Từ năm 2013 đến nay, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện đã đạt được kết quả thiết thực, đảm bảo vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm, nhất là môi trường không khí ở cụm công nghiệp. Đặc biệt, các khu vực trọng điểm như Nhà máy chế biến tinh bột sắn ở xã Sơn Lai; cơ sở sản xuất rau gia vị của Công ty TNHH Hoàng Lê ở xã Sơn Hà (nay chuyển nhượng cho Công ty TNHH thiên nhiên xanh); các trang trại chăn nuôi gia súc trên địa bàn... đã tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường, không gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.
Ông Trịnh Đức Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Khi thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn, UBND huyện yêu cầu các dự án được phê duyệt, đầu tư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải đảm bảo cơ sở pháp lý, có cam kết bảo vệ môi trường được cấp thẩm quyền phê duyệt trước khi đi vào hoạt động.
Từ năm 2013 đến nay, đã có 26 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở chăn nuôi gia súc trên địa bàn ký cam kết bảo vệ môi trường; 10 dự án đầu tư của tổ chức được phê duyệt có báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đi vào hoạt động.
Phê duyệt đề án bảo vệ môi trường đơn giản cho 3 cơ sở đã đi vào hoạt động. Qua đó từng bước nâng cao hiệu quả phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến môi trường.
UBND huyện đã tập trung xây dựng 8 bãi rác trung chuyển ở các khu trung tâm trên trục đường 477, 479, 12B để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Công tác quản lý chất thải, tỷ lệ chất thải ở đô thị được thu gom đạt 87%. Việc thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện từng bước được nâng cao.
Cùng với công tác bảo vệ môi trường ở các khu vực trọng điểm, Nho Quan cũng đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường, kịp thời chấn chỉnh việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các cơ sở chăn nuôi gia súc, đưa hoạt động bảo vệ môi trường đi vào nề nếp.
Từ năm 2013 đến nay, đã tổ chức 29 cuộc kiểm tra về bảo vệ môi trường, xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với 1 cơ sở chăn nuôi gia súc của ông Bùi Văn Linh xã Xích Thổ và yêu cầu khắc phục tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường.
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra, kiểm soát môi trường định kỳ đối với 21 tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện.
Để khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân, UBND huyện đã thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hiện nay tỷ lệ người dân vùng nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 91%, tỷ lệ người dân ở đô thị sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%.
Công tác bảo vệ môi trường, cải tạo phục hồi môi trường trong và sau khai thác khoáng sản được đẩy mạnh. Một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn đã thực hiện Dự án cải tạo phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường ngày càng được đổi mới về hình thức, phong phú về nội dung. UBND huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn tổ chức các hoạt động hưởng ứng các sự kiện quan trọng về môi trường như: Ngày đất ngập nước thế giới; Ngày nước và khí tượng thế giới.
Chiến dịch Giờ Trái đất, Tuần Lễ quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, Ngày môi trường thế giới; Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương thế giới; Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn... bằng các hoạt động treo băngzôn, khẩu hiệu tuyên truyền về bảo vệ môi trường, tiến hành thu gom rác thải trên địa bàn, khơi thông dòng chảy và làm sạch dòng sông.
Qua các hoạt động đã nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, góp phần đưa hoạt động bảo vệ môi trường đi vào nề nếp, xây dựng ý thức tự giác bảo vệ môi trường cho mỗi người dân.
Tuy nhiên, theo ông Trịnh Đức Hưng, hiện nay nguồn lực phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường của huyện Nho Quan còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng với chức năng, nhiệm vụ theo yêu cầu.
Công tác bảo vệ môi trường bao gồm nhiều công việc có tính tổng quan, toàn diện và đặt ra nhiều vấn đề khó khăn như: công tác theo dõi kiểm soát ô nhiễm và giám sát môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học… nhưng nguồn lực để phục vụ công tác này còn hạn hẹp.
Đặc biệt, ở các xã, thị trấn hầu hết không có cán bộ chuyên môn về quản lý bảo vệ môi trường mà chủ yếu là kiêm nhiệm.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra tình hình bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng chưa được tiến hành thường xuyên và chặt chẽ do hạn chế về nhân sự, kinh phí và thời gian.
Do áp lực về tăng đầu tư, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động nên việc giải quyết các vấn đề môi trường tại địa phương chưa thực hiện kiên quyết.
Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh, cộng đồng dân cư, các đoàn thể, tổ chức xã hội nhằm nâng cao ý thức tự giác bảo vệ môi trường.
Giáo dục tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhân dân và cơ sở sản xuất, kinh doanh về công tác bảo vệ môi trường.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường. Chú trọng đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ chuyên môn, nhất là cán bộ thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát về môi trường.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường. áp dụng chế tài cụ thể, xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.
Bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên, tích cực trồng rừng, bảo vệ các loài động vật hoang dã quý hiếm, giảm thiểu sử dụng hóa chất trong canh tác nông nghiệp và môi trường thủy sản. ứng dụng công nghệ mới, công nghệ sạch về bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp và xử lý chất thải.
Bảo Yến