Ông Vũ Mạnh Quyền, Giám đốc HTX nông nghiệp Như Hòa cho biết: Vụ mùa năm 2017, HTX gieo cấy 314,8 ha lúa, trong đó, trà mùa trung có 148,7 ha, chiếm 47,2% tổng diện tích lúa với các giống là Bắc thơm số 7, LT2, nếp 97...; trà mùa muộn có 166,1 ha, chiếm 52,8% tổng diện tích lúa trong vụ với các giống lúa đặc sản là nếp cau 150 ha, nếp cái hoa vàng 10 ha, tám xoan 5 ha.
Do ảnh hưởng của mưa bão, trà mùa trung đã phải gặt chạy từ những ngày đầu tháng 10, nên năng suất chỉ đạt bình quân khoảng 30 tạ/ha. Trà mùa muộn với các giống đặc sản như trên, đến ngày 7/11 về cơ bản đã thu hoạch xong với năng suất đạt 1,4-1,5 tạ/sào; chỗ nào thấp nhất cũng đạt gần 1 tạ/sào.
Nét đáng chú ý trong trà mùa muộn năm nay là: Trong đợt mưa to, kéo dài đầu tháng 10, hầu hết các diện tích lúa thuộc trà mùa trung đều bị ngập úng, thậm chí ngập sâu trong nước, ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất và chất lượng sản phẩm... thì diện tích lúa thuộc trà mùa muộn vẫn an toàn do các giống lúa của trà lúa này cao cây hơn.
Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình thu mua sản phẩm ngay tại đầu ruộng với giá 8.800 đồng/kg (số lượng không hạn chế) theo hợp đồng ký kết với HTX, người dân rất phấn khởi do không phải vận chuyển, phơi sấy, lại được giá.
Ông Trần Văn Sơn (xóm 6) phấn khởi chia sẻ: Gia đình tôi gieo cấy được 6 mẫu lúa đặc sản, chủ yếu là giống nếp cau và đến ngày 7/11 đã thu hoạch xong với năng suất đạt trên 1,5 tạ/sào; lúa thu hoạch được cân tươi ngay tại đầu bờ cho Công ty Giống cây trồng Thái Bình với giá khá cao, nhẩm tính với trà lúa này, gia đình ước thu về khoảng 80 triệu đồng. Tương tự như gia đình ông Sơn, các hộ gia đình: ông Trần Văn Thành (xóm 4) cấy 3 mẫu lúa đặc sản, ông Phạm Văn Dũng (xóm 9) cấy trên 3 mẫu... ước thu về 50 triệu đồng ở trà lúa này.
Đồng chí Trần Văn Công, Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Kim Sơn cho biết: Những năm gần đây, diện tích lúa đặc sản thuộc trà mùa muộn từng bước được mở rộng. Vụ mùa 2017, Kim Sơn có khoảng 1.000ha lúa đặc sản thì xã Như Hòa có 164ha. Số còn lại tập trung chủ yếu ở các xã phía Bắc huyện. Giống lúa đặc sản, bao gồm: Nếp hạt cau, Nếp cái hoa vàng, Tám xoan, Dự, Mộc hương, Bao thai...
Các giống lúa đặc sản đều có thời gian sinh trưởng dài (từ 150-170 ngày), dễ chăm sóc, ít nhiễm sâu bệnh, nhất là bệnh bạc lá và lùn sọc đen; tuy nhiên do thời điểm trỗ bông muộn nên cần đề phòng rầy và sâu đục thân cuối vụ.
Trước đây, việc tiêu thụ các giống lúa này chủ yếu vào dịp Tết Nguyên đán. Gần đây, các Công ty cũng như thương lái thường đặt hàng trước khi nông dân thu hoạch và nhiều doanh nghiệp đã thu mua lúa tươi tại ruộng, nên việc tiêu thụ lúa đặc sản có nhiều thuận lợi.
Thực tế cho thấy, giá trị lúa đặc sản khá cao, năm 2016 nhóm lúa nếp từ 13.000 - 15.000 đồng/kg; lúa Tám, lúa Dự dao động khoảng 20.000 - 22.000 đồng/kg; trong khi các giống lúa chất lượng khác chỉ dao động từ 6.000 - 8.000 đồng/kg. Hiệu quả kinh tế của sản xuất lúa đặc sản gấp 1,5-3 lần so với lúa thường...
Đồng chí Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cũng cho rằng: Đồng ruộng, điều kiện thổ nhưỡng, chất đất và cùng với kinh nghiệm qua các năm của nhiều địa phương cho phép Kim Sơn có thể phát triển nhanh và mạnh dòng lúa đặc sản.
Vẫn biết các giống lúa đặc sản có giá trị kinh tế cao, nhưng nếu sản xuất ra nhiều không tiêu thụ được thì sẽ sinh ra tình trạng khủng khoảng thừa.
Các doanh nghiệp tiêu thụ có kế hoạch cụ thể với các địa phương; ký hợp đồng rõ ràng... chúng tôi sẽ chỉ đạo, lãnh đạo, khuyến cáo nhân dân tổ chức thực hiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung, đồng vùng, đồng trà đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp.
Ngành nông nghiệp quan tâm đến công tác chọn lọc, phục tráng nâng cao chất lượng hạt các giống lúa đặc sản và cung ứng giống cho người nông dân để đảm bảo năng suất và chất lượng; giới thiệu và đưa các giống đặc sản mới, chất lượng vào gieo cấy tại địa phương.
Đinh Chúc