Hình thành vùng sản xuất chuyên canh Đồng chí Trịnh Đức Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Sau 5 năm triển khai Đề án, đến nay, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã hoàn thành xong công tác quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2020, với định hướng phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên và thế mạnh của vùng.
Trong đó vùng cao, vùng bán sơn địa phát triển trồng trọt với cây trồng chính là cây công nghiệp, cây dược liệu, cây ăn quả, rau, củ, quả an toàn, cây lấy gỗ...; chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại với các vật nuôi chủ lực như trâu, bò, lợn, dê, gà và các con nuôi đặc sản như ong, lợn rừng, hươu. Vùng chiêm trũng phát triển trồng lúa; nuôi trồng thủy sản kết hợp với chăn nuôi thủy cầm.
Cùng với đó một số xã đã hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa như vùng chuyên canh cây công nghiệp (sắn, mía, dứa) ở xã Phú Long, Kỳ Phú, Cúc Phương; vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như trồng khoai sọ Yên Quang, nuôi thủy sản ở xã Thượng Hòa, Sơn Thành, Thanh Lạc, Phú Lộc, Văn Phú...
Có thể nói, thành công lớn nhất trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Nho Quan đến thời điểm này phải kể đến phát triển sản xuất trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị, gắn với việc phát triển các nhóm cây trồng chủ lực theo lợi thế của từng địa phương, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Để hình thành được các vùng sản xuất tập trung, huyện đã chỉ đạo các xã tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong các khâu sản xuất, đặc biệt là khâu giống, kỹ thuật thâm canh, cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch sản phẩm.
Nhiều mô hình đã được triển khai áp dụng đem lại hiệu quả cao như: Mô hình áp dụng kỹ thuật gieo thẳng; áp dụng giống lúa kháng bệnh bạc lá (TH 3-7, Nếp 97); mô hình tưới tiết kiệm trên cây ăn quả, cây dược liệu; áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất, bón phân, thu hoạch…
Đến nay cơ bản diện tích đất cấy lúa đã được làm đất bằng máy; diện tích lúa thu hoạch bằng máy gặt đập liên hoàn tăng từ 20% năm 2014 đến 50% năm 2015 và đạt 90% năm 2017, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác, giảm áp lực lao động.
Bên cạnh đó, các xã đã đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây ăn quả, rau củ quả, cây làm thức ăn chăn nuôi.
Đến hết năm 2017 trên địa bàn huyện đã chuyển đổi gần 300 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, rau củ quả, cây làm thức ăn chăn nuôi hiệu quả cao hơn so với trồng lúa. Điển hình như mô hình trồng ổi tại xã Đồng Phong, giá trị thu nhập đạt 120 triệu đồng/ha.
Với hướng đi khai thác lợi thế vùng miền, phù hợp với thực tiễn đến nay, các vùng chuyên canh các nhóm cây trồng theo lợi thế của từng vùng, từng địa phương được hình thành. Có thể kể đến là vùng chuyên canh cây sắn với tổng diện tích khoảng 700ha; vùng chuyên canh cây mía khoảng 900ha, tập trung ở xã Kỳ Phú, Phú Long, Cúc Phương; vùng chuyên canh cây dứa khoảng 200 ha tập trung xã Phú Long; vùng trồng lúa đặc sản (nếp hạt cau) tập trung xã Kỳ Phú, Văn Phú, Sơn Thành, Sơn Lai với diện tích khoảng 200ha, cho hiệu quả kinh tế cao; vùng chuyên canh cây dược liệu tập trung xã Cúc Phương, Văn Phương, Gia Lâm; vùng trồng khoai sọ tập trung xã Yên Quang, Đồng Phong, Văn Phương…
Cùng với lĩnh vực trồng trọt, ngành nông nghiệp Nho Quan đang khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực chăn nuôi. Những năm gần đây, các hộ đã chú trọng chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị, chú trọng công tác cải tạo đàn giống, cải tiến quy trình nuôi, giám sát và phòng trừ dịch bệnh, nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn để tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm thịt từng bước hình thành các trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung, đẩy mạnh phát triển con nuôi đặc sản gắn với lợi thế của vùng.
