Chị Nguyễn Thị Tâm, phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) làm nghề phụ hồ đã được gần 3 năm. Theo chị Tâm, công việc phụ hồ luôn đòi hỏi người lao động phải siêng năng, nhanh nhạy và có sức khỏe.
Có những lúc thiếu người, trong khi các thợ thì trên cao, dưới đất chỉ còn chị làm phụ vữa và người đứng máy trộn, người trực dây kéo, không còn ai, chị phải đảm nhận một lúc hai việc, vừa tiếp gạch, vừa xách vữa, thế nhưng công sá cũng chẳng được tăng. Làm dần thành quen, mà cũng là chỗ nhóm thợ anh em quen biết cả nên mỗi người làm tăng thêm một chút cho công việc hiệu quả.
Vừa qua, trong lúc làm nhà cho một gia đình ở phường Phúc Thành, không may chị Tâm bị ngã giàn giáo cách mặt đất 4,5 m, gẫy chân, vỡ xương chậu, xây xát toàn thân. Nằm viện hàng tháng trời, về nhà thêm 3 tháng nằm bất động, cộng 2 tháng phải đi lại nhẹ nhàng, gần trăm triệu đồng vợ chồng tích cóp bao năm định sửa lại cái nhà xuống cấp đã phải mang ra chạy chữa cứu mạng sống cho chị.
Chị Tâm bảo, trường hợp của chị còn may là ngã phần chân và mông xuống trước nên đầu không ảnh hưởng gì, chứ ngã lộn đầu xuống trước chắc chắn chỉ có chết hoặc bán thân bất toại sống đời thực vật. Giờ sức khỏe của chị đã tạm ổn nhưng không thể làm được việc nặng, hàng ngày quanh quẩn ở nhà, chị đành chọn công việc nhẹ nhàng là làm hàng thêu ren với mức thu nhập gần 1 triệu đồng mỗi tháng…
Anh Nguyễn Văn Tuấn, xã Yên Nhân (Yên Mô) lại là người có thâm niên 15 năm trong nghề thợ xây. Nhanh nhẹn, có sức khỏe, cần cù, nhiều lần anh Tuấn cũng mong tìm được công việc ổn định ở công ty nào đó nhưng không thể vì bằng cấp, trình độ không có.
Hơn nữa, cũng vì điều kiện gia đình, ngoài đi làm theo công trình, mùa màng anh phải về phụ vợ cấy - gặt hơn một mẫu lúa. "Nhà 3 đứa con đang tuổi ăn học, tiền công mỗi ngày được gần 2 trăm nghìn, rét mướt, mưa gió vẫn phải đu mình ở trên giàn giáo, trời nắng thì cháy xém thịt da, tuy vất vả, khó nhọc nhưng tôi luôn mong có việc đều, chứ có tháng nghỉ đến gần hai chục ngày, tiền chi phí sinh hoạt, đóng học cho con không đủ…
Tôi chấp nhận đi cả các công trình xa, ngoài tỉnh, chấp nhận ăn ở tại công trình bẩn thỉu, thiếu thốn mọi thứ để có tiền gửi về gia đình… Nói chung, đã xác định làm nghề này thì phải có sức chịu đựng thật tốt".
Khi được hỏi, làm nghề nặng nhọc và nguy hiểm như vậy có được chế độ bảo hiểm, bảo hộ tai nạn lao động gì không, anh Tuấn trầm ngâm cho biết: "Có việc làm là tốt rồi, khi người ta gọi thì đi chứ trông mong hợp đồng, quyền lợi gì nữa. Thú thật, cũng may làng tôi có anh chủ thầu xây dựng năng động nên mỗi tháng đều đặn tôi cũng có hơn hai chục ngày công, cho thu nhập trên dưới 4 triệu đồng" .
Lao động công nhật, mùa vụ đang thu hút khá nhiều người tham gia, từ các nghề bán hàng thuê, bốc vác, giúp việc, thợ xây… đến bất cứ việc gì mà người thuê có nhu cầu cần người như dọn vườn, thông cống, chăm sóc người già, trẻ em…
Người lao động chỉ nhận được tiền công chứ không được bất cứ một chế độ bảo hộ lao động nào. Tuy công việc của mỗi người có khác nhau, nhưng đều đòi hỏi người lao động phải có trách nhiệm, mang lại hiệu quả công việc mới được trả thù lao, nhiều khi thù lao còn không tương xứng với công sức mà họ bỏ ra nhưng đa số người lao động đều "tặc lưỡi" chấp nhận, vì đó là công việc làm tạm thời, có lúc nào hay lúc ấy, được đồng nào hay đồng ấy...
Đồng chí Phạm Ngọc Phúc, Phó Trưởng phòng Lao động - Tiền lương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Trong quy định của Luật Bảo hiểm, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động có từ 10 lao động trở lên phải có chế độ bảo hiểm cho người lao động. Luật Lao động cũng quy định rất rõ, các đơn vị doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động có hợp đồng 3 tháng trở lên phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động…
Thế nhưng, để lách các khoản luật này, chủ sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động thường chỉ thuê lao động công nhật và ít hơn 10 người mỗi ngày, để vừa khỏi đóng bảo hiểm, vừa không tốn công làm hợp đồng, xin giấy phép…Với cách làm này, chủ thuê mướn tránh được sự quản lý, kiểm tra của các cơ quan chức năng về quy định sử dụng lao động. Và họ luôn có lý do để biện hộ rằng, đó là lao động công nhật, lao động mùa vụ.
Còn người lao động, vì mưu sinh, họ chỉ cần được thuê và trả chi phí công nhật hợp lý là đồng ý mà không cần đòi hỏi quyền lợi. Khi tai nạn xảy ra, người thiệt thòi nhất chính là những người lao động, nhẹ thì bị thương, nặng thì mất mạng. Hiện số liệu về các vụ tai nạn lao động do làm công nhật, làm theo mùa vụ, không có cơ quan nhà nước nào chịu trách nhiệm quản lý và cũng không thống kê được; khi không may xảy ra tai nạn, hầu hết được những người chủ thuê mướn "giấu nhẹm" rồi đưa ra những thỏa thuận miệng để bù đắp bằng tiền bạc, vật chất, tình cảm… cho những người lao động và các gia đình không may gặp tai nạn để sự việc chìm dần vào im lặng.
Thực tế cho thấy, đại bộ phận người lao động làm công nhật, thời vụ chỉ cần có việc làm, có tiền là đủ nên không quan tâm đến việc đưa ra các điều kiện với chủ sử dụng lao động để bảo vệ mình.
Vì vậy, nên chăng, Bộ luật Lao động cần có những quy định cụ thể và chặt chẽ hơn về đối tượng nhân công làm việc theo công nhật, thời vụ, tạo điều kiện cho người lao động được đóng bảo hiểm xã hội, được mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể… để mỗi khi không may xảy ra tai nạn, người lao động được bảo hộ, được đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng mà mình được hưởng...
Hạnh Chi