Những điển hình từ cơ sở
Về Lạng Phong, chúng tôi được nghe kể nhiều về gia đình cụ Phạm Văn Cơ, ở thôn Bách Hoàn - một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu của xã. Gia đình cụ Phạm Văn Cơ được bà con làng xóm kính trọng, ngưỡng mộ về tình thương yêu, đoàn kết và nếp sống văn hóa của các thành viên trong gia đình. Dù ở tuổi "xưa nay hiếm" (84 tuổi) nhưng cụ Phạm Văn Cơ còn rất minh mẫn. Vào mỗi buổi chiều hàng ngày, cụ dành 4 tiếng đồng hồ mở lớp dạy học tình nghĩa cho các cháu học sinh THCS trong và ngoài xã.
Điều đáng trân trọng ở cụ chính là tinh thần nhiệt huyết, sự lao động không mệt mỏi của người trí thức đã truyền lại cho các em học sinh ở lớp học tình nghĩa này. Cụ cho biết: Xuất phát từ lòng yêu trẻ, và đã có thời gian khá dài tham gia công tác khuyến học xã nên tôi luôn mong muốn các cháu học hành thành đạt, nên người. Qua lớp học rèn luyện cho các cháu tinh thần hăng say học tập, không sa vào các tệ nạn xã hội. Tại lớp học này, các cháu học sinh THCS ở 4 khối lớp được luyện giải bài tập và kỹ năng làm bài và nắm vững kiến thức cơ bản môn Toán. Hiện số học trò theo các lớp học này duy trì từ 40-50 cháu, chủ yếu là các cháu có hoàn cảnh khó khăn của xã Lạng Phong và các xã lân cận.
Sinh ra là con nhà nông, được bố mẹ dành hết tâm lực nuôi ăn học hết cấp 3. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Phạm Văn Cơ được Nhà nước cho đi đào tạo ở Trung Quốc về chuyện ngành chăn nuôi để về góp trí lực xây dựng đất nước. Sau 4 năm du học, ông về tham gia công tác, giảng dạy ở …. thuộc Bộ Nông nghiệp. Năm 1988, cụ Phạm Văn Cơ nghỉ hưu và tham gia công tác khuyến học ở xã Lạng Phong. Tiếp nối truyền thống gia đình, cụ luôn dạy bảo con cháu chăm lo học hành. Hiện nay, các con, cháu của cụ đều là cán bộ Nhà nước, công tác tại Bộ Nông nghiệp và trong quân đội, hiện 4 người con của cụ đã nghỉ hưu; 10 người cháu của cụ đều tốt nghiệp đại học trở lên, trong đó có 2 người là thạc sĩ, đều công tác tại các ngành y tế, tài chính, nông nghiệp ở Trung ương.
Đối với gia đình ông Dương Văn Liêm ở thôn Thanh Quyết, xã Gia Sơn được biết đến không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn là gia đình luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào do địa phương phát động.
Đến nhà ông Liêm, chúng tôi cảm thấy không khí ấm cúng, hạnh phúc hiện rõ trên khuôn mặt từng thành viên trong gia đình. Rót chén nước trà mời khách, ông Liêm vui vẻ cho biết: Gia đình tôi hiện có 4 thế hệ sinh sống trong một mái nhà. Trong quá trình xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, vợ chồng anh luôn dạy dỗ con cái những điều hay, lẽ phải, những việc nên làm, không vi phạm pháp luật, không sa vào tệ nạn xã hội...
Mỗi thành viên trong gia đình đều ý thức được trách nhiệm của mình, đoàn kết, chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc. Nhiều năm liền gia đình tôi được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu của thôn, xã. Đây là vinh dự, tự hào để các thế hệ con cháu trong gia đình tiếp nối giữ và phát huy truyền thống ấy.
Với ông Liêm, để gia đình phát triển bền vững, trước hết phải xây dựng điều kiện kinh tế vững vàng, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho cuộc sống hàng ngày. Tuy là con nhà nông, nhưng ông Liêm luôn dạy bảo con cái chăm chỉ làm ăn, phát triển nhiều ngành nghề để tạo dựng kinh tế vững vàng. hiện gia đình ông có mô hình kinh tế tổng hợp như xay xát, thầu xây dựng, chăn nuôi, làm nông nghiệp, làm cơ khí..., thu nhập của gia đình bình quân trên 100 triệu đồng. Hiện 3 người con của ông đã lập nghiệp ổn định, có điều kiện kinh tế khá giả.
Đến việc nhân rộng các điển hình
Đồng chí Nguyễn Văn Công, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nho Quan cho biết: Phong trào xây dựng GĐVH trên địa bàn huyện trong nhiều năm qua đã có chuyển biến tích cực, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững. Phong trào xây dựng GĐVH được triển khai đồng bộ từ huyện đến cơ sở, các tiêu chí thi đua phong trào được các đơn vị xây dựng phù hợp với đặc điểm địa bàn và phong tục tập quán mỗi địa phương. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến về nội dung, tiêu chuẩn xây dựng GĐVH được đẩy mạnh, vận động để người dân hiểu rõ hơn về ý nghĩa cũng như tác động tích cực của phong trào xây dựng GĐVH đối với xã hội.
Trong quá trình xây dựng GĐVH, nhiều xã, thị trấn đã quan tâm thực hiện các biện pháp đồng bộ đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn những tiêu cực ngoài xã hội ảnh hưởng đến nền nếp, gia phong của mỗi gia đình; chú trọng giáo dục truyền thống gia đình, dòng họ, làng xóm.
Tinh thần gắn kết, tương trợ giữa các gia đình trong cộng đồng được phát huy, nhất là việc giúp đỡ các gia đình neo đơn, gia đình khó khăn, gặp hoạn nạn. Xây dựng, vun đắp những mối quan hệ nhân ái tốt đẹp, có trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình; chăm lo phát triển kinh tế, tạo việc làm và thu nhập chính đáng, nâng cao chất lượng cuộc sống; thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.
Là huyện có 17% đồng bào dân tộc Mường sinh sống, vì thế việc phát động phong trào xây dựng GĐVH ở xã có đông đồng bào dân tộc Mường được huyện coi trọng, quan tâm chỉ đạo. Để triển khai phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa truyền thống địa phương gắn với xây dựng gia đình văn hóa theo hướng hiện đại của đồng bào dân tộc Mường, huyện đã hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn để các gia đình tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, nuôi dạy con cháu chăm ngoan, học giỏi, hiếu thảo.
Cùng với đó, huyện chỉ đạo, hướng dẫn việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc Mường qua việc bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể như nhà sàn, tiếng nói, trang phục…những nét đẹp văn hóa Mường không bị mai một.
Việc bình xét, công nhận GĐVH được tiến hành công khai, dân chủ, minh bạch, có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ phong trào. Số lượng gia đình đạt tiêu chuẩn GĐVH ngày càng tăng, chất lượng cũng được nâng lên: năm 2001, số hộ gia đình văn hóa trong toàn huyện mới chỉ đạt 55,9%, đến năm 2012 đạt 76%. Các hộ gia đình văn hóa tiêu biểu được biểu dương hàng năm ở các thôn, làng, xã đã có tác dụng tích cực trongphongtrào thi đua "học tập và noi gương các điển hình tiên tiến", "xóa đói giảm nghèo"…Nhiều nơi các gia đình tự nguyện hiến một phần đất của gia đình mình để xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương như Thị trấn Nho Quan, xã Gia Sơn…
Bài, ảnh: Hồng Vân