Đồng chí Trần Văn Dưỡng, Phó phòng Nông nghiệp huyện Nho Quan cho biết: Đầu năm 2017, UBND huyện Nho Quan đã ban hành kế hoạch số 28 về việc tổ chức tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Theo đó, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành rà soát quy hoạch đất lúa, đất màu thành vùng liền khoảnh, thuận tiện giao thông- thủy lợi; xác định hệ số chênh lệch trên mỗi loại đất, bao gồm đất chuyên màu, đất 1 lúa, đất 2 lúa làm cơ sở để tính toán giá thuê đất của tập thể, hộ gia đình, cá nhân trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân-doanh nghiệp. Cùng với đó, huyện tổ chức cho lãnh đạo UBND các xã gặp gỡ các doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất, tổ chức các buổi tham quan các mô hình tích tụ, các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả để có thêm kinh nghiệm áp dụng vào thực tiễn ở địa phương. Quá trình thực hiện, huyện thường xuyên nắm chắc tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giữa doanh nghiệp, UBND các xã, các HTX và bà con nông dân nhằm tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện.
Đến nay, toàn huyện có 9 xã đã tổ chức tích tụ, tập trung ruộng đất được 207,5 ha và đã có 6 doanh nghiệp tham gia đầu tư. Nhìn chung, các doanh nghiệp sau khi được bàn giao đất đã tổ chức đi vào sản xuất. Một số cây trồng chính được các doanh nghiệp đưa vào sản xuất như: Dược liệu, lúa, khoai tây, khoai sọ, khoai sọ lệ phố, khoai lang, khoai môn, bí đỏ... Sau một thời gian gieo trồng, chăm sóc, các loại cây đã sinh trưởng, phát triển tương đối tốt và một số cây đã cho thu hoạch với năng suất và hiệu quả kinh tế cao như: Dược liệu, khoai tây, khoai sọ lệ phố, khoai môn... Theo đánh giá của UBND huyện Nho Quan, giá thuê đất của các doanh nghiệp cơ bản đảm bảo lợi nhuận so với người dân tự canh tác, giá thuê đất trung bình 110kg thóc/sào/năm. Đồng thời các công ty ưu tiên sử dụng lao động là các hộ có đất cho thuê với ngày công từ 130.000- 150.000 đồng/công. Thông qua phát triển sản xuất của doanh nghiệp, nông dân cũng được tiếp cận KHKT và thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuât tiên tiến.
Công ty TNHH dược thảo Hoàng Thành Ninh Bình là một trong những doanh nghiệp đã chọn Nho Quan để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp này đã thuê 19,6 ha đất ở các xã: Văn Phương, Cúc Phương, Yên Quang. Trước đây, những diện tích này là đất màu đồi, do không chủ động tưới tiêu nên hàng năm bà con chỉ canh tác một vụ lạc xuân hoặc ngô xuân, năng suất thấp, giá trị sản xuất thu nhập bình quân chỉ đạt 26-28 triệu đồng/ha/năm. Ngay sau khi được giao đất, doanh nghiệp đã bắt tay vào đầu tư, cải tạo đất. Để chủ động nguồn nước tưới, doanh nghiệp đã đầu tư khoan giếng và thực hiện tưới tiêu bằng giàn phun. Ngoài ra, quá trình thực hiện, công ty ưu tiên giải quyết việc làm cho các nông dân cho thuê đất, đảm bảo quyền lợi của các hộ dân và của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Quá trình trồng thử nghiệm từ tháng 6/2016 đến nay, Công ty đã lựa chọn được một số cây dược liệu triển vọng và có khả năng nhân rộng tại vùng bán sơn địa của huyện Nho Quan như: Cúc thảo dược, Đương qui, Bạch chỉ, Địa hoàng, Hắc hương, Hi thiêm, Nghệ đen... Hiện, các loại cây dược liệu cho năng suất khá cao, trung bình đạt 45 tạ/ha/vụ, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 360 triệu đồng/ha/năm.
Cũng giống như Công ty TNHH Dược thảo Hoàng Thành Ninh Bình, Công ty cổ phần Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình đã thuê trên 96 ha ở xã Đồng Phong, Văn Phương để trồng cây khoai sọ, khoai tây, khoai lang Hoàng Long, khoai sọ lệ phố, lúa chất lượng cao... Sau khi thuê đất, Công ty đã tiến hành chỉnh trang đồng ruộng, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật; ứng dụng tiến bộ khoa học, đồng thời đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện nay, các cây trồng mà công ty đưa vào sản xuất đã được thu hoạch, cho năng suất và hiệu quả cao như: khoai tây cho thu hoạch 126tạ/ha/vụ, đạt giá trị thu nhập trên 75 triệu đồng/ha/vụ; khoai sọ 112tạ/ha/vụ, đạt giá trị thu nhập 168 triệu đồng/ha/vụ; lúa chất lượng cao đạt năng suất 60 tạ/ha, thu nhập đạt 48 triệu đồng/ha/vụ, khoai lang Hoàng Long đang được phục tráng, khoai sọ lệ phố đưa vào sản xuất vụ mùa năm 2017 và hiện sinh trưởng, phát triển tốt.
Tuy vậy, quá trình thực hiện tích tụ ruộng đất, Nho Quan gặp phải những khó khăn, nhất là điều kiện đất đai, cơ sở hạ tầng ở một số vùng mà doanh nghiệp thuê còn hạn chế, chưa đảm bảo, do vậy các doanh nghiệp phải đầu tư vốn ban đầu lớn để tổ chức sản xuất. Trong khi đó, một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân về việc tích tụ ruộng đất chưa sâu rộng, chưa cụ thể, do vậy vẫn còn một số hộ nông dân chưa thực sự tin tưởng vào chủ trương tích tụ ruộng đất, gây tâm lý lo ngại sợ mất đất sản xuất sau khi cho doanh nghiệp thuê. Một số doanh nghiệp thuê đất cũng bộc lộ những hạn chế trong tổ chức sản xuất như: Kế hoạch sản xuất chưa khép kín, chỉ sản xuất 1 vụ, còn lại để đất trống, do vậy gây tâm lý lo ngại cho người dân khi cho thuê đất...
Ông Trần Văn Dưỡng, Phó phòng Nông nghiệp huyện Nho Quan cho biết thêm: Để khắc phục những bất cập trên, huyện Nho Quan đang tập trung chỉ đạo các cấp, ngành quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất, đảm bảo sự đồng thuận vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó, quan điểm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện đó là việc tích tụ ruộng đất phải được tiến hành thận trọng, chắc chắn, bảo đảm hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người dân, đúng pháp luật, mục tiêu cuối cùng là tạo ra phương thức sản xuất phù hợp, hình thành vùng sản xuất gắn với thị trường, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững. Theo đó, các xã tiếp tục rà soát, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung cho các tổ chức, cá nhân thuê đất để sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bám sát vào nhu cầu thực tế của thị trường; đảm bảo tốt nhất các điều kiện để các tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư vào sản xuất. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức sản xuất của công ty, bảo đảm sử dụng đất đúng mục đích. Hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết sản xuất để tạo thành chuỗi sản xuất hàng hóa từ khâu đầu vào đến khâu tiêu thụ, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định.
Cùng với đó, huyện Nho Quan tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực, có chuyên môn thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp vào sản xuất trên địa bàn. Mở rộng hướng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; tập trung phát triển cây trồng, con nuôi bản địa; từng bước mở rộng cây, con mới có giá trị kinh tế cao, ổn định đầu ra cho sản phẩm..., góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng từ đất qua tích tụ ruộng đất.
Đinh Ngọc