Ông Tạ Khắc Nghĩa, Chủ tịch Hội Khuyến học Nho Quan cho biết: Nho Quan là huyện miền núi của tỉnh, có diện tích tự nhiên 458km2, gần bằng 1/3 diện tích tỉnh Ninh Bình và có trên 152 nghìn người, với 14 dân tộc sinh sống; trong đó, dân tộc thiểu số chiếm trên 16%, chủ yếu là dân tộc Mường và gần 10% đồng bào có đạo.
Với địa hình đa dạng, phong phú, mang đặc trưng của 3 vùng, miền rõ rệt: Vùng núi, vùng bán sơn địa và vùng đồng chiêm trũng, trong đó đất rừng chiếm khoảng 20% diện tích tự nhiên. Địa hình như vậy nên đất đai thiếu màu mỡ, vùng cao "chưa nắng đã hạn", vùng trũng "chưa mưa đã lụt" khiến việc sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, trong khi người dân chủ yếu làm nông nghiệp. Đời sống của đại đa số người dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp...
Từ những đặc điểm về vị trí địa lý, địa hình, dân cư, phong tục, tập quán... đòi hỏi vấn đề chỉ đạo sản xuất đảm bảo phù hợp với từng vùng, tập quán canh tác, sản xuất... để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn. Trước thực tế đó, cùng với sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước 25 triệu đồng/năm cho mỗi TTHTCĐ, các địa phương cũng tạo điều kiện cho các TTHTCĐ hoạt động bằng việc hỗ trợ mua sắm các trang thiết bị làm việc, chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể tại địa phương phối kết hợp tổ chức các hoạt động học tập, xóa mù chữ, phổ biến kiến thức, dạy nghề, chuyển giao tiến bộ KHKT và chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống. TTHTCĐ cũng là nơi thực hiện việc phổ biến, tư vấn chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với mọi người dân... Hoạt động của TTHTCĐ đã tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người, ở mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, suốt đời.
Những năm qua, các TTHTCĐ trên địa bàn huyện Nho Quan được tổ chức đa dạng, với nhiều hình thức phong phú, hoạt động thường xuyên, mang lại hiệu quả tích cực. Các TTHTCĐ đã tổ chức được các lớp học nghề dài ngày, như lớp dạy nghề đan lát thủ công ở xã Xích Thổ, Gia Lâm đang được thực hiện, hiện có hàng trăm lao động nông thôn đến học thường xuyên; các lớp tập huấn ngắn ngày về phổ biến pháp luật, chuyển giao KHKT về cây trồng, vật nuôi như trồng nấm, nuôi gà, chăm sóc cây nông nghiệp, cây lưu niên... được tổ chức thường xuyên ở nhiều xã, góp phần duy trì, phát triển các làng nghề, các sản phẩm chủ lực của mỗi địa phương. Tiêu biểu là các ngành nghề, mô hình sản xuất: Nghề mộc ở xã Sơn Hà; nghề gốm sứ ở xã Gia Thủy; nuôi lợn sạch ở xã Yên Quang; trồng ổi ở xã Đồng Phong; trồng táo, bưởi ở xã Phú Lộc; trồng na trái vụ ở xã Phú Long; trồng mía ở xã Kỳ Phú; trồng cây dược liệu ở xã Văn Phương... Đây là những vùng sản xuất cho hiệu quả kinh tế, trong đó phần lớn nhờ chuyển giao KHKT, góp phần nâng cao đời sống nông dân, nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu... Cùng với đó, các TTHTCĐ còn là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng hiệu quả, như các CLB hát chèo của phụ nữ Đồng Phong; bảo tồn văn hóa cồng chiêng của các xã miền núi Cúc Phương, Kỳ Phú, Quảng Lạc; các CLB dưỡng sinh của Hội Người cao tuổi, CLB bóng bàn, CLB thơ ca...
Hiện trên địa bàn huyện Nho Quan có 27 TTHTCĐ, mỗi năm, các TTHTCĐ trên địa bàn huyện tổ chức được trên 200 chuyên đề, thu hút gần 15 nghìn lượt người tham gia học tập. Đánh giá hoạt động hàng năm, 100% các TTHTCĐ đều hoạt động khá, tốt, trong đó có 17 TTHTCĐ xếp loại tốt.
Cũng theo ông Tạ Khắc Nghĩa, Chủ tịch Hội Khuyến học Nho Quan, để các TTHTCĐ thực sự là "cánh tay nối dài của Giáo dục đến tận người dân", Hội Khuyến học, ngành Giáo dục, ngành Lao động, thương binh và xã hội cần làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch hoạt động của TTHTCĐ cho từng năm, từng tháng, từng tuần trên cơ sở nhu cầu của các tổ chức, đoàn thể; đặc biệt là kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn, các lớp học từ thiện cho người dân, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Đồng thời, với nguồn ngân sách cấp hàng năm cho mỗi TTHTCĐ là 25 triệu đồng/năm, cần có hướng dẫn cụ thể để chi cho mua sắm bổ sung cơ sở vật chất, chi phụ cấp hoạt động của Trung tâm, chi bồi dưỡng giảng viên, hỗ trợ người học..., tạo sự thống nhất trong việc thực hiện, đảm bảo chi đúng, đủ và có hiệu quả. Thêm vào đó, mỗi cán bộ phụ trách, giúp việc cho các TTHTCĐ phải sát dân, gần dân, xem người dân "cần gì học nấy" và "học nay làm mai", đáp ứng nhu cầu học tập, học tập suốt đời của người dân, để TTHTCĐ thực sự là nơi học tập của nhân dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Mai Phương