Ông Phạm Mạnh Trường, Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện Nho Quan cho biết, hiện nay, người Mường ở Nho Quan cùng với các dân tộc khác vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc của mình như: Văn hóa cồng chiêng, hát đúm, hát ru, hát sắc bùa…
Vì vậy, khi được giao nhiệm vụ chuẩn bị các tiết mục tham gia Hội diễn văn nghệ quần chúng trong dịp Kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư, chúng tôi cũng xây dựng, lựa chọn các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc đến từ các câu lạc bộ nghệ thuật quần chúng ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng chương trình tham gia Hội diễn văn nghệ quần chúng của tỉnh. Đến thời điểm này huyện đã lựa chọn các tiết mục của 3 xã Quảng Lạc, Cúc Phương và Kỳ Phú để luyện tập, tổ chức biên đạo với chủ đề "Đất Mường ngời sáng", trong đó bao gồm nhiều tiết mục như: độc tấu cồng chiêng, bài múa Vui hội bản Mường.
Được lựa chọn là một trong những tiết mục tham gia hội diễn, Đội văn nghệ của xã Kỳ Phú đang tích cực tập luyện và chuẩn bị chu đáo cho chương trình của mình.
Chị Đinh Thị Tình, Đội trưởng đội văn nghệ Kỳ Phú cho biết, chúng tôi mang bài múa Vui hội bản Mường đến với lễ hội Hoa Lư bởi một phần trong vở múa này tái hiện những trò chơi truyền thống của người Mường như đi cà kheo, ném còn, đẩy gậy, nhảy bao bố… Đội cũng sẽ biểu diễn các tiết mục múa đặc sắc của đồng bào Mường và hát sắc bùa. Tuy đây đều là những tiết mục mà các thành viên của Đội thuộc nằm lòng, năm nào cũng biểu diễn vào dịp Tết và ngày Hội văn hóa, thể thao các dân tộc, song khi được huyện lựa chọn tham gia hội diễn ở Lễ hội Hoa Lư thì ai cũng xúc động, tự hào, cố gắng tập luyện để tiết mục thêm hoàn hảo, mang đến cho lễ hội một nét riêng của đồng bào Mường.
Còn chị Nguyễn Thị Doan, xã Quảng Lạc sẽ mang đến hội diễn bản hòa tấu cồng chiêng. Thời gian chuẩn bị cho lễ hội không còn nhiều, vì vậy chị Doan tranh thủ mọi lúc rảnh rỗi để tích cực tập luyện thêm. Chị Doan cho biết, diễn tấu cồng chiêng được thể hiện rất đa dạng, độc đáo, thể hiện khả năng của người diễn tấu trong việc áp dụng những kỹ năng đánh cồng chiêng. Được lựa chọn tiết mục diễn tấu trong lễ hội Hoa Lư là niềm tự hào của địa phương và của cá nhân chị.
Vì vậy, chị muốn mang đến lễ hội một tiết mục hoàn hảo nhất nhằm quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc ở Nho Quan nói chung, đồng bào Mường ở Quảng Lạc nói riêng. Qua đó, khẳng định giá trị, sự trường tồn của văn hóa cồng chiêng. Chị cũng mong muốn được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong tấu cồng chiêng từ những nghệ nhân khác.
Ông Phạm Mạnh Trường, Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện Nho Quan cho biết thêm, đặc điểm về dân cư đã tạo nên sự đa dạng về các sắc thái văn hóa ở huyện Nho Quan. Trong những năm qua, để những nét đẹp văn hóa Mường không bị mai một theo thời gian, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường luôn được huyện quan tâm. Đến nay, đồng bào Mường đã đưa tiếng cồng, chiêng trở lại trong các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Hiện có nhiều xã như Thạch Bình, Kỳ Phú, Cúc Phương có đội cồng, chiêng góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa của người Mường.
Đặc biệt, thông qua việc thành lập các câu lạc bộ, trong đó có Câu lạc bộ "Giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa các xã", huyện Nho Quan đã góp phần lưu giữ nét văn hóa đặc sắc của huyện miền núi và làm đa dạng thêm nền văn hóa của huyện. Nhiều làn điệu dân ca, bài hát Mường, các phong tục tập quán được các thành viên luyện tập để phục vụ trong các đợt biểu diễn chào mừng các sự kiện lớn của huyện, của tỉnh.
Đào Hằng