Chỉ thị số 27-CT/T.Ư "Về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội" (gọi tắt là Chỉ thị 27) chính là cuốn "cẩm nang" bổ ích của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nho Quan trong cuộc chiến xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Theo đó, MTTQ huyện Nho Quan cùng các tổ chức thành viên đã chủ động xây dựng chương trình, nội dung để thường xuyên tuyên truyền Chỉ thị 27 trên Đài truyền thanh và hệ thống cổ động trực quan.
Đặc biệt, những nội dung của Chỉ thị được chuyển hóa thành các tiết mục văn hóa văn nghệ, biểu diễn trong các chương trình, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng ở địa phương đã tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận, hiểu sâu sắc hơn việc tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội một cách lành mạnh, tiến bộ, phù hợp với các quy định của Đảng và Nhà nước. Nhờ đó, nhận thức của người dân về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã có sự chuyển biến rõ nét.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Lương Khôi, Chủ tịch MTTQ huyện, những hủ tục trong việc cưới, việc tang và lễ hội thực chất vẫn còn "tiềm ẩn" trong ý thức của một bộ phận người dân. Thực tế cho thấy, nếu ở đâu cấp ủy, chính quyền chủ quan, chững lại trong quản lý, giám sát thì những hủ tục đó sẽ bùng phát trở lại. Bởi vậy, để thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và Chỉ thị số 27, phải nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền và tính gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, đưa nội dung thực hiện Chỉ thị vàokiểm điểm hàng năm đối với mỗi đảng viên và các cấp ủy đảng.
Để phát huy tính gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, MTTQ huyện đã gắn việc thực hiện Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và Chỉ thị 27 với Cuộc vận động lớn "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Đồng thời, Ban chỉ đạo xây dựng nếp sống văn hóa của địa phương, cơ sở sẽ lồng ghép nội dung của Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội vào phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng, khu phố, cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa. Quy định cụ thể việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội để làm căn cứ đánh giá, công nhận các danh hiệu gia đình văn hóa, làng, khu phố, cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá thi đua, khen thưởng các cá nhân, tập thể hàng năm.
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân… Nho Quan đã tạo nên sự chuyển biến tích cực trong việc cưới, việc tang và lễ hội đối với địa phương. Trong việc cưới, hơn 95% các thôn, bản, khu dân cư đã xây dựng chương trình kế hoạch cụ thể để thực hiện. Các cơ quan, đơn vị, các ngành đã xây dựng quy chế phối hợp; các thôn, bản, khu dân cư có quy ước, hương ước.
Nhiều nơi đã loại bỏ hoàn toàn một số hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, rườm rà, rút ngắn thời gian việc cưới xuống chỉ còn trong ngày. Nhiều xã, thị trấn làm tốt việc trao giấy chứng nhận kết hôn cho đôi nam nữ trang trọng, tiết kiệm. Nghi thức cưới theo phong tục cổ truyền chỉ còn rút lại từ 2 đến 3 bước là dạm ngõ, ăn hỏi và cưới. Đặc biệt, về độ tuổi kết hôn đều thực hiện nghiêm chỉnh theo Luật Hôn nhân và gia đình. ở nhiều địa phương, các đoàn thể đã phát huy vai trò của mình trong việc thực hiện nếp sống văn minh như vận động các gia đình thực hiện không mời thuốc lá trong đám cưới, điển hình là các xã: Văn Phương, Gia Tường, Thanh Lạc, Yên Quang…
Đến nay, 100% các xã, thị trấn của Nho Quan đều có những quy định cụ thể trong việc tang. Nhân dân ý thức chấp hành các quy ước của thôn, xóm và quy định của pháp luật về báo tử; tang lễ được tổ chức trang nghiêm, chu đáo, thể hiện tình cảm của những người đang sống đối với người đã khuất. Hầu hết, các đám tang đều thực hiện đúng những quy định của Nhà nước (Thông tư số 29-BYT/TT của Bộ Y tế) về giữ gìn vệ sinh. Không có tình trạng ăn uống linh đình trong đám tang. Các xã, thị trấn đều có quy định cụ thể về thời gian tổ chức tang lễ, thời gian kèn trống và nhạc hiếu, tránh gây ồn ào, ảnh hưởng tới sinh hoạt của nhân dân ở xung quanh…
Hiện nay, 100% các thôn, bản, khu dân cư đã mua sắm được các phương tiện cờ, trống, nhà quan, xe đưa tang, giúp gia đình có người chết tổ chức tang lễ đúng quy định, phù hợp với phong tục tập quán của địa phương. Trong tang lễ, có đại diện cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể của địa phương tới thăm viếng và đưa tang, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam "nghĩa tử là nghĩa tận".
Nho Quan không có lễ hội lớn, nhưng hầu hết các địa phương đều tổ chức lễ hội làng vào dịp đầu năm. Trong những năm qua, việc tổ chức lễ hội đều thực hiện tốt các quy định do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, góp phần đảm bảo vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, đoàn kết trong cộng đồng, không có tình trạng lợi dụng tự do tín ngưỡng để thực hiện mê tín dị đoan, tệ nạn cờ bạc trong lễ hội…
Nguyễn Hùng