Thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, Nho Quan đã ban hành nhiều chính sách quan tâm đến đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội… Những năm qua, hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước do Ủy ban MTTQ huyện Nho Quan phát động, đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện đã đoàn kết, thống nhất góp sức cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhận thức sâu sắc việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nhất là đối với các xã đặc biệt khó khăn có đông đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng, huyện Nho Quan đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện công tác tôn giáo - dân tộc do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban, thành lập Ban quản lý Chương trình 134, 135 để triển khai thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn trong huyện.
Thực hiện Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, huyện Nho Quan đã triển khai thực hiện hỗ trợ với tổng nguồn vốn 4.696,7 triệu đồng. Thực hiện Quyết định 135 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010, huyện đã bố trí nguồn vốn để xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, trường học, trạm y tế xã, đường giao thông, hỗ trợ phát triển sản xuất, các dịch vụ cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn, bản và cộng đồng… Công tác y tế, giáo dục được quan tâm đẩy mạnh, đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân các dân tộc thiểu số trong huyện.
Cùng với việc quan tâm hỗ trợ phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống văn hóa- xã hội cho người dân tộc thiểu số, Huyện ủy Nho Quan còn đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc. Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả, chỉ đạo, điều hành của cả hệ thống chính trị, đổi mới phương thức lãnh đạo, đi sâu, đi sát cơ sở đã góp phần quan trọng xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, đã kết nạp được nhiều đảng viên là người dân tộc thiểu số. Hoạt động của MTTQ huyện và các tổ chức đoàn thể đã thu hút, tập hợp được nhiều hội viên, đoàn viên tham gia sinh hoạt, trong đó tỷ lệ hội viên, đoàn viên là người dân tộc ngày càng tăng và trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện nhiệm vụ ở địa phương. Công tác xóa nhà tranh tre, nứa lá được cấp ủy, chính quyền trong huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đến năm 2005, đã xóa được 809 nhà tranh tre, nứa lá, trong đó có 432 nhà của đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện Đề án 02 và 06 của Thường trực HĐND tỉnh về hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà dột nát, tại 8 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số của huyện đã triển khai xây, sửa 292 nhà, trong đó có 135 nhà là của đồng bào dân tộc.
Cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền các cấp, đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện đã nỗ lực vượt qua khó khăn về điều kiện sống, địa hình vùng núi phức tạp… tham gia tích cực các phong trào "Làm giàu chính đáng", "Lập thân, lập nghiệp"…, với sự xuất hiện các mô hình phát triển kinh tế có giá trị cao như: nuôi hươu, nhím, ong, lợn… ở các xã, chương trình "Sind hóa đàn bò" đã đem lại nhiều lợi ích kinh tế, giúp đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng.
Phong trào xã hội hóa giáo dục, xây dựng và giữ gìn nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được đồng bào dân tộc thiểu số Nho Quan chú trọng thực hiện. Nhiều gia đình, dòng họ tích cực tham gia phong trào khuyến học, khuyến tài, hỗ trợ, tạo điều kiện để con em người dân tộc thiểu số được rèn luyện, học tập trong môi trường lành mạnh, đã trưởng thành. Có gia đình dân tộc thiểu số có từ 2-3 con đỗ đại học, là thạc sỹ… Nét đẹp văn hóa của các dân tộc thiểu số, nhất là văn hóa dân tộc Mường hiện vẫn được đồng bào dân tộc gìn giữ và phát huy. Hiện nay, trên địa bàn các xã còn lưu giữ 5 bộ cồng chiêng, duy trì các đội văn nghệ với nhiều bài hát cổ truyền của đồng bào dân tộc Mường…
Tích cực hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã ý thức sâu sắc việc tham gia giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, thực hiện việc đền ơn, đáp nghĩa, tham gia hoạt động nhân đạo, từ thiện, đấu tranh bài trừ các tập tục lạc hậu trong đời sống xã hội, xây dựng cuộc sống văn minh, tiến bộ trong từng gia đình và cộng đồng dân cư… Đến nay, toàn huyện có 242 khu dân cư tiên tiến và tiên tiến xuất sắc, đạt 84,9%; có 180 cơ quan, đơn vị văn hóa, 83% số gia đình văn hóa, xây dựng được 194 nhà văn hóa thôn, bản, phố, đạt 68%. Đặc biệt, từ việc thực hiện cuộc vận động đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Bên cạnh đó, phong trào giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, có sự tham gia tích cực của đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ các phong trào thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình là người dân tộc thiểu số thể hiện tốt bản lĩnh chính trị, có năng lực, phẩm chất đạo đức, chuyên môn vững vàng, không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao mà còn nhận được sự tín nhiệm của cấp ủy, chính quyền. Đảng bộ huyện có 7.146 đảng viên, trong đó đảng viên là người dân tộc thiểu số có 546 người, chiếm 7,9%. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý được chú trọng, quan tâm, nhất là các xã vùng đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đinh Thị Bích Ngọc
(Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình)