Người giúp trẻ mầm non vùng cao được đến trường
Đó là cô giáo Đinh Thị Tú, Trường Mầm non Kỳ Phú (Nho Quan) - một trong những giáo viên đầu tiên tham gia vận động trẻ mầm non vùng cao đến trường. Cô Tú chia sẻ: Tôi đến với nghề như cơ duyên bởi năm 1997, sau khi tốt nghiệp THPT, tôi được vận động đi dạy trẻ mầm non ngay tại bản Sạng nơi mình sinh sống. Thời kỳ đó, trẻ vùng cao không được gia đình cho đến lớp học, do đó để trẻ được đến lớp, bản thân cô giáo phải đến từng nhà vận động gia đình. Lúc này, 13 bản của xã Kỳ Phú là 13 lớp học mầm non được dạy ở nhà kho, hay mượn nhà dân để tổ chức lớp học. Trường lớp không có, trang thiết bị dạy học tối thiểu cũng không, học sinh mỗi lớp gần 20 trẻ ở các độ tuổi từ 2-5 tuổi học chung với nhau. Trong hoàn cảnh ấy, bản thân tôi luôn trăn trở làm sao để có thể dạy trẻ các độ tuổi trong 1 lớp mà các con vẫn được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt.
Nghĩ là làm, tôi tranh thủ tự làm đồ chơi lúc trẻ ngủ trưa, tận dụng những vật dụng sẵn có của quê hương như hạt na, hạt ngô để dạy trẻ xếp chữ cái, xếp số; dùng phách tre, chai nhựa làm nhạc cụ dạy môn âm nhạc. Và để có bằng cấp và kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, năm 2002, cô giáo Tú đã xin nhà trường được đi học lớp Trung cấp mầm non tại Trường Cao đẳng sư phạm Ninh Bình, sau đó tiếp tục học thêm, đến năm 2012 tốt nghiệp Đại học sư phạm Mầm non.
Những năm tháng đầu tiên gắn bó với các lớp học mầm non, khó khăn, thiếu thốn đè nặng lên vai của người giáo viên bởi lúc đó chưa được hưởng lương của nhà nước mà chỉ có nguồn thu từ cha mẹ trẻ, lương khoảng gần 200 nghìn đồng/tháng. Đồng lương thấp, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn (chồng cô mắc bệnh động kinh sau khi bị tai biến do tai nạn giao thông, mỗi tháng phải mất hơn 1 triệu tiền thuốc); bản thân là trụ cột gia đình nuôi chồng và 2 con ăn học, nhưng cô Tú không hề nản lòng, chưa một ngày bỏ trường, bỏ lớp. Ngoài giờ lên lớp dạy trẻ, cô Tú về nhà tranh thủ làm việc nhà nông để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống và gắn bó với nghề. Nhiều năm liền cô luôn là giáo viên chủ nhiệm giỏi, chất lượng giáo dục các lớp do cô phụ trách luôn đạt và vượt chỉ tiêu nhà trường giao, tỷ lệ trẻ đạt chuẩn các chỉ số phát triển theo lứa tuổi. Với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của mình, cô Đinh Thị Tú luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nhận nhiều phần thưởng của các cấp, các ngành.
Cô giáo của những hội thi
Gọi cô giáo Vũ Thị Quyên, Tổ trưởng Tổ khoa học tự nhiên, Trường THCS Thượng Kiệm (Kim Sơn) như vậy, bởi ngoài dạy giỏi, công tác tốt ở trường, cô Quyên còn nhiệt tình, hứng thú với các hội thi, kỳ thi do các cấp tổ chức. Tại Hội thi giáo viên giỏi cấp THCS huyện Kim Sơn năm học 2012-2013, cô Quyên đạt giải nhất môn Sinh học và đạt giải ba môn Sinh học trong hội thi giáo viên giỏi cấp THCS tỉnh lần thứ VIII, năm học 2014-2015; năm 2016 đạt giải ba cuộc thi dạy học theo chủ đề cấp huyện năm học 2015-2016; nhiều năm nhận giấy khen vì có thành tích cao tại các kỳ thi bồi dưỡng học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh….
Với cô Quyên, các kỳ thi, hội thi là sự trải nghiệm để cọ xát kiến thức của cô, của trò, từ đó cũng là dịp để giáo viên nâng cao kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn để đào tạo, bồi dưỡng, giảng dạy cho học sinh có những thành tích học tập tốt nhất. Cô Quyên chia sẻ: Mỗi hội thi có nhiều điểm mới, nhiều kiến thức khó đòi hỏi người dự thi phải có hiểu biết chuyên môn cũng như kiến thức về tin học sâu trong thiết kế bài giảng hiện đại. Do vậy, khi tham gia, mỗi giáo viên phải tự học, thiết kế bài giảng khoa học, có chiều sâu, không ngừng áp dụng các phương pháp mới, tự làm đồ dùng dạy học mới hoặc cải tiến đồ dùng dạy học phù hợp với điều kiện cụ thể bài dạy, từ đó tạo sự hấp dẫn với học sinh và thuyết phục được ban giám khảo.
