng, được các bác sỹ chẩn đoán đã có thai và bị thai ngoài tử cung, cả bố mẹ, cô giáo lẫn các bạn học cùng đều… choáng váng, ngạc nhiên. Bởi cô bé ấy 3 năm THPT đều là học sinh ngoan, học giỏi, chưa có biểu hiện gì là có người yêu. Khi được bố mẹ gặng hỏi, cô bé mới nói thật đã có người yêu là một cậu bạn học cùng. Và trong một lần "đi quá giới hạn" ở nhà nghỉ nhân dịp xin phép bố mẹ cho đi sinh nhật bạn, cô bé đã có thai ngoài ý muốn mà không biết…
Nhằm trang bị kiến thức giáo dục giới tính, kỹ năng sống cho học sinh, thanh, thiếu niên đang ngồi trên ghế nhà trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn hướng dẫn thực hiện giáo dục kỹ năng sống tại các cơ sở giáo dục. Trong đó yêu cầu các nhà trường căn cứ điều kiện của nhà trường, thực tế của địa phương và đặc điểm tâm sinh lý, lứa tuổi, khả năng, nhu cầu của học sinh để tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, tránh việc tổ chức hình thức, quá tải, khiên cưỡng, không gây áp lực, không ép buộc học sinh tham gia. Hoạt động này yêu cầu có sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, tạo môi trường thuận lợi để giáo dục học sinh. ở tỉnh ta, để hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đạt hiệu quả, ngành Giáo dục - Đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh hoạt động ngoại khóa, trong đó có giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phù hợp với từng cấp học, bậc học, giúp các em có thêm kiến thức, kỹ năng để ứng xử hợp lý với các tình huống xảy ra trong thực tế. Vào mỗi kỳ nghỉ hè, tại Trung tâm Thanh, thiếu nhi tỉnh cũng tổ chức các lớp giáo dục kỹ năng sống cho thanh, thiếu nhi, phân các lớp theo độ tuổi để đưa những kiến thức cần thiết đến với học sinh. Những nội dung giáo dục kỹ năng sống như: cách từ chối tình cảm của bạn khác giới, dấu hiệu của tuổi dậy thì… đều được quan tâm đưa ra giảng và truyền đạt phù hợp với từng lứa tuổi. Nhiều bậc phụ huynh khi đưa con em đến đăng ký học các lớp năng khiếu hè đã quan tâm đến lớp học kỹ năng sống và thấy sự cần thiết phải trang bị cho con. Bên cạnh đó, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh và hệ thống Trung tâm dân số các huyện, thành phố trong hoạt động tuyên truyền về dân số - kế hoạch hóa gia đình đã quan tâm triển khai tuyên truyền về giáo dục giới tính. Chi cục đã phối hợp với các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh tổ chức các buổi nói chuyện, truyền thông để đưa kiến thức về giáo dục giới tính đến với học sinh. Hàng năm, nhiều buổi giáo dục giới tính được triển khai tại các trường học đã góp phần giúp các em học sinh hiểu biết và có trách nhiệm với sức khỏe sinh sản của bản thân, có kỹ năng, kiến thức để ứng xử với các tình huống…
Tuy nhiên, điều đáng buồn là, trong khi phần lớn các gia đình, các bậc phụ huynh dành nhiều thời gian chăm lo cho con cái, cận kề dạy dỗ, giáo dục cho con nên người thì vẫn còn những gia đình, phụ huynh phó mặc việc giáo dục con cái cho nhà trường, xã hội. Kết quả tất yếu là những trường hợp thanh, thiếu niên có lối sống không lành mạnh, vi phạm pháp luật, "quá đà" trong sinh hoạt, yêu đương… thường rơi vào những gia đình mà bố mẹ ít có sự quan tâm đến con cái, mải buôn bán, kinh doanh hoặc gia đình lục đục, bố mẹ ly hôn… Với độ tuổi còn non nớt cả về kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm sống, những đứa trẻ sẽ không bao giờ có một tương lai tươi sáng. Việc đánh mất tương lai, đương nhiên là điều sẽ xảy ra. Chỉ có điều, có một số bậc phụ huynh đã "chung tay" trong việc tự "bịt" lối tới tương lai của chính con mình từ sự thờ ơ, vô trách nhiệm trong giáo dục, dạy bảo con cái.
Bùi Diệu