Đáng chú ý là từ chăn nuôi truyền thống đã chuyển dần sang chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp, với các con nuôi chủ lực như trâu, bò, lợn, dê, gà, vịt. Đến năm 2017 toàn huyện có 55 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí theo Thông tư số 27 của Bộ Nông nghiệp & PTNT và 693 gia trại chăn nuôi, trong đó có 26 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận trang trại. Tổng đàn trâu, bò đạt gần 25 nghìn con, lợn hơn 110 nghìn con và gần 1 triệu con gia cầm.
Các mô hình con nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao gắn với thế mạnh của vùng như: Hươu, nai, ong, lợn bản địa được nhân rộng đem lại hiệu quả kinh tế cao, đã tạo dựng được thương hiệu của vùng, được thị trường biết đến.
Lĩnh vực chăn nuôi thủy sản được huyện khuyến khích phát triển theo hướng khai thác có hiệu quả diện tích mặt nước; duy trì ổn định diện tích nuôi trồng thủy sản 3.000ha/năm theo hướng chuyên canh, bán chuyên canh tập trung vào giống thủy sản nước ngọt truyền thống như cá trắm, chép, trôi…; chú trọng chất lượng giống đầu vào, cải tiến quy trình nuôi, phòng trừ dịch bệnh; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các mô hình mới có hiệu quả kinh tế cao để nhân rộng trên địa bàn.
Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn toàn huyện năm 2017 là 3.224 ha, tăng 316 ha so với năm 2014, tăng 280 ha so với năm 2016 (do chuyển đổi từ diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang lúa - cá); sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 6.324 tấn, tăng 62 tấn so cùng kỳ năm 2014, giảm 716 tấn so với cùng kỳ năm 2016.
Đẩy mạnh liên kết trong sản xuất
Cũng theo đồng chí Trịnh Đức Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan: Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, huyện tích cực chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản và phát triển kinh tế trang trại... nhưng giữ ổn định diện tích cây lương thực có hạt 15.200 ha/năm, đảm bảo sản lượng lương thực có hạt đạt 80.000 tấn/năm trở lên. Quy hoạch vùng sản xuất vụ Đông với tổng diện tích 2.000 ha/năm.
Huyện đang tiếp tục hoàn thiện các công trình thủy lợi, kênh mương tưới tiêu, phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, có cơ chế hỗ trợ sản xuất, nhất là hỗ trợ cho các mô hình cánh đồng mẫu lớn, trang trại, gia trại hoạt động sản xuất có hiệu quả; gắn sản xuất với chế biến và thị trường, đặc biệt là thực hiện tốt việc gắn kết chặt chẽ, hài hòa lợi ích "4 nhà".
Khuyến khích hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp có hiệu quả kinh tế cao; nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, tổ hợp tác; tăng cường công tác khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật.
Nho Quan phấn đấu đến năm 2020 giá trị thu nhập trên 1ha đất canh tác đạt 110 triệu đồng. Thực hiện tốt kế hoạch trồng rừng, trồng cây phân tán; đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, cải tạo rừng kém hiệu quả, khai thác có hiệu quả thế mạnh đồi rừng để phát triển kinh tế, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Tranh thủ, lồng ghép các nguồn kinh phí và huy động đóng góp trong nhân dân để xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020 có trên 80% số xã đạt chuẩn.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện cũng cho biết, để thực hiện hiệu quả hơn việc tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn huyện, thời gian tới huyện sẽ tập trung tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị.
Trong đó sẽ tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương tích tụ ruộng đất; đẩy mạnh phát triển các hình thức liên kết trong sản xuất, chỉ đạo rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung phù hợp với thế mạnh của từng địa phương; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các khâu sản xuất; tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình cây, con có hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn huyện, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và người dân yên tâm sản xuất.
Nguyễn Thơm