Đồng chí Quách Văn Từ, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Nho Quan cho biết: Trong các năm gần đây, diện tích đất nông nghiệp của Nho Quan được duy trì khá ổn định. Hiện diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt là 23.806 ha, trong đó cây lúa 13.800 ha. Bên cạnh đó, huyện chú trọng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như: vùng sản xuất lúa cao sản, lúa chất lượng cao, lúa giống; phát triển các mô hình trồng cây ngô ngọt, ớt xuất khẩu, khoai sọ, các vùng chuyên canh sản xuất cây công nghiệp như: sắn, mía, dứa, cây ăn quả và cây lương thực có hạt khác. Đến nay, doanh thu bình quân đạt trên 80 triệu đồng/ha.
Đối với chăn nuôi, huyện tập trung phát triển con nuôi có thế mạnh như: trâu bò, lợn và gia cầm. Nhân rộng các mô hình chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, đưa giống, con nuôi có năng suất, chất lượng phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện vào sản xuất. Phát triển con nuôi bản địa có giá trị hàng hóa cao như: lợn, gà, hươu, dê, ong. Trên địa bàn huyện hiện có trên 20 cơ sở chăn nuôi lợn theo tiêu chí mới, trong đó có 17 có sở có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm.
Thủy sản cũng được Nho Quan xác định là một mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Huyện đã phát triển mô hình 1 lúa - 1 cá và chuyển đổi ruộng trũng sang chuyên canh nuôi cá ở các xã thường xuyên bị úng lụt. Diện tích nuôi trồng thủy sản đến nay đạt trên 2.400 ha, doanh thu bình quân trên 14 triệu đồng/năm.
Phát huy thế mạnh của vùng đồi núi, huyện đã tăng cường công tác bảo vệ, khoanh nuôi, chăm sóc, phát triển rừng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp, phủ xanh đất trống gắn với phát triển trang trại tổng hợp, từng bước nâng độ che phủ rừng, chống xói mòn, bảo vệ môi trường sinh thái.
Tổ chức chuyển đổi có hiệu quả 200ha rừng phòng hộ, ít xung yếu thành rừng sản xuất, khai thác các tiềm năng của vùng đồi núi để phát triển kinh tế. Đến nay đã có 124 trang trại, sử dụng 243,9 ha đất và 743 lao động, thu nhập bình quân trang trại đạt 100 triệu đồng/năm.
Đi đôi với phát triển kinh tế, phong trào "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được các cấp, các ngành và toàn dân thực hiện có hiệu quả, duy trì và phát huy được truyền thống văn hóa tốt đẹp của địa phương. Các di tích lịch sử văn hóa từng bước được trùng tu, tôn tạo. Hiện toàn huyện có 202/286 thôn được công nhận là thôn văn hóa; 18/27 xã có nhà văn hóa đạt chuẩn; 239/286 thôn có nhà văn hóa; 27/27 xã có sân thể thao phổ thông; 27/27 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 71,6% các trường đạt chuẩn quốc gia; 27/27 xã có điểm bưu điện văn hóa; 88% dân cư nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 91% gia đình nông dân có phương tiện nghe nhìn; 84% gia đình sử dụng điện thoại.
Chính sách an sinh xã hội, công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Năm 2012, toàn huyện còn 3.849 hộ nghèo, chiếm 9,24%, giảm 3,89% so với năm 2008, trên 10.000 hộ dân được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất với tổng dư nợ trên 200 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 3.200 lao động. Đặc biệt từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn huyện đã có 1.200 nhà tạm, nhà dột nát được hỗ trợ sửa chữa, xây mới với tổng kinh phí là 23,406 tỷ đồng.
Để người nông dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, trong những năm qua Nhà nước đã quan tâm đầu tư cho huyện Nho Quan về cơ sở hạ tầng như các công trình thủy lợi, đường, trường, trạm các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy tác dụng, phục vụ đắc lực cho phát triển sản xuất và đời sống dân sinh.
Hiện nay, các địa phương trong huyện đã đưa vào sử dụng ổn định 44 công trình thủy lợi, hơn 100 km đê sông, 80 trạm bơm phục vụ sản xuất, cứng hóa 243 kênh, đảm bảo chủ động tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp; 32 hồ, đập chứa nước, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp. Qua đó góp phần hạn chế đáng kể tình trạng lũ lụt, úng, hạn của huyện Nho Quan.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện đã chỉ đạo 26 xã bám sát các tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới để phấn đấu thực hiện. Với phương châm "Nhà nước và nông dân cùng làm", nhân dân các xã trong huyện đã hiến 143.500 m2 đất, trị giá khoảng 8.679 triệu đồng; hiến 42.449 ngày công và tài sản, vật liệu ước tính 13.508 triệu đồng; con em địa phương và các nhà hảo tâm tài trợ 23.284 triệu đồng.
Các dự án, chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai nghiêm túc. Với nguồn hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của nhân dân đã làm được 173km đường trục xã, thôn, xóm, ngõ, tổng kinh phí 273.959 triệu đồng. 6 xã làm điểm của huyện có 1 xã đạt 12 tiêu chí, 2 xã đạt 11 tiêu chí, 1 xã đạt 9 tiêu chí…
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, kinh tế của huyện miền núi Nho Quan đã có những bước chuyển biến khá rõ nét. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện… Điều đó đã góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng thành công nông thôn mới trên địa bàn của Nho Quan.
Nguyễn Thơm