Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Nho Quan đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác chuyển đổi số gắn với chủ đề công tác năm của tỉnh về "Kỷ cương, trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách hành chính" nhằm tạo sự chuyển biến của tổ chức, cá nhân về nề nếp, cách làm việc, phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số để thúc đẩy huyện miền núi phát triển.
Nho Quan đẩy mạnh chuyển đổi số
Là 1 trong 3 đơn vị được huyện Nho Quan chọn làm điểm thực hiện chuyển đổi số cấp xã, thị trấn Nho Quan đã nhanh chóng triển khai các hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn.
Đồng chí Trần Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nho Quan cho biết: Thực hiện Kế hoạch của UBND huyện về chuyển đổi số, UBND thị trấn đã xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp với đặc thù địa phương. Lãnh đạo UBND thị trấn đã trực tiếp tham gia các lớp tập huấn, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; quan tâm nâng cao trình độ của cán bộ, công chức về công nghệ thông tin; đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu về chuyển đổi số...
Thuận lợi của thị trấn là có đội ngũ cán bộ công chức có trình độ công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu trong thực hiện các lĩnh vực liên quan đến chuyển đổi số. Hiện nay thị trấn đã triển khai cơ bản được chính quyền số, đã xử lý được trên 42% văn bản trên môi trường mạng. Phấn đấu cuối năm 2021, thực hiện được 80% kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Đồng chí Nguyễn Thị Lan, công chức Văn phòng - Thống kê UBND thị trấn Nho Quan cho biết: Là công chức bộ phận "Một cửa", bước đầu tôi còn bỡ ngỡ về chuyển đổi số, nhưng sau khi nhận được hướng dẫn cũng như tham gia các lớp tập huấn do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức, chúng tôi đã tiếp cận được với các công việc của chuyển đổi số. Đến nay, công chức xã đã triển khai các công việc liên quan đến chuyển đổi số thành thạo, giúp đẩy nhanh tiến độ công việc. Đồng thời hướng dẫn nhân dân thực hiện các bước nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, từng bước số hóa các thủ tục hành chính công trên địa bàn thị trấn.
Đồng chí Lê Trần Hương, Phó Văn phòng HĐND-UBND huyện Nho Quan cho biết: Xác định chuyển đổi số là bước đi tất yếu nhằm thay đổi phong cách làm việc, giúp cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và giải quyết công việc, nên sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 20/4/2021 về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Nho Quan đã xây dựng kế hoạch và triển khai tích cực nhiều giải pháp chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị huyện. Đồng thời, chọn thực hiện điểm tại 3 xã về chuyển đổi số, gồm xã Xích Thổ, Đồng Phong và thị trấn Nho Quan.
Để triển khai chuyển đổi số thành công trên 3 lĩnh vực về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, huyện Nho Quan đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng Internet, sử dụng hệ thống quản lý văn bản điều hành; hệ thống thông tin báo cáo; hệ thống một cửa điện tử. Phần mềm quản lý tài sản, phần mềm tài chính - kế toán; hệ thống truyền thanh thông minh, sử dụng trí tuệ nhân tạo; hỗ trợ quảng bá, tiếp thị và bán các sản phẩm đặc trưng của địa phương trên môi trường mạng… Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số, đặc biệt là trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thị trấn Nho Quan.
Qua 1 năm triển khai thực hiện, kết quả tính đến tháng 10/2021, về phát triển chính quyền số, huyện đã chỉ đạo Bộ phận một cửa của huyện cập nhật 386 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận cấp huyện, cấp xã trên hệ thống một cửa điện tử, trong đó cung cấp dịch vụ công ở mức độ 4 là 206 thủ tục hành chính, mức độ 3 là 86 thủ tục hành chính.
Từ 01/01/2021 đến 10/11/2021, trên Hệ thống một cửa điện tử, đã tiếp nhận 30.875 hồ sơ, trong đó tiếp nhận trực tuyến 10.465 hồ sơ; 100% hồ sơ liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn, trong đó 66,8% giải quyết trước hạn; tăng cường sử dụng dịch vụ Bưu chính công ích để hạn chế việc người dân phải đến cơ quan nhà nước giải quyết thủ tục hành chính. Có 10.346 văn bản trao đổi trên hệ thống Quản lý văn bản và điều hành, hầu hết các văn bản điện tử trao đổi nội bộ đều áp dụng chữ ký số.
Đồng thời, sử dụng có hiệu quả hệ thống truyền hình hội nghị của huyện với 29 điểm cầu, trong đó cấp huyện là 02 điểm (Huyện ủy, UBND huyện); cấp xã là 27 điểm cầu. Nho Quan là một trong 2 huyện của tỉnh được thí điểm thực hiện dự án số hóa văn bản. UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn rà soát, thống kê số lượng văn bản còn hiệu lực chưa được số hóa để thực hiện số hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu theo đề án số hóa văn bản, hồ sơ thủ tục hành chính của tỉnh.
Về phát triển kinh tế số, xã hội số, đa số doanh nghiệp đã biết ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tình hình hoạt động mạng lưới Bưu chính, viễn thông ổn định. Tính đến 31/10/2021, tổng số thuê bao điện thoại đạt mật độ 75 thuê bao/100 dân; dịch vụ Internet băng thông rộng đến tất cả các thôn, bản trên địa bàn.
Ngành Giáo dục đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, trong tập huấn, bồi dưỡng giáo viên qua mạng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; áp dụng phần mềm quản lý viên chức; phần mềm phổ cập... Triển khai ứng dụng Zalo để thực hiện tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính (tra cứu mã hồ sơ, quét mã QR qua Zalo...), cung cấp thông tin chỉ đạo điều hành, các thông tin về kinh tế - xã hội nhanh chóng, hiệu quả…
Cùng với đó, huyện quan tâm phát triển hạ tầng, nền tảng số phục vụ chuyển đổi số. Trụ sở Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện đã được đầu tư đầy đủ các trang thiết bị theo yêu cầu, đặc biệt là Hệ thống lấy số tự động, hệ thống đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân; máy quét mã vạch, máy Scan; máy tính, máy in, camera...
Các xã đã quan tâm bố trí nơi làm việc của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tương đối đảm bảo về diện tích, lắp đặt hệ thống camera giám sát, hệ thống máy tính, máy in, máy photo, máy scan đáp ứng nhu cầu công việc.