Đồng chí Trịnh Đức Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Ngày 1/4/2019, nhận được báo cáo của hộ ông Bùi Văn Lựu, thôn Ngải, xã Văn Phong về việc phát hiện lợn ốm, chết nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, UBND huyện đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện phối hợp với UBND xã Văn Phong tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm để gửi xét nghiệm. Đồng thời tiến hành tiêu hủy toàn bộ lợn nhiễm bệnh.
Ngay sau khi nhận được kết quả xét nghiệm bệnh phẩm dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện phối hợp với UBND xã Văn Phong thực hiện khoanh vùng ổ dịch; tổ chức tiêu hủy toàn bộ số lượng lợn của hộ gia đình ông Lựu (23 con lợn lai rừng, với tổng trọng lượng 495kg) dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của Chi cục Thú y vùng I, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh. Đồng thời chỉ đạo UBND xã Văn Phong thành lập 3 chốt kiểm dịch động vật của xã tại các đầu mối giao thông.
UBND huyện cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND xã Văn Phong điều tra, xác định nguyên nhân dẫn đến trường hợp lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi của hộ ông Lựu để có biện pháp chỉ đạo phòng chống, ngăn chặn lây lan dịch bệnh. Thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo. Sử dụng hóa chất có chất sát khuẩn cao như vôi bột, dung dịch khử trùng chuyên dụng để rắc, phun tiêu độc khử trùng tại các hộ bị dịch và khu vực xung quanh với bán kính cách nơi phát hiện vi rút dịch tả lợn châu Phi ít nhất l km.
Đối với những xã lân cận trong phạm vi 3 km xung quanh ổ dịch, thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo; đồng thời theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định vi rút dịch tả lợn châu Phi.
Sau khi UBND huyện Nho Quan công bố dịch, xã Văn Phong đã triển khai các giải pháp cấp bách để khống chế dịch, hạn chế tối đa mức độ lây nhiễm sang các hộ chăn nuôi cũng như khu vực lân cận. Theo đó, UBND xã Văn Phong đã giao Trưởng thôn, xóm phối hợp với cán bộ thú y xã tổ chức giám sát chặt chẽ các hộ chăn nuôi lợn xung quanh các hộ có dịch. Tiếp tục điều tra thông tin dịch bệnh, lập sổ cập nhật báo cáo, số liệu chi tiết diễn biến lợn ốm, chết trên địa bàn và các điểm nghi ngờ có nguy cơ dịch bệnh xảy ra.
Trước đó, UBND huyện Nho Quan đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; chỉ đạo thống kê số lượng lợn hiện có tại các hộ chăn nuôi, thường xuyên cập nhật, bổ sung số lượng đàn lợn.
Đồng thời, thành lập 5 chốt kiểm dịch động vật tạm thời cấp huyện tại các tuyến đường giáp ranh với các tỉnh bạn, huyện bạn; 7 chốt kiểm dịch cấp xã nghiêm cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp. Căn cứ tình hình thực tế xác định vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp phù hợp để áp dụng các biện pháp kiểm soát vận chuyển bằng việc thành lập các chốt kiểm dịch tại các trục đường giao thông.
Các cơ sở chăn nuôi trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp đã được cấp "Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật" đối với các bệnh khác, có thể được phép vận chuyển ra ngoài dưới sự giám sát của cơ quan Thú y sau khi đã lấy mẫu xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Cùng với số hóa chất tiêu độc khử trùng do tỉnh hỗ trợ và phân bổ kịp thời cho các xã, thị trấn, UBND huyện đã cấp 15 tấn vôi bột cho các xã để tổ chức tiêu độc khử trùng. Hiện Nho Quan cũng đề nghị UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT quan tâm xem xét, tiếp tục hỗ trợ thêm cho huyện 3.000 lít hóa chất sát trùng để cấp phát cho các hộ chăn nuôi thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng, cấp các trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh như: quần áo bảo hộ, ủng, khẩu trang, găng tay; đồng thời hỗ trợ kinh phí cho hộ gia đình có lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy.
Nguyễn Thơm