Theo thiết kế, công trình đường ứng cứu phòng hộ vườn Quốc gia Cúc Phương dài 11,883 km kéo dài từ nút giao thông với Quốc lộ 12B tại ngã tư xã Đồng Phong (Nho Quan) đến đường Núi Đính- Đồng Chương- Cúc Phương, có nền đường rộng 12m, mặt đường bê tông xi măng cùng với các công trình phụ trợ và hệ thống an toàn giao thông đường bộ trên tuyến.
Đại diện đơn vị thi công Công ty TNHH xây dựng Thống Nhất cho biết: Hiện nay công trình đã đảm bảo tiến độ đề ra. Phần nền đường đã hoàn thiện khoảng hơn 10km, phần mặt đường bê tông xi măng đã hoàn thiện hơn 8km. Công ty đang nỗ lực tập trung nhân lực, máy móc để đẩy nhanh tiến độ thi công, dự kiến hoàn thành phần mặt đường trong tháng 10.
Ông Đinh Văn Tiên, Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Đây là tuyến đường huyết mạch quan trọng để phục vụ công tác ứng cứu đối với Vườn Quốc gia Cúc Phương và ổn định dân cư, phát triển kinh tế các vùng núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Ninh Bình, trước đây mặt đường hẹp, 2 xe ô tô tránh nhau khó khăn, cộng với đường dốc, gồ ghề, nhiều khúc cua khiến cho người tham gia giao thông luôn cảm thấy bất an.
Nhận thấy vị trí đặc biệt của tuyến đường này nên từ năm 2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 282/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư công trình Đường ứng cứu phòng hộ Vườn Quốc gia Cúc Phương giai đoạn 2012-2015 với tổng mức đầu tư xây dựng là 327.139 triệu đồng. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn đầu tư công nên đến năm 2019 công trình được gia hạn đến hết năm 2020.
Sau khi nghiên cứu thực tế và để tiết kiệm nguồn vốn cho Nhà nước, UBND huyện Nho Quan đã đề nghị cắt giảm một số hạng mục, công việc như: điều chỉnh hạng mục dốc Quèn Thạch; điều chỉnh đoạn tuyến khu vực dốc Sườn Bò, cắt giảm hạng mục cải tạo tuyến đường cũ, giảm chi phí cho công tác giải phóng mặt bằng, giảm chi phí các hạng mục phụ trợ trên tuyến. Như vậy, khái toán tổng mức đầu tư của dự án sau khi điều chỉnh, cắt giảm các hạng mục đã giảm 66.981 triệu đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt.
Giải thích về việc xin điều chỉnh dự án, ông Đinh Văn Tiên, Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Năm 2019, xã Văn Phương đã hoàn thành về đích xây dựng nông thôn mới. Năm 2020 xã Cúc Phương được UBND tỉnh Ninh Bình chọn là địa điểm tổ chức Tuần lễ "Cúc Phương đại ngàn" một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Năm du lịch Quốc gia.
Do vậy, để nâng cao tiêu chí giao thông của xã nông thôn mới Văn Phương và tổ chức thành công Tuần lễ "Cúc Phương đại ngàn" thì việc đầu tư hoàn thiện bê tông mặt đường tuyến đường từ xã Đồng Phong đến Vườn Quốc gia Cúc Phương là hết sức cần thiết. Mặt khác đoạn tuyến khu vực dốc Sườn Bò theo thiết kế được duyệt có phương án nắn tuyến mở sâu vào sườn đồi và đào hạ nền đoạn đỉnh dốc.
Tuy nhiên, vị trí mở sâu vào đồi có cột điện và đường dây tải điện 500kV chạy qua, vì vậy khi mở tuyến khu vực này có nguy cơ mất an toàn cho lưới điện. Bên cạnh đó việc đào hạ nền đường theo độ cao thiết kế được duyệt sẽ gây ảnh hưởng lớn đến việc đi lại, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân sống dọc hai bên đoạn tuyến, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở mái nền đường do khi có mưa lũ nước từ nguồn dồn về khu vực Cúc Phương.
Công trình mặc dù có ảnh hưởng đến số lượng lớn các hộ dân 2 bên đường, tuy nhiên do huyện Nho Quan đã chỉ đạo các xã, các đoàn thể ở địa phương tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân nên đến nay các hộ dân 2 bên đường đều đồng thuận, nhiệt tình ủng hộ.
Ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương cho biết: Dự án được tiếp tục thực hiện người dân xã Cúc Phương ai cũng vui mừng, các hộ 2 bên đường bị ảnh hưởng bởi dự án sau khi nghe chính quyền giải thích vận động đã tự nguyện tháo dỡ công trình, hoa màu trên đất để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công nhanh chóng hoàn thành phần mặt đường, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án theo đúng kế hoạch.
Đến nay toàn xã có 36 hộ tình nguyện hiến đất mà không đòi hỏi bất kỳ chế độ hỗ trợ nào. Có thể nói, đây thật sự là công trình ý Đảng - lòng dân, đáp ứng nhu cầu của người dân miền núi bấy lâu nay. Hy vọng rằng, thời gian tới, Nhà nước tiếp tục đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông ở các xã miền núi để tạo điều kiện cho các xã miền núi phát triển kinh tế- xã hội.
Đối với các công trình hạ tầng thiết yếu như cấp điện, cấp nước, viễn thông... UBND huyện Nho Quan đã yêu cầu các đơn vị quản lý tự bố trí kinh phí di chuyển ra ngoài phạm vi thi công công trình. Do đó không phải bố trí thêm kinh phí để GPMB trên tuyến, từ đó tiết kiệm được 34.000 triệu đồng từ kinh phí GPMB.
Có thể nói, với sự đồng tâm, nhất trí của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân huyện Nho Quan, công trình đường ứng cứu phòng hộ Vườn Quốc gia Cúc Phương sẽ hoàn thành đúng tiến độ đề ra, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng mạng lưới giao thông trong khu vực nói riêng cũng như toàn huyện, tỉnh nói chung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sản xuất, giao thương của nhân dân các xã vùng cao trong tỉnh.
Xuân Trường