Em Nguyễn Thị Thu Uyên, lớp 8A, đại diện nhóm tác giả Dự án chia sẻ: Qua tìm hiểu, chúng em được biết Sâm Ngọc Linh thuộc họ nhân sâm, là cây dược liệu đặc hữu quý hiếm, có hàm lượng cao các hợp chất Saponin triterpenoic. Ngoài những dược tính đặc trưng của chi nhân sâm, Sâm Ngọc Linh còn có nhiều tác dụng, điển hình như chống stress, chống trầm cảm, chống ôxy hóa, chống ung thư…
Hiện nay, do nhu cầu cao của thị trường dẫn tới việc khai thác ồ ạt, thiếu kiểm soát, trong khi số lượng cây giống hạn chế nên việc trồng Sâm Ngọc Linh với quy mô lớn gặp nhiều khó khăn, rất cần áp dụng tiến bộ KHKT để nhân nhanh giống. Loại sâm này sinh trưởng rất chậm, một năm chỉ tăng trưởng được 1-2 g chất khô. Sâm tự nhiên chỉ thu hoạch sau 7 năm trồng. Ngoài ra, cây sâm rất khó để giống và nhân giống. Hạt sâm rất khó nảy mầm, phải sau một năm mới nứt nanh. Tỷ lệ nảy mầm lại rất thấp, chỉ khoảng 30-40%. Một cây chỉ có khoảng 2-10 hạt đạt tiêu chuẩn để trồng. Do đó, việc nhân giống bằng hạt gặp rất nhiều khó khăn và tỷ lệ nhân giống rất thấp.
Để góp phần nhân nhanh giống Sâm Ngọc Linh, nhóm tác giả đã nghiên cứu các yếu tốảnh hưởng đến quá trình phát sinh phôi vô tính như: Chất điều hòa sinh trưởng nhằm khôi phục khả năng phát sinh phôi vô tính từ các tế bào đã suy giảm hoặc mất đi khả năng này, các chất điều hòa sinh trưởng phải được sử dụng trong hầu hết các hệ thống nuôi cấy phôi vô tính. Auxin được dùng chủ yếu cho quá trình này. Nguồn nitơ là thành phần của acid nucleic và thành phần chủ yếu của chất nguyên sinh đóng vai trò quan trọng trong trao đổi chất nên ảnh hưởng trực tiếp tới sự trao đổi chất ở cây. Ánh sáng, độ pH và một số chất điều hòa sinh trưởng dùng trong nghiên cứu (như Auxin, Cytokinin, BA, TDZ). Mẫu Sâm Ngọc Linh dùng trong các thí nghiệm của nghiên cứu này là cây con 2 năm tuổi được hỗ trợ từ Viện Công nghệ sinh học thành phố Hồ Chí Minh với số lượng 20 cây con. Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 9/2021 đến tháng 9/2022.
Sau một thời gian triển khai, nghiên cứu của nhóm tác giả đã đạt được mục đích đề ra. Mô sẹo và phôi vô tính Sâm Ngọc Linh được hình thành trên môi trường nuôi cấy MS (cho giai đoạn tạo và nhân nhanh sẹo) và SH (cho giai đoạn tạo và nhân nhanh phôi, tạo và nuôi dưỡng cây con) có bổ sung các phytohocmon với nồng độ phù hợp.
Cụ thể: Khử trùng mẫu trong thời gian 9 phút cho tỷ lệ mẫu sống không nhiễm đạt cao nhất. Mô sẹo hình thành trên môi trường MS bổ sung phối hợp nồng độ 1,0 mg/l 2,4-D với 0,2 mg/l TDZ cho tỷ lệ tạo mô sẹo và khối lượng mô sẹo cao. Môi trường SH giảm 1 nửa vi lượng là môi trường tốt nhất cho sự sinh trưởng của mô sẹo. Môi trường SH có bổ sung 0,5 mg/l NAA, 0,2 mg/l 6BA 1,0 mg/l 2,4-D cho khả năng tạo phôi vô tính Sâm Ngọc Linh tốt nhất. Các mẫu vật liệu khởi đầu thu được có chất lượng tốt để tiếp tục cho các nghiên cứu chuyên sâu hơn. Với kết quả ưu việt đó, Dự án đã đạt giải ba tại Cuộc thi KHKT cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2022-2023.
Thầy giáo Phạm Hồng Minh, giáo viên bộ môn Sinh, Trường THCS thị trấn Yên Ninh - giáo viên hướng dẫn Dự án cho biết: Để dự án của học sinh thành công, với vai trò giáo viên môn Sinh học, dự án thuộc lĩnh vực Khoa học thực vật, tôi đã hướng dẫn học sinh tìm tài liệu, cùng các em luyện tập kỹ năng thực hành đối với đối tượng nghiên cứu hiệu quả nhất. Tiếp tục bồi dưỡng học sinh các kiến thức cơ bản về Sinh học liên quan thực hiện dự án, để học sinh có cái nhìn khái quát nhất về đối tượng nghiên cứu của mình. Xây dựng kế hoạch, định hướng cho học sinh thực hiện dự án phù hợp với điều kiện học tập trên lớp và ở nhà. Từ đó giúp học sinh hoàn thành dự án, vừa hoàn thành nhiệm vụ học tập.
Thành công từ Dự án của nhóm học sinh đã tiếp tục làm dày thêm thành tích giáo dục toàn diện cũng như phong trào nghiên cứu KHKT trong học sinh Trường THCS thị trấn Yên Ninh nhiều năm qua. Trong những năm gần đây, Nhà trường đã đạt được nhiều kết quả cao trong các cuộc thi KHKT cấp huyện, cấp tỉnh: Năm học 2021-2022, Nhà trường có một dự án đạt giải nhất cấp tỉnh; năm học 2022-2023 có một dự án đạt giải ba cấp tỉnh. Kết quả của các dự án khẳng định chất lượng giáo dục cũng như cổ vũ phong trào học tập, sáng tạo trong học sinh của Trường THCS thị trấn Yên Ninh.
Bài, ảnh: Hồng Vân