Nho Quan, giải quyết việc làm để giảm nghèo bền vững
Thứ Năm, 31/12/2020, 08:33
Zalo
Nho Quan là huyện miền núi còn nhiều thôn, xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Những năm qua, huyện đã có nhiều cách làm sáng tạo để thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo. Trong đó, phải kể đến hiệu quả từ công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, mang lại nguồn thu nhập ổn định giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Nho Quan, giải quyết việc làm để giảm nghèo bền vững
Anh Phan Văn Hưng ở thôn Quỳnh Phong 1 (xã Sơn Hà) là một lao động trẻ. Không lựa chọn đi làm ăn xa như nhiều thanh niên khác trên địa bàn, anh Hưng quyết định học chính nghề mộc, một nghề truyền thống của quê hương để lập nghiệp. Đến nay, anh Hưng đã là thợ có tay nghề cao, được nhiều xưởng mộc lớn có nhu cầu tuyển dụng với mức lương cao.
"Đi làm ăn xa hay ở gần nhà đều có thuận lợi và khó khăn nhất định, người lao động căn cứ vào điều kiện thực tế của bản thân và gia đình để lựa chọn. Riêng tôi, tôi nhận thấy hoàn toàn có thể lập nghiệp trên chính quê hương mình mà không cần phải chấp nhận nhiều rủi ro để đi làm ăn xa. Nếu có nghề phù hợp ở trong tay thì sẽ có thu nhập sẽ ổn định được cuộc sống"- anh Hưng khẳng định.
Trên cơ sở Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND huyện Nho Quan đã xây dựng đề án về việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 với mục tiêu cụ thể, mỗi năm bình quân đào tạo nghề cho từ 1800-1900 lao động (khoảng 2,2% dân số trong độ tuổi lao động), trong đó dạy nghề phi nông nghiệp cho 1200 lao động, dạy nghề nông nghiệp cho 600 lao động.
Anh Phan Văn Hưng với nghề mộc truyền thống của địa phương.
Ông Quách Văn Vỹ, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nho Quan cho biết: Để thực hiện được mục tiêu này, huyện Nho Quan đã làm chắc công tác khảo sát nhu cầu học nghề, thị trường lao động, đồng thời đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về công tác học nghề thông qua các hội nghị chuyên đề, hội nghị lồng ghép công tác chuyên môn.
Đặc biệt, hàng năm, UBND huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, qua đó tuyên truyền về công tác dạy nghề, phối hợp chặt chẽ với các cơ sở dạy nghề tuyển sinh, đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương.
Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp được củng cố về số lượng, nâng cao về chất lượng. Cùng với việc tổ chức các lớp học, huyện cũng tăng cường hoạt động giám sát nhằm phát hiện và kịp thời chấn chỉnh các sai sót, hạn chế trong quá trình đào tạo…
Đặc biệt, để Đề án 1956 thực sự là "cơ hội vàng" cho lao động nông thôn, huyện đã có nhiều sáng tạo, linh hoạt nhằm khắc phục những khó khăn trong công tác đào tạo nghề. Theo đó, thay vì đưa về những nghề mới, phụ thuộc vào thị trường, huyện tuyên truyền, vận động, tư vấn cho các xã, thị trấn lựa chọn chính những nghề truyền thống của địa phương để đào tạo, nhằm giúp cho bà con nâng cao năng suất, chất lượng, tay nghề để tạo ra các sản phẩm đủ sức cạnh tranh và có chỗ đứng riêng trên thị trường.
Với phương châm đó, huyện đã tổ chức các lớp dạy nghề xây dựng dân dụng cho lao động xã Phú Lộc và Xích Thổ; dạy nghề mộc dân dụng cho lao động xã Sơn Hà; may công nghiệp cho lao động xã Văn Phú, Gia Sơn…
Nhờ đó, từ năm 2010-2019, toàn huyện đã thực hiện được 50 đề án với 5.259 lao động đã được đào tạo với tổng kinh phí trên 5,6 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2010- 2011 thực hiện được 23 đề án, đào tạo nghề cho gần 2.000 học viên với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Trong đó, có 2 đề án dành cho trên 500 lao động nghèo, tập trung nhiều vào các nghề đính hạt cườm, đan bèo bồng, trồng nấm…
Tính riêng trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch COVID-19, xong huyện vẫn hoàn thành các chỉ tiêu trong công tác đào tạo nghề. Việc dạy nghề phù hợp với nhu cầu thị trường nên tỷ lệ lao động có việc làm đạt mức cao. Trong năm, toàn huyện ước giải quyết việc làm cho 2.685 người, đạt 103% kế hoạch năm.