Gặp gỡ nhóm tác giả khi đang hoàn thiện và nâng cao một số nội dung của dự án để tham gia thi cấp Quốc gia, em Đinh Hoàng Nam, đại diện nhóm cho biết: Qua tìm hiểu thực tế, chúng em thấy có rất nhiều loại giường hỗ trợ chăm sóc cho người mất khả năng vận động tay chân sử dụng tại nhà có giá từ 15 triệu đồng, đến vài chục triệu đồng, thường được sử dụng bằng nút bấm (điều khiển điện) hoặc điều khiển cơ.
Tuy nhiên, những thiết bị này chỉ có một số chức năng đơn giản như nâng đỡ bệnh nhân, vệ sinh và vẫn cần phải có người thân bên cạnh điều khiển. Còn trong bệnh viện thì có một số ít giường bệnh được trang bị hiện đại, giá thành cao và chủ yếu phục vụ cho công tác điều trị và cấp cứu bệnh nhân thể trạng nặng.
Chính vì vậy, để có một sản phẩm mà khi người mất các chức năng vận động tay chân có thể tự phục vụ và hồi phục cho chính mình mà không cần sự giúp đỡ của ai khác (giải tỏa gánh nặng cho người chăm sóc) sử dụng tại nhà thì sản phẩm ấy phải thật thông minh và hoạt động đúng cách thức để nhận diện được các yêu cầu của bệnh nhân, như hỗ trợ phục hồi vận động, tập hồi phục não (bằng hệ thống giải trí trên màn hình như nghe nhạc, xem video, đọc báo), vệ sinh tại chỗ…
Để người nhà hay người chăm sóc luôn theo dõi được tình trạng người bệnh từ xa, sản phẩm cần có chức năng chuyển dữ liệu từ người bệnh qua smartphone hoặc máy tính kết nối mạng. Từ ý tưởng trên, chúng em đã lựa chọn đề tài "Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà" tích hợp nhiều tính năng trên sản phẩm như: Người bệnh ra lệnh bằng giọng nói để giường hỗ trợ hồi phục chức năng vận động tay chân, tập cho trí não, giải trí và có cảm biến thông báo tình trạng về nhịp tim, khí thở cho người nhà theo dõi qua app… Sản phẩm bước đầu phát triển công nghệ thông minh nhận lệnh từ một số cử chỉ khuôn mặt của bệnh nhân khi họ muốn xem video, nghe nhạc để giải trí...
Trong quá trình thực hiện dự án, chúng em đã nghiên cứu từng phần của chiếc giường bệnh sao cho chiếc giường có công năng sử dụng tối ưu nhất. Đối với phần khung giường, được thiết kế dựa trên loại ghế gỗ nằm, thay đổi 1 số chức năng để giường có thể thay đổi tư thế nằm, ngồi bằng xi lanh điện. Linh kiện điện tử được tìm mua trên thị trường Hà Nội, phù hợp với nhu cầu, ý tưởng tại dự án như mạch, rơ le, chip, màn hình và cảm biến khoảng cách, mô tơ, nguồn tổ ong…
Đồng thời, để thực hiện tốt dự án, người sáng chế cần nhiều kiến thức đã học như vật lý dòng điện không đổi, dòng điện xoay chiều, cộng với kiến thức môn công nghệ về rơ le, chip, tụ; kiến thức về sinh học là những bài tập của những người mất chức năng vận động tay, chân và tham khảo ý kiến của các bác sỹ chuyên khoa; các kiến thức về tin học với ngôn ngữ lập trình và các cấu trúc dữ liệu. Thời gian hoàn thiện sản phẩm trong 6 tháng (từ tháng 6-12/2020).
Tham gia dự án, nhóm tác giả có những thuận lợi khi các em đều đã từng tham gia các cuộc thi KHKT và giành kết quả cao. Như em Đinh Hoàng Nam, từng tham gia thi "Sáng tạo trẻ" từ năm lớp 6, năm lớp 9 em đạt giải nhất cấp tỉnh cuộc thi KHKT với dự án về sinh học-khoa học nghiên cứu động vật; lớp 10 đạt giải khuyến khích cấp tỉnh về dự án hóa học, nghiên cứu về máy đo vật lý.
Còn em Nguyễn Trần Đạt, tham gia thi KHKT từ lớp 9, lớp 11 đạt giải nhì môn tin tại kỳ thi HSG cấp tỉnh, tham gia đội tuyển học sinh giỏi tin cấp quốc gia; lớp 12 đạt giải nhì môn tin cấp tỉnh và chọn vào đội dự tuyển thi học sinh giỏi cấp Quốc gia....
Tuy nhiên, khi thực hiện dự án, nhóm tác giả phải tiếp tục nghiên cứu nhiều tài liệu của các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực liên quan đến dự án. Như tham khảo tài liệu về phục hồi chức năng cho người liệt, sách về lập trình; nghiên cứu qua mạng Internet; tìm các chuyên gia Y tế để có sự tư vấn phù hợp....
Cùng với đó là sự tư vấn của các thành viên trong CLB KHKT trường THPT Hoa Lư A trên mạng xã hội, để các cựu học sinh nhà trường đã từng đạt giải cao tại cuộc thi KHKT các cấp giúp đỡ trong tư vấn, giao lưu, chia sẻ và giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án.
Đặc biệt, dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Nguyễn Mạnh Tú, giáo viên Vật lý, Trường THPT Hoa Lư A đã hướng dẫn thực hiện hệ thống chip, hệ thống kỹ thuật để hoàn thiện sản phẩm... Sản phẩm hoàn thiện dự kiến đưa vào ứng dụng có giá trị khoảng 25 triệu đồng.
Hồng Vân