Nhiều năm qua, xã miền núi Yên Quang luôn là đơn vị dẫn đầu huyện Nho Quan về kết quả cung cấp các dịch vụ KHHGĐ/SKSS. Đồng chí Bùi Thị Tươi, cán bộ dân số xã Yên Quang cho biết: Hàng năm, để người dân được tiếp cận với các dịch vụ KHHGĐ, Ban chỉ đạo công tác Dân số-KHHGĐ xã Yên Quang đã tập trung triển khai cung cấp các dịch vụ cũng như công tác tuyên truyền đạt từ 60% kế hoạch năm ngay trong đợt cao điểm truyền thông vận động và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ diễn ra trong 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 7). Trước khi tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, Ban chỉ đạo công tác Dân số-KHHGĐ xã đã phối hợp với Hội phụ nữ và Trung tâm học tập cộng đồng xã tổ chức hội nghị về dân số/SKSS/KHHGĐ, các mô hình, Đề án về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số cho người dân để họ có thông tin kiến thức về SKSS/ KHHGĐ, những thông tin về trường hợp được miễn phí, về giá dịch vụ thực hiện tại Trạm y tế trong đợt cung cấp dịch vụ; phối hợp với Ban văn hóa xã viết tin, bài về công tác DS-KHHGĐ phát nhiều lần trên đài truyền thanh xã trước khi cung cấp dịch vụ 3 ngày để người dân nắm được thông tin; phối hợp với tổ chức, đoàn thể của xã tổ chức tuyên truyền đến cán bộ, hội viên và người dân về công tác dân số-KHHGĐ cũng như kế hoạch về đợt cao điểm; niêm yết danh sách tại Trạm y tế các đối tượng cần tư vấn, vận động về các biện pháp KHHGĐ; phối hợp với Trạm y tế xã chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho việc cung cấp dịch vụ tại Trạm… Hàng năm, xã đạt trên 100% kế hoạch dịch vụ KHHGĐ. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, đã số người áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 111% kế hoạch dịch vụ năm 2019; có 97 người được khám phụ khoa, phát hiện 52 người viêm nhiễm và được hướng dẫn điều trị.
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Nho Quan cho biết: Từ cuối năm 2016, việc xã hội hóa phương tiện tránh thai và hàng hóa SKSS/KHHGĐ đã bắt đầu đưa vào thực hiện tại huyện, tuyên truyền rộng rãi đến mọi người dân như đặt vòng tránh thai, thuốc tiêm, thuốc cấy, thuốc uống, bao cao su tránh thai thực hiện theo Đề án 818 của tỉnh (Đề án "Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2016-2020"). Tuy nhiên, là huyện miền núi, trong triển khai Đề án 818, huyện Nho Quan còn gặp một số khó khăn như: Với phong tục, tập quán còn lạc hậu, trình độ dân trí còn thấp, một bộ phận người dân vẫn giữ phong tục tập quán trọng nam, muốn có con trai để nối dõi tông đường; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn cao, người dân đã quen với phương tiện tránh thai miễn phí (cho không), nên khi phải bỏ tiền ra mua còn đắn đo, cân nhắc. Đối tượng hưởng thụ các dịch vụ tại các xã đặc biệt khó khăn cũng còn (5 xã và một số thôn) nằm rải rác trong huyện. Công tác tuyên truyền, chuyển đổi hoạt động từ miễn phí sang thu phí dịch vụ biện pháp tránh thai lâm sàng thay đổi từ dịch vụ giá thấp sang dịch vụ giá còn quá cao so với đối tượng nên đối tượng chưa thể chấp nhận ngay được. Chuyên trách, cộng tác viên dân số thôn, bản có trách nhiệm tuyên truyền, vận động đối tượng nhưng còn thiếu và yếu kiến thức về tư vấn tiếp thị, tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai và hàng hóa chăm sóc SKSS.
Để thực hiện kế hoạch xã hội hóa phương tiện tránh thai và hàng hóa chăm sóc sức khỏe sinh sản giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn huyện hiệu quả, Trung tâm Dân sô-KHHGĐ huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và quán triệt các văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và pháp luật Nhà nước về công tác Dân số- KHHGĐ, trong thời kỳ mới là dân số và phát triển; triển khai đồng bộ Nghị quyết 21/NQ-TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới tới các tầng lớp nhân dân, trong đó đội ngũ cán bộ dân số các cấp tăng cường công tác tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp với các đoàn thể, tổ chức xã hội triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông và giáo dục thay đổi hành vi về dân số - KHHGĐ nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân, thay đổi thói quen sử dụng phương tiện tránh thai miễn phí, để đối tượng có nhu cầu chủ động cân nhắc sử dụng các phương tiện tránh thai. Quá trình tuyên truyền chuyển đổi hành vi của đối tượng từ "cho không" sang "giá thấp" 145.000 đồng/1 lần đặt dụng cụ tử cung và sang "giá cao" 210.000 đồng/1 lần đặt đối tượng vẫn chủ động tự giác đến điểm cung cấp dịch vụ thực hiện. Phối hợp với Khoa Chăm sóc SKSS/KHHGĐ của Trung tâm y tế, Phòng khám Tuấn Bình trên địa bàn huyện mở các đợt cao điểm về khám, điều trị chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho chị em, miễn phí khám phụ khoa, cung cấp các dịch vụ dân số/SKSS/KHHGĐ trên địa bàn huyện, thu hút đông đối tượng tham gia; khám đặt vòng cung cấp dịch vụ cả thứ bảy, chủ nhật nhằm giúp chị em có cơ hội tham gia. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo cho đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên, cầm tay chỉ việc trong các buổi giao ban huyện, xã, nhằm nâng cao kỹ năng tuyên truyền vận động người dân tham gia.
Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch giao về KHHGĐ, Trung tâm xây dựng kế hoạch giao cho xã, xã căn cứ vào địa bàn và cụ thể từng cộng tác viên có trách nhiệm phân loại đối tượng, rà soát số người đã và đang áp dụng các biện pháp tránh thai tại địa bàn, đối tượng chưa áp dụng để vận động chị em đến địa điểm được tuyên truyền để được cung cấp dịch vụ.
Bên cạnh đó, các chính sách về dịch vụ KHHGĐ trên địa bàn huyện được áp dụng theo Thông tư số 26/2018/TT-BTC, ngày 21/3/2018 quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu y tế-dân số giai đoạn 2016-2020 để áp dụng cho đối tượng chính sách được hưởng các dịch vụ về dân số. Tiếp nhận từ Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh hỗ trợ dụng cụ tránh thai cho đối tượng có nhu cầu. Nhờ đó, việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ trên địa bàn huyện đáp ứng nhu cầu người dân, đảm bảo an toàn, hiệu quả, nâng số người áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại trên địa bàn huyện tăng. Năm 2017, tổng số phụ nữ 15 - 49 tuổi có chồng là 25.324 người, tỷ lệ áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 70,3%. Năm 2018, tỷ lệ áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 71,7%. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng số người áp dụng các biện pháp tránh thai 6.870/7.490 ca, đạt 91,7% kế hoạch năm.
Bài, ảnh: Hồng Vân