Cúc Phương là một xã vùng cao với gần 90% là đồng bào dân tộc Mường, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, thêm vào đó là trình độ dân trí không đồng đều, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc cũng có nhiều điểm đặc thù, do vậy để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội không phải lúc nào cũng thuận lợi. Tuy nhiên, sinh ra lớn lên tại bản Mường nên đồng chí Đinh Thị Văn hiểu rất rõ nơi mình sinh ra, lớn lên, nhất là phong tục tập quán của bà con, chính vì vậy đồng chí luôn nhận được sự đồng lòng ủng hộ của người dân xã Cúc Phương.
Đặc biệt, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Bí thư Đảng ủy xã Cúc Phương và tập thể lãnh đạo xã luôn trăn trở: Phải làm sao cho "miền núi tiến kịp miền xuôi", nhân dân được ấm no, trẻ em được đến trường... Không trông chờ, ỉ nại vào Nhà nước, những năm qua, Cúc Phương đã phát huy nội lực, chủ động phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
Với điều kiện tự nhiên đồi, rừng và núi, xã đã khuyến khích nhân dân phát triển các mô hình con nuôi đặc sản, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện nay, chăn nuôi các con đặc sản của địa phương phát triển khá mạnh. Toàn xã có hơn 500 con hươu sinh sản, lấy nhung và lấy thịt. Mỗi năm cung cấp ra thị trường trên 320 kg nhung hươu, thu về trên 6 tỷ đồng.
Ngoài nuôi hươu, hiện tại ở xã Cúc Phương duy trì nhiều con nuôi có giá trị như: Hơn 1.200 con trâu, bò; gần 300 con nhím; hơn 700 con dê; trên 800 đàn ong... Tổng nguồn thu từ chăn nuôi trên địa bàn xã đạt trên 16 tỷ đồng/năm. Cùng với chăn nuôi, người dân xã Cúc Phương còn đẩy mạnh phát triển cây lương thực và các loại cây công nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa như: mía, lạc, sắn, khoai sọ, cây ăn quả...
Bên cạnh đó, xã đã khuyến khích nhân dân chuyển đổi sang kinh doanh thương mại và dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch, góp phần tạo nguồn thu và việc làm cho lao động địa phương. Đến nay, toàn xã có khoảng 20 hộ tham gia vào các dịch vụ du lịch, góp phần từng bước giảm số hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Tổng giá trị thu nhập toàn xã năm 2018 ước đạt trên 77 tỷ đồng, bình quân giá trị 1 ha canh tác đạt 52 triệu đồng, bình quân thu nhập đầu người đạt 24 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 7,55%, giảm nhiều so với những năm trước.
Thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã tiếp nhận xi măng để hỗ trợ cho các thôn, bản làm 16 tuyến đường. Hiện nay, các tuyến đường giao thông ở các thôn, bản trong xã cơ bản được cứng hóa, giao thông đi lại thuận tiện, đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống dân sinh.
Đồng chí Đinh Thị Văn cho biết: Để đưa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống, để các tầng lớp nhân dân hiểu rõ và thực hiện thì trước tiên bản thân người cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, gần gũi, lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân, nói đi đôi với làm. Sau khi bà con đã nắm được chủ trương chung thì đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, từng bước hình thành ý thức tự giác vì cộng đồng. Quy chế dân chủ được phát huy hiệu quả nên bà con xem việc chung cũng như việc nhà mình, tinh thần đoàn kết, tình làng nghĩa xóm càng thêm bền chặt.
Trong công tác xây dựng Đảng, Bí thư Đảng ủy xã Cúc Phương Đinh Thị Văn luôn quan tâm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhất là đối với chi bộ thôn, bản để bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu của từng chi bộ. Đảng ủy xã phân công các đồng chí Thường vụ phụ trách, dự sinh hoạt cùng các thôn trong xã. Bản thân Bí thư Đảng ủy xã Đinh Thị Văn phụ trách những thôn, bản khó khăn nhất để lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân từ đó có giải pháp khắc phục kịp thời.
Theo đồng chí Đinh Thị Văn, muốn nhân dân tin tưởng, trước hết cán bộ phải gương mẫu. Do vậy, cán bộ xã phải cải tiến tác phong, lề lối làm việc. Việc duy trì thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, đảm bảo chế độ họp, giao ban, xây dựng các nghị quyết lãnh đạo và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương luôn kịp thời, hiệu quả, những băn khoăn, thắc mắc của người dân luôn được quan tâm giải quyết dứt điểm, tạo sự đồng thuận cao…
* 26 năm giữ cương vị Bí thư Chi bộ thôn Khánh Ninh, xã Yên Sơn (thành phố Tam Điệp), ông Nguyễn Văn Viễn luôn được cấp ủy, chính quyền xã ghi nhận, đánh giá cao, người dân trong thôn quý mến.
