Đã 6 mùa xuân qua, chị vẫn thường xuyên làm công việc mà lẽ ra là của người đàn ông trong gia đình. Cũng thoáng chút tủi thân… nhưng những cảm xúc ấy qua nhanh lắm, chỉ còn lại trong chị nỗi nhớ thương, lòng tự hào về người bạn đời - Đại úy Vũ Trọng Huân, Cảnh sát biển Vùng 2 Hải quân Việt Nam. Và năm nào cũng vậy, kể từ khi lấy nhau, chị Thành đều nhận được lá thư gửi về từ đảo xa của anh vào thời khắc chuẩn bị đón năm mới.
Run run cầm lá thư viết vội của anh Huân, cảm xúc vẫn vẹn nguyên như lần đầu tiên chị nhận được lá thư tỏ tình của anh gần chục năm trước. Ngày ấy, chị Thành là cô sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Vinh, khoa Sử, xung phong ra dạy chữ trên đảo Phú Quốc. Còn anh Huân, một cảnh sát biển quả cảm, yêu nghề. ánh mắt gặp nhau, con tim chao đảo vì yêu và vì khâm phục lý tưởng của hai bên. Tình yêu tuyệt đẹp ấy được vun vén bởi sóng, gió và những vất vả nơi đảo xa.
Tình yêu ấy đủ ấm để chị Thành vợi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương để thêm gắn bó hơn với mảnh đất đầy nắng, gió, gắn với tiếng cười nói trong trẻo của trẻ thơ Phú Quốc. Hai người quen rồi yêu nhau đều nhận được sự ủng hộ của hai bên gia đình, mặc dù chưa một lần cả hai có dịp ra mắt hai bên.
Chị Thành kể, lễ cưới của chúng tôi được tổ chức giản dị nhưng đầm ấm, ý nghĩa tại Phú Quốc. Thiệt thòi vì thiếu hai bên gia đình, nhưng lễ cưới của chúng tôi có sự tham dự và chúc phúc của nhà trai là đơn vị của anh, còn nhà gái chính là tập thể giáo viên Trường THCS Bãi Thơm- nơi tôi dạy học. Cưới nhau được 1 năm, khi cậu con trai đầu lòng còn chưa kịp chào đời thì anh Huân chuyển công tác về Cảnh sát biển Vùng 2 và gắn bó với con tàu 4032 từ đó. Để hợp thức hóa gia đình, cuối năm 2011, chị Thành được tạo điều kiện chuyển về quê dạy học tại Trường THCS Gia Lạc.
"Ngày chúng tôi yêu nhau chưa có điện thoại, nên mọi nỗi niềm đều được gửi trọn vào trang thư. Cuộc sống ngày càng hiện đại, dù rằng đã có nhiều phương tiện liên lạc nhanh hơn song chúng tôi vẫn giữ thói quen viết thư tay cho nhau như nâng niu một kỷ niệm riêng giữa hai người"- chị Thành xúc động nói. Vậy là hàng tháng, anh đều đặn viết thư về cho chị. Trong cánh thư quen thuộc, không chỉ bày tỏ tình yêu của hai người, mà còn là sự sẻ chia những nỗi buồn, niềm vui trong cuộc sống, công việc và cách nuôi dạy con.
Đặc biệt, vào dịp Tết, năm nào anh cũng viết thư về thăm vợ con và gia đình. Trong cánh thư đặc biệt của năm ấy, anh chẳng dặn dò gì nhiều bởi với anh, chị là người vợ rất đảm đang. Anh Huân chỉ ngậm ngùi cho chị, người phụ nữ nhỏ phải gánh vác nhiều việc lớn của gia đình mà không có người đàn ông sẻ chia.
Chị Thành bảo, Tết ở nhà quê bao nhiêu thứ phải chuẩn bị. Tuy chồng vắng nhà nhưng ở bên cạnh mẹ con chị còn có bố mẹ chồng, những người rất mực thương mến con dâu. "Càng vắng anh thì tôi càng phải có trách nhiệm hơn với gia đình hai bên và hai đứa con nhỏ. Những ngày giáp Tết, cho con đi sắm bộ quần áo mới, mua lễ bày trên bàn thờ tổ tiên rồi lại tất tả lo dọn dẹp nhà cửa.
Chỉ có một mình trong những thời khắc ấy khiến tôi cũng thoáng chút tủi thân, nhưng tôi hiểu, anh Huân không chỉ mang trách nhiệm của người con, người chồng, người cha mà anh còn gánh trên vai trách nhiệm của một người lính đối với Tổ quốc. Vì vậy, tôi phải thật vững vàng để anh yên tâm làm tốt nhiệm vụ của mình"- chị Thành chia sẻ.
Mặc dù anh Huân và đồng đội đón Tết xa nhà, nhưng chị Thành tin rằng anh vẫn cảm nhận được đầy đủ những tình cảm yêu thương của gia đình, của nhân dân trong đất liền. Trong cánh thư "đặc biệt" gửi về cho vợ trước thềm năm mới, anh Huân kể, năm nào cũng vậy, anh và đồng đội được đón Tết rất chu đáo. Những chuyến tàu chở Tết từ đất liền ra với đảo từ rất sớm. Đủ đầy các thứ phù hợp với vùng, miền. Nào là lá dong, miến, hành, tỏi và đặc biệt, trong các chuyến quà Tết ấy không thể thiếu những cánh thư đong đầy tình cảm, sự biết ơn của đất liền đối với những chiến sỹ ngoài đảo xa.
Những tình cảm, niềm tin ấy là động lực cho các chiến sỹ có thêm nghị lực, vượt qua mọi gian khó, vượt qua cảm giác nhớ nhà da diết để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Tổ quốc giao. Cũng từ đảo xa, tình cảm đồng chí, đồng đội càng thêm thiêng liêng, bền chặt như một gia đình. Đêm giao thừa, trong tiếng sóng biển rì rào giữa trùng khơi bao la, anh em ngồi quanh nồi bánh chưng kể chuyện về gia đình, vợ con, về quê hương xóm làng. Ai cũng nhớ, cũng thương, cũng mong được đoàn viên, nhưng thầm hẹn ở một mùa xuân sau. Còn hiện tại, các anh đứng đây canh giữ cho lá cờ Tổ quốc đỏ thắm tung bay giữa màu xanh ngắt của trời, của biển.
Thu Hằng