Mưa lớn trong nhiều ngày qua đã làm cho lưu lượng nước trên sông Hoàng Long lên nhanh, cộng với lũ đầu nguồn Hưng Thi đổ về làm cho tràn Gia Tường và Đức Long không thể trụ nổi, nhấn chìm 4 xã Đức Long, Gia Tường, Lạc Vân, Gia Thủy, nơi được coi là vùng "rốn lũ" của huyện Nho Quan. Từ Đức Long đến xã Lạc Vân đã bị cô lập hoàn toàn trong nước lũ. Khi chúng tôi đến nơi, hàng loạt các chuyến xe bị ách tắc tại cầu bến Đế. Phương tiện di chuyển duy nhất trong lúc này ở vùng lũ là những chiếc thuyền tôn. Từ đầu cầu Đế nhìn sang hai bên chỉ còn thấy một vùng trắng xóa. Trên bờ đê Gia Tường, Đức Long, nhiều túp lều tạm của dân đã được dựng lên, người và gia súc sống chung với nhau, một cảnh sinh hoạt ảm đạm và mệt mỏi vì qua một đêm vật lộn với nước lũ.
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là xã Gia Tường. Đến sáng ngày 1/11, hơn một ngàn hộ dân nơi đây bị chìm sâu trong nước. Anh Trần Văn Tình (Thôn Liên Phương, Gia Tường, Nho Quan) buồn rầu kể lại: Không ai ngờ rằng năm nay sẽ lụt vì người dân cũng đã xem dự báo thời tiết nhưng chủ quan vì không thấy nói khu vực Ninh Bình có mưa lớn. Tuy nhiên do có tinh thần chuẩn bị trước nên tài sản không bị thiệt hại nhiều". Anh cho biết: Hiện tại nhà nào có nhà mái bằng thì làm lán ở trên nóc, nhà nào có thuyền thì mọi sinh hoạt trên thuyền. Người già và trẻ em đã được di tản lên những nhà không nằm trong vùng ngập lụt."
Giao thông của người dân vùng lũ đều bằng thuyền
Trên triền đê Đức Long, nhiều nhà đã chuyển gia súc và đồ đạc lên trên mặt đê, còn người thì hầu hết vẫn đang cố bám trụ tại nhà. Xã Đức Long có 8 thôn ngoài đê bị chìm trong nước lũ từ đêm 31/10. 2 trận lũ lớn liên tiếp làm cho sức dân dường như kiệt quệ. Chị Trần Thị Điểm (Thôn Phú Nhiêu, Đức Long, Nho Quan) cho biết: "sau trận lũ lụt năm ngoái gia đình tôi đã vay mượn khắp nơi để mua đàn vịt. Những tưởng làm ăn khấm khá vì bình quân mỗi ngày đàn vịt cũng cho thu nhập gần 200 ngàn đồng. Nhưng lụt lội như thế này thì mất trắng, trong khi đó vẫn phải cho vịt ăn để duy trì". Chị Điểm buồn rầu: "Từ sáng đến giờ hai vợ chồng chỉ lo quây vùng giữ đàn vịt chưa ai được ăn bữa cơm nào, con cái cũng bỏ mặc ăn nhờ hàng xóm. Vì nếu để mất đàn vịt này thì gia đình cũng chẳng biết trông đợi vào nguồn thu nhập nào".
Sinh hoạt tạm ở những chỗ chưa bị ngập nước.
Tại một quán tạp hóa nhỏ ven đê, một trong số ít nhà còn chưa bị nước lũ tràn vào, nhiều người dân đang ngồi với vẻ mặt rầu rĩ bàn tán về khả năng nước lụt năm nay. Anh Quách Lý Tưởng (thôn Hiền Quan I, Đức Long) còn chưa hết bàng hoàng, anh nói: Không ngờ lũ lớn lại về 2 năm liên tiếp. Năm nay lũ muộn, bà con đã yên tâm trồng xong cây màu vụ đông, thiệt hại chắc không phải là nhỏ. Nhà anh cũng như các gia đình trong thôn này đã nhiều năm phải sống chung với lũ nên có kinh nghiệm chạy lụt. Hầu như không có ai phải sơ tán, nhà nào không có nhà cao tầng thì bắc sàn trong nhà, cách nền nhà khoảng chừng 2m là mức an toàn. Anh Tưởng ngao ngán: Năm ngoái lụt, năm nay lại lụt, người dân không kịp trở tay, có nhà chưa phục hồi lại được thiệt hại sau lũ năm 2007, nay lại mất trắng.
Trạm y tế xã Đức Long ngập trong nước.
Chị Quách Thu Thảo, (thôn Hiền Quan I, Đức Long) cũng cho biết: Từ sáng đến giờ chúng tôi chưa thể nấu được cơm ăn, củi đun thì ướt hết, điện mất không biết nấu ăn như thế nào. Nhờ vả hàng xóm mãi đâu có được. Nhiều người dân trong thôn Hiền Quan đổ lên triền đê để trông ngóng trời đất, ai cũng mong nước có thể rút trong ngày hôm nay để bà con đỡ khổ.
Xế chiều chúng tôi rời vùng lũ, nhưng dường như nước lũ vẫn chưa có chiều hướng rút. Thời tiết còn nhiều diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, những chuyến hàng cứu trợ đầu tiên đã đến với người dân vùng lũ.
Bài, ảnh: Linh Nhi - Phạm Trường