Ở tuổi 90, bước chân của cụ Ngãi đã chậm chạp, run rẩy nhưng điều đó không ngăn được vị lão thành cách mạng này tìm về những dấu tích lịch sử như là Đình làng Vân Thị,… nơi đã từng chứng kiến và ghi dấu nhiều hoạt động cách mạng quan trọng của địa phương. Tại đây, ký ức của hơn 70 năm về trước được tái hiện qua trí nhớ của vị lão thành cách mạng như một thước phim quay chậm đầy cảm xúc.
Cụ Ngãi nhớ lại: Trước cách mạng Tháng Tám, trình độ văn hóa của nhân dân địa phương rất thấp, với hơn 90% dân số mù chữ. Cả xã chỉ có một vài lớp học do các thầy đồ dạy. Tôi may mắn hơn nhiều bạn cùng trang lứa vì được cha cho đi học. Lớp học có khi được tổ chức ngay ở đình làng nhưng cũng khó duy trì thường xuyên và lâu dài vì có những nội dung kết hợp giữa việc học chữ với đọc sách báo, học các bài thơ ca yêu nước, ca ngợi các anh hùng dân tộc, ca ngợi tinh thần đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau… Nhưng với thời gian học tập ít ỏi đó cũng đã đủ hun đúc trong tôi và một số bạn trẻ khác lòng yêu nước, thương dân.
Nhiều năm sau, khi bất ngờ nhận tin cha bị bắt, tôi và gia đình mới vỡ lẽ trong suốt thời gian dài ông đã miệt mài tham gia hoạt động cách mạng. Biến cố này dường như đã thức tỉnh và thôi thúc tôi tiếp tục tìm tới lý tưởng và ánh sáng cách mạng mà cha mình đã lựa chọn nhưng còn dang dở… Tôi bắt đầu bằng nhiệm vụ được giao là cất giấu, chuyển giao những tài liệu của cha. Sau đó, tôi tiếp tục được các cán bộ cách mạng, những người đã từng hoạt động với cha giao cho nhiều nhiệm vụ khác như rải truyền đơn, dán áp phích ở những nơi công cộng, tường nhà hương lý, chánh tổng… Nội dung tuyên truyền là phê phán chế độ thực dân phong kiến, sự bất công tàn bạo của quan lại cường hào, giáo dục tinh thần yêu nước, kêu gọi địa chủ, phú nông, quan lại địa phương không làm tay sai cho giặc Pháp, không hợp tác với thực dân phong kiến. Các hoạt động được tiến hành với phương châm thận trọng, khôn khéo, tuyệt đối bí mật.
Tôi còn nhớ, để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa đã có 1 lớp huấn luyện quân sự, chính trị tại Đình Vân Thị cho tự vệ trong xã và cán bộ Việt Minh, tự vệ thị xã Ninh Bình. Liên tục trong vòng hơn 1 tuần, các đội viên tự vệ cứu quốc hăng hái luyện tập, thu hút nhân dân đến xem, cổ vũ, gây thanh thế cho Việt Minh xã. Các chức dịch trong tổng, xã hoang mang lo sợ đến cực điểm.
Sáng sớm ngày 19/8/1945, Việt Minh huyện Gia Viễn, trung đội giải phóng quân của tỉnh cùng tự vệ các xã trong huyện tiến vào huyện lỵ Gia Viễn, treo cờ đỏ sao vàng lên nóc trụ sở huyện lỵ. Việt Minh huyện tuyên bố xóa bỏ mọi chính sách của chính quyền phong kiến, thành lập ủy ban nhân dân cách mạng (lâm thời). Sau khi tham gia khởi nghĩa ở huyện, đội tự vệ các xã Tri Hối, Thần Thiệu, Thiện Hối, Tùy Hối diễu hành từ huyện lỵ về xã gây thanh thế, xóa bỏ hoàn toàn bộ máy chính quyền phong kiến. ủy ban nhân dân xã lãnh đạo xây dựng chính quyền cách mạng. Việt Minh xã củng cố tăng cường các tổ chức cứu quốc, tiến hành xây dựng chính quyền do nhân dân lao động làm chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh.
Đến sáng ngày 20/8/1945, tôi vinh dự có mặt trong đoàn người gồm các đội tự vệ, một số cán bộ, nhân dân, khoảng hơn 100 người ở Tri Hối, Thần Thiệu, Thiện Hối, Tùy Hối… tổ chức tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện lỵ Gia Khánh và tỉnh lỵ Ninh Bình. Tại Cầu Huyện, đoàn khởi nghĩa gặp 2 ô tô chở lính Nhật, có vũ khí, đại diện Việt Minh giải thích rõ chính sách của Mặt trận Việt Minh. Và trước khí thế cách mạng sục sôi của lực lượng khởi nghĩa, chúng nhượng bộ, giao ô tô cho lực lượng cách mạng, tạo điều kiện khởi nghĩa nhanh chóng thành công ở tỉnh lỵ Ninh Bình.
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền từ xã đến huyện và ở tỉnh thắng lợi hoàn toàn, khí thế cách mạng trào dâng như vũ bão, nhân dân mừng vui phấn khởi vì từ đây đã thoát khỏi ách kìm kẹp, tù đầy, khủng bố của thực dân Pháp, phát xít Nhật và chính quyền phong kiến tay sai, thoát khỏi cuộc đời nô lệ lầm than, thân phận làm thuê cho địa chủ. Các làng xóm tổ chức mít tinh chào mừng thành công của cách mạng. Trong đó các lực lượng tự vệ, thanh niên, phụ nữ, thiếu niên, nhi đồng tham gia biểu diễn văn nghệ, hát vang những bài ca cách mạng, quê hương tưng bừng như ngày hội.
Trong ánh mắt của cụ Ngãi, chúng tôi cảm nhận niềm vui ấy như vừa mới hôm qua… Và vẫn ánh mắt nụ cười đầy phấn khởi ấy, cụ tiếp lời: quê hương ngày nay đã đổi thay rất nhiều, với tôi đó là nhìn thấy con cháu hàng ngày được cắp sách tới trường, là xóm làng nhà cửa mọc lên san sát, là đường sá bê tông trải dài đến từng ngõ xóm…
Bài, ảnh: Đào Duy