Không chỉ có "sở trường" tham gia các hội thi, cuộc thi mà cô Quyên còn là giáo viên nòng cốt của huyện trong công tác bồi dưỡng đội tuyển HSG môn Sinh học tham gia HSG các cấp. Trường THCS Thượng Kiệm được Phòng Giáo dục huyện Kim Sơn chọn là trường màng lưới trong bồi dưỡng đội tuyển HSG môn Sinh và môn tiếng Anh của huyện. Trong vai trò của người hướng dẫn học sinh ôn thi, cô Quyên đã thể hiện tinh thần tiên phong, sáng tạo trong ôn luyện đội tuyển. Tích cực nghiên cứu đề tài khoa học, sáng kiến trong giảng dạy, hàng năm đều có sáng kiến về phương pháp dạy học được hội đồng khoa học cấp trường đánh giá có tính ứng dụng cao.
Đặc biệt, với sáng kiến được công nhận sáng kiến cấp huyện về cải tiến kỹ năng làm bài của học sinh với môn Sinh học trong phần di truyền học về "Kỹ năng giải bài tập thuộc quy luật phân li độc lập của Menđen" đã giúp nhiều học sinh trong đội tuyển HSG môn Sinh học huyện Kim Sơn đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Từ năm học 2012-2017, đội tuyển do cô Quyên hướng dẫn đã giành được 91 giải học sinh giỏi cấp huyện và 50 giải cấp tỉnh, trong đó cấp tỉnh có 18 học sinh đạt giải nhất, nhì. Với thành tích đó, cô Quyên là giáo viên tiêu biểu của huyện Kim Sơn trong thực hiện cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" giai đoạn 2007-2017.
Cô giáo trẻ đam mê sáng tạo
Gần 10 năm công tác trong ngành sư phạm, cô giáo trẻ Phạm Kim Dung, sinh năm 1986, giáo viên Tiếng Anh Trường THPT Yên Khánh A đã đạt nhiều thành tích trong giảng dạy, đóng góp nhiều sáng kiến cho trường cũng như ngành giáo dục. Là một giáo viên trẻ, trong công tác giảng dạy, cô Dung luôn đề cao việc ứng dụng công nghệ thông tin cùng các phương tiện hiện đại như đài, internet trực tuyến vào dạy học, tạo sự hứng khởi, thích thú, tích cực cho học sinh. Đặc biệt năm 2015, từ thực tế giảng dạy, cô Dung muốn giảm tình trạng giảng dạy tiếng Anh theo phương pháp truyền thống nghe giảng khép kín trong không gian 1 lớp học, một môn học; cô đã nghiên cứu sáng kiến "Sử dụng di sản văn hóa địa phương để nâng cao hiệu quả dạy - học Tiếng Anh", đưa ra một giải pháp mới nhằm nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh, với ý tưởng đưa ngành du lịch tỉnh nhà phát triển từ chính nòng cốt là thế hệ tương lai của địa phương và mong muốn bản thân người dân địa phương sử dụng tiếng Anh trong phát huy giá trị di sản quê hương. Sáng kiến đã được Hội đồng khoa học các cấp đánh giá cao và công nhận sáng kiến cấp tỉnh. Sáng kiến này đã và đang được áp dụng mang lại hiệu quả cao khi dạy tiếng Anh trong các nhà trường những năm gần đây.
Đảm nhiệm vai trò nhóm trưởng bộ môn Tiếng Anh, cô Dung thường xuyên nghiên cứu đưa ra những giải pháp để nâng cao chất lượng môn Tiếng Anh trong trường. Ngoài hướng dẫn, chỉ đạo các giáo viên trong nhóm xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm cho học sinh lớp 10,11,12; xây dựng bộ đề thi THPT Quốc gia; cô cùng nhóm tích cực ôn luyện cho học sinh thi HSG cấp tỉnh, cấp quốc gia và kỳ thi THPT quốc gia... Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động Tiếng Anh bổ ích cho học sinh, khơi gợi niềm đam mê Tiếng Anh cho các em như tổ chức các cuộc thi hùng biện Tiếng Anh; vẽ tranh và thuyết trình bằng Tiếng Anh... Qua đó, chất lượng dạy học tiếng Anh nhà trường có chuyển biến rõ nét, trường luôn đứng tốp đầu trong phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi, đạt thành tích cao trong dạy khối D, A1. Từ năm 2013-2016, trường đạt 3 huy chương, 26 giải tiếng Anh cấp tỉnh, cấp Quốc gia, đạt nhiều điểm cao môn Tiếng Anh trong kỳ thi THPT Quốc gia.., góp phần đưa Trường THPT Yên Khánh A vào tốp 100 trường có điểm thi đại học cao nhất trong toàn quốc nhiều năm nay.
Hồng Vân