Những chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số ở Yên Từ
Thứ Tư, 11/05/2022, 04:16
Zalo
Năm 2021, Yên Từ là một trong 6 xã của huyện Yên Mô được chọn thực hiện mô hình thí điểm chuyển đổi số cấp xã. Với quyết tâm cao và cách làm thận trọng, đến nay sau hơn một năm triển khai thí điểm, Yên Từ đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội ở địa phương.
Những chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số ở Yên Từ
Một trong những thuận lợi của Yên Từ khi triển khai thí điểm chuyển đổi số cấp xã, đó là 12/12 thôn, xóm được kết nối Internet; tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh chiếm khoảng 70% dân số và có khoảng 90% dân số trên địa bàn được tiếp cận và sử dụng Internet; 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn xã được trang bị máy tính và có kết nối Internet phục vụ cho công việc.
Tuy vậy khi bắt tay triển khai thực hiện thí điểm chuyển đổi số cấp xã, Yên Từ gặp không ít khó khăn như: Mặc dù UBND xã đã thiết lập mạng nội bộ (LAN), song hệ thống không được quy hoạch thiết kế chuẩn, thiết bị không đồng bộ và lạc hậu. Cổng dịch vụ công và Hệ thống Một cửa điện tử tại Bộ phận Một cửa của xã để giải quyết thủ tục hành chính nhưng việc sử dụng còn hạn chế. Hệ thống đài truyền thanh cũ của xã sử dụng phương thức truyền dẫn hữu tuyến.
Một bộ phận lớn người dân có tâm lý e ngại khi tham gia các giao dịch trên môi trường điện tử, nhất là vẫn có tâm lý muốn thực hiện các giao dịch trực tiếp trong giải quyết thủ tục hành chính, do vậy chưa tích cực hợp tác hoặc sử dụng công nghệ…
Trước thực tế trên, xác định công tác chuyển đổi số là nhiệm vụ chính trị quan trọng và phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong toàn xã, Đảng ủy, UBND xã Yên Từ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện mô hình chuyển đổi số trên địa bàn xã với phương châm thận trọng và làm đến đâu chắc đến đó. Ban chỉ đạo cấp xã được thành lập.
Tại các thôn, xóm trên địa bàn xã thành lập các Tổ công nghệ số với tổng số 36 thành viên. Đây là những người nhiệt tình, có kỹ năng sử dụng nền tảng số, công nghệ số, có khả năng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số...
Để thay đổi nhận thức của người dân, Đảng ủy, UBND xã đã yêu cầu mỗi cán bộ, công chức phải là những người tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số, đồng thời phải là những tuyên truyền viên đắc lực mỗi khi có dịp tiếp xúc, làm việc với nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch xã Yên Từ cho biết: Chuyển đổi số là vấn đề mới và khó. Để bắt kịp được yêu cầu công việc, ngoài tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, tôi còn thường xuyên học hỏi đồng nghiệp, tìm hiểu các thông tin trên mạng Internet để cập nhật, bổ sung kiến thức, phục vụ tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình.
Đến nay, có thể nói tôi đã nắm vững quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ trên dịch vụ công trực tuyến. Ngoài ra, trong quá trình tham mưu giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực tư pháp- hộ tịch, tôi còn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tham gia giao dịch giải quyết thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công, qua đó góp phần giảm thiểu thời gian đi lại giao dịch trực tiếp cho công dân.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, Yên Từ quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin. Ngay từ đầu năm 2021, xã đã phối hợp đơn vị cung ứng rà soát, nâng cấp hệ thống máy tính, cấu hình lại hệ thống mạng internet, mua bổ sung máy tính để thay thế những máy tính cấu hình không đảm bảo, cấu hình thấp, mua bổ sung máy scan, máy in, máy chiếu.
Đến nay, 100% cán bộ, công chức xã, đều được trang bị máy tính có kết nối internet, mạng cục bộ (LAN - Local Area Network), đảm bảo cho hoạt động quản lý, điều hành. 100%, cán bộ, công chức được cấp chứng thư số chuyên dùng của Ban cơ yếu Chính phủ và được cấp hộp thư điện tử công vụ, đáp ứng việc trao đổi nội dung công việc, tài liệu qua mạng đảm bảo tính bảo mật, an toàn. Hoạt động điều hành, quản lý, thống kê của xã đều được thực hiện bởi hệ thống phần mềm quản lý, thực hiện chữ ký số, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí in ấn. Đồng thời giúp việc quản lý lưu trữ văn bản được chặt chẽ, khoa học hơn.
Hệ thống một cửa điện tử đã phát huy được hiệu quả trong việc cung cấp các dịch vụ công cho các tổ chức, cá nhân, góp phần hình thành nhận thức và thói quen ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính với UBND xã.
Đến nay 100% thủ tục hành chính đã được chuẩn hóa quy trình nội bộ, được cập nhật cấu hình quy trình điện tử giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa theo quy định. Tỷ lệ hồ sơ nhận trực tuyến đạt ít nhất 20%, giúp giảm thiểu thời gian đi lại, giảm chi phí.
Chỉ tính riêng trong năm 2021, số hồ sơ tiếp nhận qua cổng dịch vụ công trực tuyến là 547/2094 đạt tỷ lệ 26,1%. Các hồ sơ nhận trực tuyến được giải quyết đảm bảo đúng thời gian, trình tự theo quy định. Không để xảy ra tình trạng hồ sơ trễ hạn để gây bức xúc cho công dân đến giao dịch. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến giải quyết trước hạn là 43,9%, hồ sơ giải quyết đúng hạn là 56,1%.
Anh Lê Hoàng Hải người dân thôn Quảng Từ chia sẻ: Hiện nay chuyển đổi số trên địa bàn xã đã mang lại những hữu ích cho người dân. Đơn cử như hiện nay, khi giao dịch tại bộ phận một cửa của xã, tôi chỉ cần sử dụng mềm quét mã QR-Code là có thể thanh toán các chi phí giải quyết thủ tục hành chính một cách nhanh gọn, công khai, minh bạch, thuận tiện.
Ngoài ra, tại UBND xã còn tạo mã QR- Code để người dân truy cập khai báo y tế giúp chủ động hơn khi liên hệ giải quyết thủ tục hành chính. Thực hiện chuyển đổi số, các nhà cung cấp dịch vụ mạng Internet cũng đã chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng trên địa bàn, do vậy đường truyền được đảm bảo, các giao dịch trên môi trường mạng cũng tốt hơn trước kia rất nhiều.
Sau hơn một năm thực hiện thí điểm chuyển đổi số cấp xã ở Yên Từ đã bước đầu có những chuyển biến tích cực trong xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Hiện toàn xã đã cài đặt được 1200 ứng dụng công dân số cho người dân, 30% người dân trên địa bàn đã tiếp cận và sử dụng nền tảng dịch vụ như tư vấn chăm sóc sức khỏe từ xa trong cộng đồng.
Giò trứng Nộn Khê đã được đưa lên sàn giao dịch điện tử, góp phần quảng bá thương hiệu, tăng doanh thu sản phẩm.
Hiện sản phẩm giò trứng Nộn Khê- một trong những sản phẩm nông nghiệp đặc sản của xã Yên Từ đã bắt đầu đưa lên sàn thương mại điện tử, giúp tăng khoảng 30% doanh số tiêu thụ. Năm 2021, Yên Từ là địa phương xếp thứ 3 về chỉ số cải cách hành chính của huyện Yên Mô. Đây là tiền đề quan trọng để Yên Từ tiếp tục khắc phục khó khăn, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chuyển đổi số trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.