Theo xác nhận từ Trung tâm Hành tinh Nhỏ (Minor Planet Center) thuộc Liên minh Thiên văn quốc tế (IAU), 3I/Atlas được phân loại là một sao chổi, có đường kính ước tính từ 10 - 40km, mang đặc điểm “mờ nhòe” và xuất hiện một chiếc đuôi ngắn dấu hiệu cho thấy lớp băng trên bề mặt đang bốc hơi khi tiến gần Mặt Trời.
Điểm đặc biệt khiến 3I/Atlas khác biệt là quỹ đạo không gắn liền với Mặt Trời. Vật thể này bay qua hệ Mặt Trời với vận tốc lên đến hơn 60 km/giây, đủ để thoát khỏi lực hấp dẫn của Mặt Trời và tiếp tục hành trình vào không gian sâu thẳm sau khi rời đi.
Theo ông Richard Moissl - Trưởng bộ phận phòng thủ hành tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), 3I/Atlas sẽ bay vào bên trong quỹ đạo Sao Hỏa và đạt điểm cận nhật (vị trí gần Mặt Trời nhất) vào ngày 29/10 tới. Sau đó, sao chổi này sẽ dần rời khỏi hệ Mặt Trời trong vài năm tới.
Nhà thiên văn học Jonathan McDowell thuộc Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian cho biết những vật thể như 3I/Atlas có thể hình thành trong các hệ sao xa xôi. Sau đó, dưới tác động hấp dẫn từ các ngôi sao lân cận, chúng bị “đánh bật” khỏi quỹ đạo ban đầu và trở thành những “kẻ lang thang” trôi nổi qua các thiên hà. Việc 3I/Atlas đi qua hệ Mặt Trời có thể chỉ là một lần ghé thăm ngẫu nhiên trong hành trình hàng triệu năm của sao chổi này.
Hiện 3I/Atlas đang ở khoảng cách tương đương với quỹ đạo của Sao Mộc tính từ Trái Đất. Khi tiến gần Mặt Trời, vật thể này sẽ tiếp tục sáng lên. Các nhà thiên văn đang nỗ lực thu thập dữ liệu về hình dạng, thành phần hóa học và tốc độ quay của 3I/Atlas.
Trước 3I/Atlas, hệ Mặt Trời từng có hai vật thể liên sao ghé thăm, gồm: 1I/'Oumuamua (năm 2017) vật thể có hình dáng thon dài bất thường, từng gây tranh cãi về khả năng có nguồn gốc nhân tạo; và 2I/Borisov (năm 2019) một sao chổi điển hình, chứa nhiều nước và bụi.
Theo ông Mark Norris - nhà thiên văn học tại Đại học Central Lancashire (Anh), 3I/Atlas có thể là vật thể lớn nhất từng được phát hiện trong nhóm các “du khách” giữa các vì sao và dường như "di chuyển nhanh hơn đáng kể so với hai vật thể ngoài hệ Mặt Trời đã phát hiện trước đó".
Một số mô hình dự đoán có đến 10.000 vật thể liên sao như vậy đang âm thầm trôi qua hệ Mặt Trời tại mọi thời điểm nhưng phần lớn quá nhỏ hoặc quá mờ để quan sát.
Giới chuyên môn kỳ vọng rằng với việc Đài quan sát Vera C. Rubin tại Chile chính thức hoạt động, tần suất phát hiện các vật thể như 3I/Atlas được kỳ vọng sẽ gia tăng trong những năm tới.
3I/Atlas không gây nguy hiểm cho Trái Đất. Thậm chí, sự hiện diện của vật thể này mang lại cơ hội quý giá để nghiên cứu vật chất ngoài hệ Mặt Trời. Nếu phát hiện được các phân tử hữu cơ như axit amin, đây có thể là manh mối củng cố giả thuyết rằng các điều kiện hình thành sự sống có thể tồn tại ở nhiều nơi khác trong vũ trụ. Ông Mark Norris nhận định: “Có khả năng đây là mảnh ghép quan trọng trong quá trình hình thành sự sống”.