Còn nhớ những ngày trước về đây công tác, đi lại gặp nhiều khó khăn: Đường đất lô nhô, gặp phải mùa mưa xe trơn trượt bánh, có khi ngã… Nhưng giờ đã khác xưa, Gia Thịnh như một phố thị thu nhỏ. Các thôn, xóm đều có đường bê tông vào đến từng nhà, không có sự ngăn cách, không còn cảnh lầy lội như trước nữa.
Anh Lương Ngọc Hiến, Chủ tịch UBND xã Gia Thịnh cho biết: Từ phong trào làm đường giao thông được phát động với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đến nay gần 100% đường giao thông liên thôn, liên xóm ở Gia Thịnh đã được rải nhựa hoặc bê tông hóa… Bà con nông dân phấn khởi lao động sản xuất, không còn độc canh cây lúa mà phát triển thêm nhiều ngành nghề thủ công như: Thêu ren, mây tre, giang đan…, chăn nuôi theo mô hình công nghiệp và bán công nghiệp, thu hút được lao động lúc nông nhàn.
Rời xã Gia Thịnh chúng tôi đến các xã Gia Phú, Gia Hòa, Gia Lập… đi đến đâu cũng là những con đường bê tông hoặc rải nhựa kiên cố. Anh Lê Văn Luận, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Quang Vinh (xã Gia Lập) tâm sự: Đúng là những con đường của "ý Đảng, lòng dân", Nhờ có hệ thống đường giao thông nông thôn thuận lợi nên hàng hóa nông sản được lưu thông, các mối giao lưu, quan hệ giữa các vùng được tăng cường, đã thúc đẩy kinh tế - xã hội của xã phát triển, đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Gia Lập là một trong những địa phương làm tốt phong trào kiên cố hóa đường giao thông, tạo đà cho kinh tế - xã hội phát triển.
Nông dân xã Yên Sơn (Tx Tam Điệp) làm đường giao thông nông thôn.
Đồng chí Phạm Minh Cường, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết: Ngay từ năm 1998, Sở Giao thông - Vận tải đã xây dựng quy hoạch giao thông vận tải tỉnh đến năm 2010. Trong đó riêng giao thông nông thôn đã định hướng quy hoạch phát triển để chỉ đạo thống nhất với các huyện, thị trong quá trình xây dựng, phấn đấu đến năm 2010 có 95% đường giao thông ở huyện, xã, phường, thị trấn được cứng hóa. Việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào làm đường đã được các địa phương hưởng ứng và phát động tới các thôn, xóm. Nhờ đó đã huy động được nội lực trong dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn cả về tài lực, vật lực tham gia làm đường giao thông nông thôn. Trong thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, các địa phương đã huy động được nhiều nguồn đóng góp của nhân dân, nguồn viện trợ, ủng hộ của các tổ chức quốc tế và cá nhân với phương châm: Dân làm là chính, Nhà nước hỗ trợ 20-30% giá trị công trình, trong đó phải kể đến chương trình làm đường WB2 do Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Do có chủ trương đúng đắn, nhiều địa phương đã tổ chức thực hiện, triển khai với nhiều hình thức phong phú.
Đến nay, 100% số xã trong toàn tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm; tỷ lệ cứng hóa đường huyện, xã, phường, thị trấn đạt 89,91% với tổng chiều dài 3.528,109 km, tổng kinh phí 569 tỷ 934 triệu đồng, trong đó dân đóng góp là 288 tỷ 834 triệu đồng. Những địa phương có tỷ lệ đường giao thông cứng hóa cao là huyện Yên Khánh, huyện Hoa Lư, thị xã Tam Điệp đạt 100%; huyện Yên Mô 89,42%; huyện Nho Quan 97,82%... Qua thực hiện cho thấy, sức mạnh nội lực trong dân là rất lớn khi quy chế dân chủ "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" ở cơ sở được phát huy. Do vậy, các công trình cơ bản được đảm bảo chất lượng, phù hợp với quy mô và tải trọng hiện tại của các phương tiện vận tải ở địa phương. Việc duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường được các địa phương quan tâm bằng nhiều biện pháp nên được giữ gìn khá tốt. Hệ thống đường giao thông nông thôn được nối liền đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, cũng còn một số tuyến đường ở một số xã qua thời gian, do thời tiết... và ý thức của con người trong quá trình lưu thông vận chuyển hàng quá tải trọng… đã bị xuống cấp. Thiết nghĩ, cùng với việc phát động phong trào làm đường giao thông nông thôn, đầu tư nâng cấp các tuyến đường, ngành Giao thông - Vận tải cần chú trọng hơn nữa đến công tác quản lý, khống chế tải trọng phù hợp và duy tu bảo dưỡng các tuyến đường; thường xuyên kiểm tra nắm tình trạng các con đường và có hướng dẫn cho các địa phương về công tác bảo dưỡng, cách tổ chức và đề xuất giải quyết kinh phí cho việc duy tu, bảo dưỡng. Đồng thời cũng kêu gọi người dân cần có ý thức bảo vệ những cung đường này.
Bài, ảnh: Đức Lam