Se cói- nghề mới mà cũ
Đón chúng tôi ngay từ ngoài cửa với ngổn ngang các cuộn cói, đồng chí Bí thư chi bộ xóm 10B Nguyễn Quốc Viến thanh minh: nhà cửa chật chội quá vì phải tận dụng mọi diện tích trong nhà để đặt máy se cói cho thợ làm… Ngắm nhìn quang cảnh nhà bí thư chi bộ xóm đồng thời cũng là 1 trong 4 tổ hợp làm cói se lớn nhất xóm, chỗ nào cũng thấy máy se cói đặt ngang, dọc từ trên nhà xuống tận… bếp. Nhà anh Viến hiện có khoảng 30 máy nhưng vì diện tích nhà hẹp nên chỉ để được chục máy. Còn lại, anh Viến giao cho các lao động đã có tay nghề đem về làm tại nhà.
Hỏi chuyện chị Cậy, người trong xóm đang ngồi tại "dây chuyền" máy se cói cùng 4-5 phụ nữ khác, được biết: Khi nghề được đưa về địa phương cùng với máy móc, chị đến xin học nghề và được chủ tổ hợp dạy nghề miễn phí. Mỗi ngày chị cũng như các thợ khác có thể "đánh" được từ 9-10 kg cói. Người có tay nghề cao có thể đạt mức 12-13 kg/ngày. Công làm cói được chủ tổ hợp tính theo hình thức: 1 kg cói = 2.300 đồng.
Tuy là nghề được đưa về địa phương từ năm 2006 do một số người có tâm huyết vào tận Thanh Hóa để học, nhưng đối với người dân xóm 10B, đây tuy là nghề mới vì kỹ thuật và máy móc hoàn toàn mới, nhưng cũng là nghề truyền thống lâu đời của địa phương. Gặp bà Nhàn, năm nay đã ngoài 80 tuổi, trí nhớ không còn minh mẫn nhưng bà vẫn nhớ thời thịnh vượng của nghề khi bà còn trẻ với những kỹ thuật se cói kiểu "lõi xuôi" và bằng máy đạp chân. Bây giờ hiện đại hơn là sử dụng kỹ thuật se cói "lõi ngược" và bằng máy chạy điện.
Khôi phục nghề từ… Nghị quyết 04
Đồng chí Bí thư chi bộ xóm 10B Nguyễn Quốc Viến đồng thời là Trưởng BCH làng nghề se cói cho biết: Sau hơn một năm nghề được đưa về địa phương và phát triển rầm rộ như hiện nay, thu hút hơn 90% dân số trong xóm làm nghề để nâng cao thu nhập và tăng giá trị TTCN của xã, năm 2007 UBND tỉnh Ninh Bình đã chính thức công nhận làng nghề truyền thống cho nghề se cói. "Công" đầu tiên thuộc về những người có tâm huyết với nghề để đưa nghề quay lại với người dân từ mảnh đất Thanh Hóa. Còn "công" khôi phục làng nghề truyền thống thì xuất phát từ chính... Nghị quyết 04 của BTV Tỉnh ủy. Bởi vì, khi Đảng bộ xã Khánh Nhạc triển khai quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên trong đảng bộ, dựa vào chương trình hành động của đảng bộ xã, chi bộ xóm 10B đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng và sự cần thiết phát triển nghề TTCN.
Cùng với công tác tuyên truyền, ban chi ủy xóm phân công đảng viên phụ trách cụm dân cư tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con, động viên nhân dân khi có nghề mới nên theo học để có việc làm. Do đó, khi những chiếc máy se cói đầu tiên của gia đình anh Quyên, chị Lĩnh được đưa về địa phương, nhiều người đã đến tìm hiểu và xin theo học. Như ở tổ hợp của anh Viến, ban đầu anh chỉ dám mua 5 máy về "thử nghiệm". Sau thấy đông người muốn làm nghề, anh "nâng" dần số lượng máy lên 10, rồi 17 máy năm 2007 và hiện nay là 30 máy. Các tổ hợp còn lại mỗi tổ sắm được từ 20-30 máy. Đến nay cả xóm có gần 100 máy, trong khi toàn xóm có 129 hộ gia đình, như vậy tỷ lệ người theo học và làm nghề se cói rất cao.
Nghề se cói rất phù hợp với lao động nữ. Ảnh: P.V
Nên mở rộng làng nghề.
Trao đổi với một số chủ tổ hợp, chúng tôi nhận thấy vấn đề "bức bách" nhất hiện nay của việc làm nghề chính là "khâu" mặt bằng. Hầu hết các gia đình chủ tổ hợp đều vừa làm nghề, vừa sinh hoạt trong một diện tích chật hẹp vốn dĩ là nơi sinh sống nên không khí oi bức của thời tiết cộng với tiếng ồn và mùi dầu máy bốc lên khiến hoạt động của mỗi tổ hợp như trong một "lò nung". Duy chỉ có tổ hợp anh Viến may mắn hơn là thuê được một ngôi nhà ở bên cạnh để đặt máy cho thợ, còn lại các tổ hợp khác đều khó khăn về mặt bằng, địa điểm. Đây cũng là mong muốn của các tổ hợp khi nghĩ đến việc phát triển và mở rộng làng nghề.
"Chỉ cần có sự quan tâm của xã trong việc tạo điều kiện cho các tổ hợp thuê, mượn hoặc đấu giá quyền sử dụng đất thì khó khăn của các tổ hợp và sự vất vả của người lao động sẽ được giải quyết"- một chủ tổ hợp cho biết. "Nếu làng nghề được mở rộng, sẽ thu hút thêm rất nhiều lao động trong xã và vùng lân cận, đóng góp tích cực vào giá trị sản xuất TTCN của địa phương"- anh Viến khẳng định chắc chắn như vậy vì qua gần 3 năm làm nghề, mức thu nhập của người lao động đã đạt từ 600.000 đồng- 800.000 đồng/người/tháng. Doanh thu của các tổ hợp cũng đạt mức 40-50 triệu đồng/tổ hợp. Quan trọng hơn, mối quan hệ với bạn hàng được duy trì và phát triển nên đầu vào cho nguyên liệu và đầu ra cho sản phẩm được bảo đảm, vì vậy cả người lao động lẫn chủ tổ hợp đều yên tâm làm nghề.
"Quyết định công nhận làng nghề truyền thống của UBND tỉnh năm qua là "đòn bẩy" vững chắc để chúng tôi thêm vững tâm phát triển và mở rộng làng nghề, chứ không "gói gọn" trong phạm vi một xóm như hiện nay"- Bí thư chi bộ, trưởng BCH làng nghề se cói xóm 10B Khánh Nhạc quả quyết như vậy. Và người dân trong xóm đang hàng ngày cần cù, kiên trì bên những chiếc máy se cói để biến ước mơ giản dị đó thành hiện thực.
Bài, ảnh: Phan Hiếu