Tại xã Gia Tường, toàn bộ diện tích lúa của xã đang bước vào giai đoạn chăm sóc cuối cùng. Đầu vụ do ảnh hưởng của thời tiết nên một số diện tích gieo sạ bị chết rét, bà con nông dân đã cấy bổ sung. Bà Phạm Thị Tâm, thôn An Nội cho biết: Năm nay nhà tôi cấy 8 sào, mặc dù có một số diện tích phải cấy lại sau Tết nhưng đến nay cây lúa phát triển đồng đều, ít bị sâu bệnh. Gia đình tôi cũng thực hiện chăm sóc lúa theo đúng hướng dẫn của HTX nông nghiệp như che phủ ni lon khi gieo mạ để chống rét và phòng trừ sâu bệnh, bón phân, đạm và làm thủy lợi nội đồng nên lúa sinh trưởng tốt, ít bị sâu bệnh.
Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nho Quan, vụ đông xuân năm nay toàn huyện gieo cấy được 7.500 ha lúa, đạt 100% kế hoạch đề ra, trong đó diện tích gieo sạ đạt 480 ha. Phần lớn nông dân tuân thủ lịch thời vụ nên trà lúa đang trong giai đoạn phát triển tốt. Huyện thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo nông dân chủ động phòng, chống sâu bệnh trên lúa nhằm hạn chế thiệt hại. Hiện nay lúa đông xuân đang vào đợt chăm sóc cuối cùng. Ông Vũ Lâm Trường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Vụ xuân là vụ sản xuất lúa chính trong năm. Để giúp cây lúa đẻ nhánh khỏe, tập trung và tăng tỷ lệ nhánh hữu hiệu nhằm đạt năng suất cao nhất ngay từ đầu vụ, phòng chuyên môn đã phối hợp với các xã chỉ đạo, hướng dẫn bà con từ khâu chăm sóc, chế độ dinh dưỡng, lượng nước, thường xuyên thăm đồng...
Hiện qua kiểm tra, giám sát cơ quan chuyên môn cũng như địa phương đã phát hiện một số diện tích bị nhiễm sâu bệnh như: 15ha bị chuột hại tập trung ở các xã Phú Sơn, Lạc Vân, Gia Tường; 4 ha bị nhiễm ốc bươu vàng tại Sơn Thành, Thanh Lạc và Đức Long; 10ha bị ngộ độc hữu cơ tại xã Thượng Hòa, Đức Long, Gia Thủy; 12 ha bị nhiễm bệnh rêu nhớt. Giải thích về các bệnh hại lúa ông Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Do quá trình dồn điền đổi thửa ở một số xã làm thủy lợi nội đồng đã đào đất sâu để đắp bờ nên một số kim loại nặng đã ảnh hưởng đến lớp đất bề mặt. Để khắc phục tình trạng này, ngay từ đầu vụ Phòng Nông nghiệp huyện đã hướng dẫn bà con nông dân làm đất sớm sau đó rắc vôi và lân rồi phơi mặt ruộng để khử trùng nên vào vụ cấy chỉ còn bị nhiễm độc nhẹ. Đối với diện tích bị ngộ độc hữu cơ và bệnh rêu nhớt bám thân cây, Phòng Nông nghiệp đã hướng dẫn bà con nông dân dừng bón phân đạm, tăng cường bón vôi. Diện tích nào chủ động được nước thì tháo nước để phơi mặt ruộng sau đó mới đưa nước vào.
Để đảm bảo năng suất, chất lượng lúa, gạo, UBND huyện Nho Quan vừa có văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nội đồng, hướng dẫn bà con nông dân trong công tác chăm sóc như dưỡng nước và điều tiết nước hợp lý, bón phân theo yêu cầu của cây lúa. Đặc biệt phải chủ động trong công tác phòng trừ sâu bệnh, diệt chuột.
Theo dự báo vụ đông xuân năm nay sẽ có một số bệnh tái phát ở cây lúa như bệnh đạo ôn, rầy nâu, lùn sọc đen Phương Nam... Giai đoạn lúa nứt áo đòng là thời điểm sâu đục thân, cuốn lá, rầy nâu thường hay phát sinh gây hại cùng lúc. Trạm bảo vệ thực vật huyện cũng đã khuyến cáo nông dân cần thường xuyên thăm đồng, phát hiện kịp thời sâu bệnh để phòng trừ hiệu quả. Nên ưu tiên sử dụng các loại thuốc trừ sâu tổng hợp thay vì mua nhiều loại thuốc cộng gộp để tiết kiệm lượng tiền và có kết quả cao.
Nguyễn Thơm