Là Bí thư chi bộ ở thôn có hơn 400 nhân khẩu, trong đó có tới 3/4 số dân là người dân tộc Mường, cũng là đồng bào Công giáo, ông luôn tâm niệm lời Bác Hồ dạy về phát huy đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương-giáo. Từ việc nhỏ hay lớn, ông luôn chú trọng tìm hiểu, khảo sát thực tế, đưa ra bàn bạc, lấy ý kiến của người dân. Đồng thời sâu sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của họ, giải quyết những vấn đề vướng mắc, tranh chấp trong thôn một cách thấu tình, đạt lý.
Trước đây, cuộc sống của người dân thôn Khánh Ninh chủ yếu dựa vào nông nghiệp, kinh tế khó khăn, nhiều người vì thiếu kiến thức, thiếu vốn nên cứ quẩn quanh với ruộng vườn, chưa mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất… Ông Viễn trăn trở: Nếu cứ tiếp tục như vậy, bà con sẽ ngày càng tụt hậu. Vậy là, ông cùng hơn chục đảng viên trong Chi bộ đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân trong thôn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thường xuyên thăm ruộng, hướng dẫn người dân sản xuất đúng lịch nông vụ, phòng trừ sâu bệnh. Ngoài ra, ông và các cán bộ thôn còn vận động người dân vay các nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển sản xuất, vượt khó, vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, đời sống của bà con từng bước được cải thiện, số hộ nghèo giảm rõ rệt. Tuy nhiên, ông Viễn cho rằng: Mấu chốt để bà con thoát nghèo chính là nhờ các chính sách ưu đãi ngày càng được triển khai rộng rãi của Đảng, Nhà nước, của địa phương.
Không chỉ chú trọng về phát triển kinh tế, ông Viễn còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; từng bước xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, vận động nhân dân giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc... Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức thường xuyên hơn, thu hút đông đảo bà con tham gia. Ông Viễn chia sẻ: Công tác vận động quần chúng ở cơ sở muốn đạt hiệu quả cao phải gần gũi, tôn trọng, lắng nghe ý kiến chính đáng của nhân dân, đúng như Bác Hồ đã căn dặn "lấy dân làm gốc". Tuy nhiên, làm một mình thì không bao giờ hết việc nên chúng tôi thường xuyên kết hợp với Ban công tác Mặt trận thôn, chính quyền thôn để vận động nhân dân.
Đáng chú ý, mấy năm trở lại đây, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, với quyết tâm dám nghĩ, dám làm, ông Viễn cùng chính quyền thôn đã tổ chức họp dân để bàn bạc, thống nhất, đồng thời đến từng nhà để tuyên truyền cho bà con hiểu về mục đích và ý nghĩa của chương trình; vận động các gia đình đóng góp tiền xây dựng nhiều công trình; hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Cách làm mà ông Viễn cho là hiệu quả nhất và đã được minh chứng bằng thực tiễn đó là "cán bộ đi trước, làng nước theo sau". Ông đã vận động cán bộ, đảng viên trong thôn gương mẫu hiến đất, đóng góp công sức, kinh phí làm trước, sau đó vận động người dân. Điều đáng mừng, sau một thời gian kêu gọi, thôn đã nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của bà con. Nhờ đó, 100% tuyến đường trên địa bàn đã được đổ bê tông thay cho những con đường nhỏ hẹp lầy lội trước đây, cảnh quan, vệ sinh môi trường được quan tâm, tạo nên diện mạo mới cho địa phương… Được biết, mỗi lần được tuyên truyền, vận động, bà con dù chưa thực sự khá giả nhưng sẵn sàng đóng góp mỗi người hàng trăm nghìn đồng để xây dựng cổng làng, xây dựng đường giao thông.
Với sự đồng lòng ấy, Khánh Ninh từ một thôn nghèo, kết cấu hạ tầng còn hạn chế, người dân thu nhập thấp, đến nay, bộ mặt nông thôn mới đã được khởi sắc, đường làng ngõ xóm đi lại thuận lợi hơn… Trong sự đổi thay đó, bà con luôn ghi nhận những đóng góp thầm lặng, bền bỉ của người Bí thư chi bộ gương mẫu, nhiệt tình - ông Nguyễn Văn Viễn.
