Đây là lần thứ 2 chúng tôi đến xã Kim Hải, các thầy cô đón chúng tôi thân thiết như người nhà. Câu chuyện về những người một thời đã nhọc nhằn với sự học ở vùng biển như kéo mọi người quay trở lại của ký ức hơn 10 năm về trước. Dù đã hơn 1 lần được nghe thầy Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Hải Phạm Văn Sơn kể về con đường vào nghề của mình, nhưng mọi người vẫn thấy xúc động.
Đến nay đã 15 năm thầy gắn bó với vùng đất khó này, không ít cơ hội cho thầy chuyển về những nơi có điều kiện tốt hơn nhưng thầy Sơn không bao giờ có ý định rời xa nơi này bởi thầy nghĩ: "Đã là giáo viên thì ở nơi đâu cũng là dạy học. Dạy ở những nơi khó khăn thì công lao của mình bỏ ra mới có nhiều ý nghĩa". Mới 30 tuổi nhưng sự từng trải và cái khắc nghiệt của vùng đất này đã làm thầy già hơn nhiều so với tuổi.
Sự nhiệt tình của tuổi trẻ và lòng say mê nghề nghiệp, tình yêu đối với vùng đất khó đã tạo cho thầy giáo Nguyễn Văn Hoan, Trường THCS Kim Hải có thêm nghị lực gắn bó với nghề. Từ ngày thầy Hoan về, Trường mới có giáo viên chuyên Sinh. Sau hai năm giảng dạy, thầy đã có học sinh giỏi. Đến nay, thầy đã bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi và thầy là một trong những giáo viên được Phòng Giáo dục huyện Kim Sơn đánh giá cao.
Cũng như thầy Sơn, thầy Hoan, cô giáo Thái Hồng Nhung, giáo viên Trường THCS Kim Tân cũng không ngờ mình sẽ gắn bó cả đời với vùng bãi bồi ven biển. Sinh ra trong một gia đình khá giả, từ nhỏ đã quen với sự chăm sóc của bố mẹ, thế nhưng khi theo chồng về Kim Tân, cô Nhung nhận công tác tại một ngôi trường khó khăn, thiếu thốn.
Cô Nhung tâm sự: "Ban đầu về đây nhìn thấy học sinh ở đây lem luốc, cơ sở vật chất của nhà trường thì nghèo nàn, tường bao không có, phòng học tạm bợ mà thấy nản. Nhưng khi nhìn thấy những đứa trẻ đi bộ từ 3-5 km, ngày ngày cần mẫn đến trường, ngày mưa có đứa phải nghỉ học vì đường trơn không đi được, trách nhiệm của một nhà giáo, tình thương của một người mẹ đã giúp tôi vượt qua những khó khăn của bản thân để dồn tâm huyết vào việc dạy học, bù lại những thiệt thòi của học sinh nơi đây. Và cũng không biết từ khi nào tôi có cảm tình đặc biệt với vùng đất khó này".
Có thể nói, những hy sinh của các thầy, cô giáo nơi vùng biển không có thước đo, hay ngòi bút có thể tả hết. Tuy có hoàn cảnh khác nhau, suy nghĩ khác nhau nhưng ở họ có một mẫu số chung đó là lòng yêu nghề, mến trẻ, là lý tưởng sống cao đẹp "đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên". Dường như, để đáp lại sự hy sinh to lớn của các thầy, cô giáo và ước muốn vươn lên thoát khỏi cảnh đói, nghèo, học sinh ở đây cũng có nghị lực hơn.
Cô giáo Thái Hồng Nhung kể cho chúng tôi nghe về gương của một học sinh nghèo học giỏi đó là em Nguyễn Văn Phương, học sinh lớp 9B, Trường THCS Kim Tân. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, đông anh em. Ngày nào Phương cũng đi bộ 4-5 km đến trường. Tuy khó khăn là thế nhưng Nguyễn Văn Phương lại là lớp trưởng của lớp 9B, 9 năm liền em là học sinh giỏi toàn diện. Phương tâm sự: "Nhà em khó khăn lắm, thấy bố mẹ vất vả thế em chẳng biết đền đáp bằng cách nào, chỉ còn cách là phải quyết tâm học thật giỏi. Em tin chỉ có học tập thì sau này mới có thể đỡ vất vả".
Khó khăn là thế, nhưng nhờ có sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự tận tình của các thầy, cô giáo và ý chí của những học sinh muốn vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo mà đến nay giáo dục vùng ven biển Kim Sơn đã có nhiều khởi sắc.
Ông Hoàng Văn Phương, Trưởng Phòng Giáo dục Kim Sơn cho biết: So với 5 năm trước thì giáo dục ở vùng bãi ngang đã có sự thay đổi đáng kể. Giáo viên không còn phải đến từng nhà vận động học sinh đến trường. Cơ sở vật chất đã từng bước thay đổi, hệ thống trường THCS và tiểu học hầu hết đã kiên cố hóa. Một số xã như: Kim Hải, Văn Hải, Cồn Thoi, Kim Tân… đã có trường học đạt chuẩn Quốc gia. Đối với giáo viên, huyện cũng đã có nhiều chính sách động viên, hỗ trợ để thu hút giáo viên về vùng bãi ngang như: Ưu tiên mua đất, hỗ trợ tiền xăng xe, hỗ trợ 1 lần cho những giáo viên tình nguyện về dạy lâu dài, nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng này".
Câu chuyện về những thầy, cô giáo và học sinh với đầy nghị lực nơi bãi bồi ven biển Kim Sơn tưởng như còn kéo dài nữa. Nhá nhem tối chúng tôi mới xin phép ra về. Hình ảnh các thầy, cô giáo với lý tưởng cao đẹp và những đứa trẻ tan học tay ôm cặp, tay mang dép men theo bờ đầm đất trơn trượt về phía các căn nhà nhỏ cứ ám ảnh tôi. Ngoài kia gió vẫn thổi lồng lộng mang theo cả vị mặn chát của biển, và dường như: "Cái chữ ở nơi đây cũng có vị mặn".
Linh Nhi