Trên địa bàn huyện Nho Quan hiện có 86 trang trại, tăng 41 trang trại so với năm 2001 (thời điểm điều tra trang trại lần thứ 1), trong đó có: 12 trang trại trồng cây hàng năm, 40 trang trại chăn nuôi, 1 trang trại lâm nghiệp, 10 trang trại nuôi trồng thủy sản và 22 trang trại kinh doanh tổng hợp.
Tiêu chí để xác định trang trại theo hướng dẫn tại Thông tư số 74/TT-BNN ngày 4-7-2003 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, theo đó trang trại phải đạt được một trong 2 tiêu chí: Về giá trị sản lượng hàng hóa bình quân 1 năm và quy mô sản xuất của trang trại.
Các xã: Kỳ Phú, Xích Thổ, Gia Tường, Phú Long, Quảng Lạc, Thượng Hòa, Thạch Bình… có điều kiện về diện tích đất đai, mặt nước thuận lợi cho việc khai thác mở rộng quy mô trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy sản. Xã Kỳ Phú có 12 trang trại, chiếm 13,9%; Xích Thổ có 11 trang trại, chiếm 12,7%; Gia Tường 7 trang trại, chiếm 8,13%; Phú Long 6 trang trại, chiếm 6,9%; Thượng Hòa 5 trang trại, chiếm 5,8%…
Kết quả điều tra cho thấy, bình quân diện tích (đất và mặt nước) một trang trại đang sử dụng là 5,52 ha. Trong tổng số 474,9 ha đất và mặt nước mà các trang trại đang sử dụng có 152,2 ha đất nông nghiệp (trong đó có 65% đất trồng cây hàng năm); 153 ha đất lâm nghiệp, 239 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Các trang trại đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, trong đó lao động của chủ trang trại chiếm 26,3%, lao động thuê mướn thường xuyên chiếm 11,2%, số còn lại (62,72%) là lao động thuê mướn theo thời vụ làm các công việc giản đơn như: Làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch sản phẩm…
Tổng số vốn đầu tư của các trang trại trên địa bàn khoảng 15.057 triệu đồng với mức bình quân 1 trang trại có 175 triệu đồng, cao hơn mức bình quân ở thời điểm năm 2001 là 103,5 triệu đồng. Trang trại thủy sản có mức bình quân một trang trại đạt 402,1 triệu đồng; trang trại trồng cây lâu năm đạt 180 triệu đồng; trang trại kinh doanh tổng hợp đạt 169,1 triệu đồng; trang trại chăn nuôi đạt 139,6 triệu đồng; trang trại lâm nghiệp đạt 150 triệu đồng, thấp nhất là trang trại trồng cây hàng năm đạt 115,6 triệu đồng.
Năm 2007, các trang trại đã tạo ra một khối lượng sản phẩm, hàng hóa tương đối lớn cho xã hội với giá trị sản lượng đạt 14.020,3 triệu đồng. Bình quân doanh thu trong năm của một trang trại đạt 194,1 triệu đồng. Các trang trại chăn nuôi đạt doanh thu 255,2 triệu đồng; trang trại trồng cây lâu năm 126 triệu đồng; trang trại kinh doanh tổng hợp đạt 166,4 triệu đồng; các trang trại khác cũng đạt doanh thu từ 40 triệu đồng trở lên.
Trong 6 loại hình trang trại hiện có trên địa bàn huyện thì trang trại chăn nuôi đạt mức thu nhập cao nhất 64,6 triệu đồng, tiếp đến là trang trại thủy sản 63,4 triệu đồng, trồng cây hàng năm 51 triệu đồng, kinh doanh tổng hợp 50,5 triệu đồng..., thấp nhất là trang trại lâm nghiệp 12 triệu đồng.
Các trang trại chăn nuôi phát triển nhanh, số lượng trang trại lẫn quy mô sản xuất. Điển hình là các trang trại chăn nuôi của ông Thiệu Quang Hành (xã Phú Long) và bà Thân Thị Mai Chinh (xã Thạch Bình) có quy mô đàn lợn tới vài nghìn con. Đây là mô hình chăn nuôi có chu kỳ sản xuất ngắn, được đầu tư tập trung nên đã tạo ra lượng hàng hóa nhiều, giá trị cao hơn các loại hình trang trại khác. Song loại hình sản xuất này cũng có tỷ lệ rủi ro cao, nhất là khi dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đang có chiều hướng phát triển, lây lan nhanh.
An toàn hơn cả là loại hình trang trại tổng hợp với việc sản xuất, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực đa dạng, ngành nghề nên ít gặp rủi ro. Loại hình trang trại này rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của Nho Quan.
Trang trại của bà Thân Thị Mai Chinh (xã Thạch Bình), mặc dù có tới 5 khu chuồng nuôi lợn với tổng đàn trên 3.000 con, nhưng trang trại còn có 4 ha ao nuôi thả cá, 7 ha trồng keo và 2 lò vôi liên hoàn. Mặc khác, khi hình thành các trang trại nguồn vốn còn eo hẹp, các chủ trang trại đều phải đa dạng các loại hình sản xuất nhằm hỗ trợ và thực hiện phương châm "lấy ngắn nuôi dài", tận dụng tối đa, có hiệu quả điều kiện về diện tích đất, mặt nước trong trang trại của mình.
Sự phát triển của mô hình trang trại trên địa bàn huyện Nho Quan đã khẳng định hiệu quả kinh tế bước đầu đáng ghi nhận. Kinh tế trang trại hơn hẳn kinh tế hộ nông dân ở các mặt: Khai thác tiềm năng đất đai, diện tích mặt nước, sử dụng lao động; huy động nguồn vốn trong dân cư; áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động; nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người nông dân.
Đặc biệt, kinh tế trang trại đã đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển đồng đều ở các vùng, miền và đó là hướng làm giàu chính đáng của người nông dân trên mảnh đất quê hương.
Tuy nhiên, theo các chủ trang trại thì họ đang gặp phải những khó khăn như: Diện tích đất đai, mặt nước chưa được Nhà nước giao quyền sử dụng lâu dài, nên chưa yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất. Nhiều trang trại còn gặp khó khăn về vốn để sản xuất, kinh doanh; về giống cây trồng và vật nuôi. Có những trang trại quy mô còn nhỏ, hạn chế đến việc mở rộng sản xuất. Việc tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật của nhiều chủ trang trại còn chậm; các trang trại nuôi trồng thủy sản chủ yếu theo lối quảng canh, hiệu quả thấp.
Đinh Chúc - Đức Lam