Là một huyện miền núi có địa hình tương đối phức tạp, phần lớn dân cư sống dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, trình độ dân trí không đồng đều nên phần nào ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân. Trước tình hình trên, Đảng bộ huyện Nho Quan đã ban hành các nghị quyết, chương trình hành động với những giải pháp cụ thể, phù hợp, nhằm khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân.
Theo đồng chí Quách Cương, Bí thư Huyện ủy Nho Quan, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXV, Huyện ủy đã xây dựng 8 chương trình, tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm nhằm phát huy tối đa lợi thế của địa phương, tạo động lực thúc đẩy KT-XH phát triển.
Để các chương trình nhanh chóng đi vào cuộc sống, Huyện ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tới các chi bộ, đảng bộ trực thuộc và các tầng lớp nhân dân. Trong đó xác định trọng tâm là nâng cao nhận thức, giúp cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ những thuận lợi, khó khăn, nhiệm vụ, chủ trương, giải pháp để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và củng cố hệ thống chính trị trong năm và cả nhiệm kỳ. Qua đó, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, phát huy được tính năng động, sáng tạo, đổi mới tư duy nhất là tư duy kinh tế, đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn mới.
Sau hơn 1 năm Nghị quyết đi vào cuộc sống, KT-XH của huyện đã có những chuyển biến rõ rệt. Thực hiện chương trình "Phát triển nông nghiệp, nông thôn", Nho Quan đã chỉ đạo các xã, vận động nhân dân mở rộng diện tích lúa cao sản, lúa chất lượng cao; tạo điều kiện về nguồn vốn, chuyển giao tiến bộ KHKT thúc đẩy nhanh việc hình thành các vùng chuyên canh cây màu, cây công nghiệp, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, chú trọng các loại con nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao. Đối với các xã vùng cao, huyện tập trung hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tận dụng điều kiện tự nhiên của địa phương để đưa cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như: cây dưa, cây lạc, cây mía, cây khoai lang, nuôi lợn, nuôi nhím, nuôi dê sinh sản...
Bên cạnh đó, huyện còn chuyển diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu sang trồng rừng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng tại các xã khó khăn như: Thạch Bình, Quảng Lạc, Kỳ Phú, Phú Long, Gia Lâm, tạo điều kiện để người dân yên tâm phấn khởi bám đất, bám rừng. Đối với những xã vùng đồng chiêm trũng, vùng phân lũ, chậm lũ, huyện Nho Quan đã chỉ đạo các địa phương xây dựng mô hình cá-lúa, mở rộng diện tích lúa tái sinh trên những diện tích chỉ canh tác được một vụ lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, trong năm 2011, tổng sản lượng lương thực có hạt của huyện đạt 86.390 tấn, tăng 3.193 tấn so với năm 2010, giá trị bình quân trên 1 ha canh tác đạt 36,4 triệu đồng. Chăn nuôi được đầu tư phát triển theo quy mô trang trại đem lại hiệu quả kinh tế cao, toàn huyện có trên 23 nghìn con bò (bò lai sind chiếm 50,7%), 85,5 nghìn con lợn, đàn dê 9,8 nghìn con, đàn gia cầm trên 577 nghìn con và 2.700 ha nuôi thủy sản.
Thực hiện chương trình "Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp", huyện đã tập trung phát triển các ngành nghề có thế mạnh của địa phương như: sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản, chế biến nông sản…, góp phần nâng tỷ trọng giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân địa phương. Năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện đạt 250 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2010, trong đó nhiều sản phẩm thế mạnh của địa phương đã đạt giá trị khá cao, tiêu biểu như: than, gạch đất nung, nước khoáng, gỗ ván ép... Bên cạnh đó, huyện còn có nhiều chính sách phù hợp nhằm từng bước huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp Sơn Lai - Sơn Hà; Phú Sơn - Lạc Vân; Xích Thổ - Gia Lâm.
Song song với đẩy mạnh phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền huyện Nho Quan còn tập trung nguồn lực thực hiện tốt chương trình "Phát triển văn hóa - xã hội". Trong đó, công tác giáo dục - đào tạo được đặt lên hàng đầu với việc thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu Quốc gia về duy trì, củng cố giữ vững phổ cập giáo dục, đề án kiên cố hóa trường lớp học, xây dựng các trường chuẩn Quốc gia. Công tác y tế, dân số, kế hoạch hóa gia đình tiếp tục được quan tâm và thực hiện có hiệu quả ở các cơ sở. Các hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra sôi nổi, rộng khắp với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tập trung tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Công tác giảm nghèo được coi trọng với việc triển khai đồng bộ các chính sách nhằm hỗ trợ về giống, vốn, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ xây mới nhà ở..., góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống dưới 12%.
Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" được người dân đồng tình hưởng ứng, ngày càng đi vào chiều sâu. Đến nay, toàn huyện có 33.733 hộ gia đình văn hóa, 238/286 nhà văn hóa thôn, bản; 302 làng, cơ quan, trường học văn hóa. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững, hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên...
Bằng những việc làm cụ thể, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã và đang được nhân dân các dân tộc trong huyện Nho Quan tích cực thực hiện. Đó sẽ là động lực quan trọng giúp Nho Quan hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2012, tạo tiền đề vững chắc để thực hiện tốt các mục tiêu phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh trong cả nhiệm kỳ.
Quốc Khang