Đồng chí Phạm Thị Mai, Trạm trưởng Trạm thú y huyện cho biết: Cách đây hơn một năm, tại xã Quỳnh Lưu đã xảy ra dịch cúm gia cầm với số lượng gia cầm mắc và tiêu hủy gần 400 con, dịch bệnh trên gia súc ở nhiều nơi diễn biến phức tạp... Nguyên nhân một phần do nhận thức của người chăn nuôi, người buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch chưa được tốt. Mặt khác, Nho Quan là huyện miền núi, số lượng gia cầm trên địa bàn huyện khá lớn (trên 561.907), trên 98 nghìn con gia súc nằm rải rác ở các xã xa trung tâm, không tập trung thành các trang trại lớn, điều kiện vệ sinh thú y không đảm bảo nên rất khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát dịch bệnh...
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, sau khi nhận được kế hoạch của UBND tỉnh về việc triển khai phòng, chống dịch cho vật nuôi, Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các ngành, đoàn thể chức năng, các địa phương đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch như: Vệ sinh khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi, tiêm phòng cho gia súc, gia cầm… nhằm bảo vệ đàn nuôi và ngăn chặn không để dịch bệnh gia súc, gia cầm xảy ra trên địa bàn. UBND huyện đã giao cho Trạm Thú y huyện (với vai trò là cơ quan thường trực của BCĐ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của huyện) chủ động phối hợp với các phòng, ban chức năng liên quan, các cấp ủy, chính quyền của 27 xã, thị trấn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân, người chăn nuôi nâng cao nhận thức, thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch cho vật nuôi theo đúng kế hoạch.
Từ đầu năm đến nay, Trạm Thú y huyện đã phân công cán bộ xã xuống các thôn, xóm làm tốt công tác tuyên truyền; tham mưu cho UBND huyện thành lập các đội cơ động của huyện, hướng dẫn các xã, thị trấn thành lập các tổ đội cơ động; lập các chốt kiểm dịch tạm thời ở các đầu mối giao thông để tiến hành kiểm tra, theo dõi, giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm tại các hộ gia đình chăn nuôi nhằm phát hiện sớm tình hình dịch bệnh có thể phát sinh. Đồng thời khuyến cáo nhân dân tuyệt đối không ăn gia cầm chết không rõ nguyên nhân, khi có gia cầm chết phải báo cho cán bộ thú y địa phương, không vứt xác gia cầm chết xuống sông, rạch, chỉ sử dụng sản phẩm gia cầm khỏe mạnh, đã qua kiểm dịch của cơ quan chức năng...
BCĐ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tăng cường chỉ đạo, tổ chức phun hóa chất khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi và tiến hành tiêm phòng vụ xuân hè cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện. Có 13/27 xã, thị trấn tiến hành tiêm vắc xin tụ huyết trùng cho đàn bò, tổng số con được tiêm là 5 nghìn con, trong thời gian tới đây sẽ tiếp tục tiêm phòng bắt buộc cho gia súc, gia cầm trong vụ xuân hè 2009 trong khung thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 phòng các bệnh: Tụ huyết trùng, lở mồm, long móng, lợn tai xanh, cúm H5N1 ở gia cầm... Theo kế hoạch, toàn huyện sẽ tiêm phòng bắt buộc cho 19.850 con trâu, 43.450 con lợn, 546.660 con gia cầm... nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ xuất hiện dịch bệnh gia súc, gia cầm có thể xảy ra trên địa bàn huyện.
Đức Lam