Mỗi khi tháng 5 về, không hẹn mà đến Đền thờ Bác Hồ ở Khánh Cư (Yên Khánh) lại đón từng dòng người hội tụ về đây, để báo công với Bác về những việc đã làm được của mình trong một năm qua, đồng thời qua đó thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc "Người vì dân sống giữa lòng dân/Và nơi ấy ngàn đời Người sống mãi".
Kỷ niệm 119 năm ngày sinh nhật Bác năm nay với Khánh Cư còn có một ý nghĩa quan trọng hơn vì năm nay vừa tròn 50 năm Bác Hồ về thăm Đảng bộ và nhân dân (15-3-1959) và để lại muôn vàn tình thương yêu cho mọi người. Lớp lớp con cháu của quê hương Khánh Cư hôm nay đang cố gắng phấn đấu ra sức thi đua rèn luyện, học tập, lao động sản xuất để thực hiện lời dạy của Người, tạo nên diện mạo mới cho vùng quê giàu truyền thống cách mạng.
50 năm trước đây, vùng đất này khô cằn vì hạn hán thì ngày nay, khắc ghi lời dạy của Bác Hồ những năm qua công tác thủy lợi nội đồng luôn được Khánh Cư chú trọng, hệ thống kênh mương được kiên cố hóa đảm bảo sản xuất. Những cánh đồng căng tràn sức sống là minh chứng cho diện mạo một vùng quê đổi mới.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Xuân Trường, Phó Bí thư Đảng ủy xã Khánh Cư cho biết: Đảng bộ và nhân dân Khánh Cư luôn nguyện khắc ghi lời Người trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là triển khai có hiệu quả Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Tại xã Khánh Cư, đội ngũ cán bộ xã luôn gần dân, lắng nghe dân, đi sâu, đi sát cơ sở, giải quyết nhanh gọn những đề xuất, kiến nghị của nhân dân với tinh thần làm việc nhiệt tình, hạn chế tối đa những thủ tục phiền hà cho người dân. Chính nhờ sửa đổi lề lối làm việc theo tấm gương Bác Hồ mà Đảng bộ đã tạo được sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, giúp đưa các nghị quyết của Đảng vào hiện thực sinh động trong cuộc sống, tạo nên những phong trào thi đua lao động sản xuất sôi nổi.
Lối sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được các cán bộ nơi đây áp dụng vào thực tiễn công việc chứ không chỉ là sách vở, là lý thuyết. Chính vì thế người dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, hăng hái tham gia các phong trào sản xuất, các cuộc vận động để xứng đáng với những tình cảm mà nửa thế kỷ trước Bác Hồ đã dành cho miền quê này.
Cũng với những tình cảm thiêng liêng ấy đối với vị Cha già kính yêu của dân tộc nhưng người dân xã Lạng Phong (Nho Quan) lại nhớ đến Bác với những lời căn dặn về diệt giặc đói, giặc dốt để đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Với một vùng quê nghèo như Lạng Phong thì những lời dặn dò ấy có ý nghĩa to lớn trong việc cổ vũ tinh thần người dân phát huy nội lực để mang lại cho quê hương một diện mạo mới ngày một khang trang, đẹp đẽ. Giờ đây trên mảnh đất Lạng Phong cái đói, cái nghèo đã được đẩy lùi, nhiều công trình phục vụ cho đời sống dân sinh đã được đưa vào sử dụng. Đó là sự nỗ lực, cố gắng lớn của Đảng bộ và nhân dân trong xã để khắc ghi lời Người khi Người về dự và chủ trì hội nghị điền chủ.
Chúng tôi thực sự ấn tượng với những kết quả mà Lạng Phong đã đạt được hôm nay. Với hướng đi mới đó là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh công tác giảm nghèo, Lạng Phong đã có những kết quả đáng khích lệ, kinh tế có bước tăng trưởng khá, đời sống nhân dân được đảm bảo, hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế... được xây dựng kiên cố, khang trang tạo nên điểm nhấn quan trọng của vùng quê này.
Trong nông nghiệp, Lạng Phong đã chủ động chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng KHKT, tích cực đưa các giống mới, giống chất lượng cao vào sản xuất để tăng nhanh giá trị trên một ha đất canh tác và tăng mức thu nhập cho người dân. Năm 2008, tổng sản lượng lương thực toàn xã đạt 2.112 tấn, bình quân đạt 780kg/người/năm, giá trị 1 ha đất canh tác đạt 40 triệu đồng/năm. Cùng với trồng trọt và chăn nuôi, Lạng Phong cũng có nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển các nghề phụ. Hiện nay trong xã đã xuất hiện nhiều tổ hợp như mộc dân dụng, máy xay xát… từng bước góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động lúc nông nhàn.
Đặc biệt Lạng Phong rất chú trọng đến công tác giáo dục theo như lời căn dặn của Hồ Chủ tịch là diệt giặc dốt. Đến thời điểm này tỷ lệ học sinh được đến trường của xã đạt 100%, tỷ lệ lên lớp và tốt nghiệp đạt 99%, không có tai, tệ nạn xã hội trong nhà trường. Những kết quả đó như những bó hoa tươi thắm dâng lên Người nhân kỷ niệm 119 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những lời chỉ bảo ân cần của Người không chỉ có ý nghĩa với miền quê nơi Người về thăm mà với nhân dân Ninh Bình, đó là những lời hiệu triệu trái tim, những nhiệm vụ mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện tốt nhất để báo công với Bác trong những ngày tháng 5 lịch sử.
5 lần Bác Hồ về thăm Ninh Bình, Bác đều giao những nhiệm vụ cụ thể khác nhau phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước như đoàn kết lương - giáo, tăng gia sản xuất, diệt giặc đói, giặc dốt, xây dựng củng cố chính quyền cách mạng, đoàn kết dân chủ… Nguyện khắc ghi lời Người, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đã đoàn kết, phát huy tiềm năng, nội lực để thực hiện tốt những lời căn dặn của Bác năm xưa.
Quỳnh Thu