* Những năm gần đây, thôn Đồng Bài, xã Quảng Lạc, huyện Nho Quan đã không ngừng phát triển về mọi mặt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Kết quả đó có sự đóng góp của ông Bùi Hồng Y - người Trưởng thôn gương mẫu, luôn đi đầu trong các phong trào ở địa phương.
Ông Bùi Hồng Y với mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình.
Từ UBND xã, không khó để tìm được đến nhà ông Bùi Hồng Y. Đón chúng tôi trong ngôi nhà 2 tầng khang trang là người trưởng thôn có dáng người chắc khỏe, giọng nói trầm ấm. Là người dân tộc Mường, sau 4 năm trong quân đội tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Lào, năm 1985, ông Bùi Hồng Y rời quân ngũ trở về và tham gia công tác xã hội tại địa phương. Đến năm 2000, ông được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Đồng Bài.
Với suy nghĩ làm những việc gì có lợi cho dân, ông Y cùng Ban chi ủy, Chi bộ thôn xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện mục tiêu "Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng khu dân cư sạch, đẹp, văn minh". Luôn quan niệm "nói phải đi đôi với làm", ông Y đã tuyên truyền, vận động người dân trong thôn phát triển kinh tế, áp dụng KHKT vào sản xuất, từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ kém hiệu quả sang nuôi trồng, các giống cây và vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: lúa nếp cái hoa vàng, cây keo, nuôi dê và ong lấy mật…, đây là những cây trồng, con nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.
Theo ông Y chia sẻ, muốn vận động được người dân, bản thân mình phải là người gương mẫu. Ông đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi mới để phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, gia đình ông đang nuôi hàng chục con lợn; 40 đàn ong mật; trồng 4 ha keo. Ngoài ra, gia đình ông còn mở thêm dịch vụ xay xát lúa gạo để phục vụ nhu cầu người dân. Tổng thu nhập bình quân của gia đình đạt khoảng 100-200 triệu đồng/năm.
Học tập mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Y, nhiều hộ dân đã nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, góp sức vì sự phát triển chung của thôn. Hiện tại, thôn Đồng Bài chỉ còn 23 hộ nghèo/311 hộ dân, tỷ lệ hộ khá, giàu trong thôn đạt trên 60%, nhiều gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ nuôi dê và ong lấy mật.
Khi thu nhập của người dân trong thôn ổn định, ông Y tiếp tục vận động người dân đóng góp kinh phí xây dựng các công trình phúc lợi. Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ông đã vận động nhân dân hiến hàng nghìn m2 đất, đóng góp kinh phí và ngày công để xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn. Trong năm 2018-2019, nhờ hỗ trợ của Nhà nước và sự chung tay góp sức của nhân dân địa phương, tuyến đường nối liền các trục đường chính của thôn, xóm đã sắp sửa hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng chiều dài 4 km, trị giá hàng trăm triệu đồng, tạo thuận tiện cho người dân trong việc đi lại, giao lưu văn hóa và phát triển kinh tế.
Đồng chí Nguyễn Công Hậu, Chủ tịch ủy ban MTTQ xã Quảng Lạc chia sẻ: Bằng sự tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao, ông Bùi Hồng Y luôn nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của người dân trong thôn. Vì vậy, trong những năm qua, ông luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần không nhỏ tạo nên diện mạo mới, cuộc sống mới cho người dân ở thôn Đồng Bài.
Làm Trưởng thôn 19 năm, hiện tại dù "tạm nghỉ để chăm lo mái ấm gia đình" nhưng ông Y vẫn tiếp tục đảm nhận vai trò là Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn kiêm Chủ nhiệm CLB Cồng chiêng xã Quảng Lạc. Là người có uy tín trong cộng đồng, ông thường xuyên cùng các đoàn thể trong thôn, xã kiên trì đến từng hộ gia đình vận động người dân từ bỏ các hủ tục mê tín dị đoan, xây dựng nếp sống mới văn minh. Bên cạnh đó, mỗi dịp Tết đến Xuân về, ông cũng là người chủ trì tổ chức các lễ hội truyền thống như hội đánh cồng chiêng, ném còn, hát du xuân…, tạo không khí ấm áp, gắn kết cộng đồng, giáo dục thế hệ trẻ bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mường.
Với những đóng góp và ảnh hưởng của mình đối với cộng đồng, ông Bùi Hồng Y được các cấp, các ngành trong tỉnh khen thưởng do có nhiều thành tích trong công tác xã hội và phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.
Nhóm tác giả: Phúc Nguyên, Đào Duy, Mạnh Tuấn