Một trong những điểm đến hấp dẫn của du lịch Ninh Bình đối với du khách trong nước và quốc tế những năm gần đây là Khu du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Cúc Phương. Với diện tích trải rộng 100 ha, Cucphuong Resort và Cucphuong Villas tạo nên 1 tổ hợp giải trí và nghỉ dưỡng nhiều tiện ích, với vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng. Nét đặc sắc của khu nghỉ dưỡng là nằm trong vị trí đắc địa, liền kề với Vườn Quốc gia Cúc Phương và 3 sản phẩm độc đáo lôi cuốn, hấp dẫn du khách là nước khoáng nóng Cúc Phương, suối bùn khoáng thiên nhiên và bộ sưu tập đá cổ sinh, gỗ hóa thạch đầu tiên và đồ sộ nhất của Việt Nam hiện nay. Từ năm 2012, Cucphuong Resort-Spa đi vào hoạt động phục vụ khách du lịch. Với 71 phòng, trên 100 giường ngủ hiện đại và các phòng dịch vụ như nhà hàng á-Âu, bar-cà phê, khu chơi golf, tennis, phòng hội thảo, khu tắm ngâm và spa nước khoáng nóng, tắm ngâm thảo dược, thẩm mỹ, dịch vụ tắm bùn khoáng thiên nhiên, dịch vụ đốt lửa trại buổi tối..., cùng với đội ngũ nhân viên phục vụ đa phần là người bản địa đã cung cấp cho du khách những giá trị tốt nhất đến từ thiên nhiên hoang sơ. Du khách Hoàng Lê Nam (Quận Cầu Giấy-Hà Nội) cho biết: Được tham quan Vườn Quốc gia Cúc Phương và nghỉ ngơi tại địa điểm khá thuận lợi tại Cucphuong Resort-Spa, tôi rất thích không khí mát mẻ, thoáng đãng và các dịch vụ hiện đại của khu nghỉ dưỡng này, đặc biệt hoạt động đốt lửa trại vào buổi tối khá thú vị, ấn tượng, tạo sự gắn bó của tôi với nơi đây. Hy vọng tôi sẽ trở lại đây nhiều lần nữa. Từ những dịch vụ du lịch hiện đại đó, Cucphuong Resort đã thu hút lượng khách đến tăng cao qua các năm: năm 2010, có 8.460 lượt khách đến nghỉ dưỡng, trong đó có 215 lượt khách nước ngoài; 7 tháng đầu năm 2013, đã đón 6.021 lượt khách, trong đó có 76 lượt khách nước ngoài. Hàng năm, Cucphuong Resort giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Đồng chí Nguyễn Văn Khang, Phó phòng Văn hóa-Thông tin huyện Nho Quan cho biết: Hiện nay, huyện Nho Quan có 6 khu du lịch trọng điểm (Khu du lịch nghỉ dưỡng suối nước khoáng nóng Cúc Phương, Khu du lịch tắm ngâm nước khoáng nóng Cúc Phương, Vườn Quốc gia Cúc Phương, khu du lịch sinh thái hồ Đồng Chương, hang động Vân Trình, khu du lịch hồ Thường Xung) và 2 điểm du lịch sinh thái, tâm linh (khu du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh và bảo tồn thiên nhiên hồ Yên Quang, khu du lịch hang Bụt), hàng năm thu hút nhiều du khách trong nước và khách quốc tế khi đến tham quan, chiêm bái. Từ năm 2010-2012, Nho Quan đón trên 331.000 lượt khách, tăng trung bình hàng năm từ 8-10% tổng số khách tham quan, doanh thu 3 năm đạt 21 tỷ 500 triệu đồng.
Riêng 6 tháng đầu năm 2013, huyện đón trên 11.000 lượt khách, doanh thu đạt trên 8 tỷ đồng. Có được kết quả đó là do những năm qua, huyện Nho Quan đã quan tâm, chỉ đạo, thực hiện Nghị quyết 15 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch. Trong đó, tập trung vào việc tuyên truyền, nâng cao kiến thức về văn minh du lịch, xây dựng phong cách phục vụ chuyên nghiệp, nhất là thái độ giao tiếp của những người làm du lịch địa phương. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, khai thác các tài nguyên du lịch nhân văn phi vật thể gắn với đặc trưng văn hóa dân tộc Mường được huyện chú trọng, đã từng bước đưa các dịch vụ du lịch hiện đại, chuyên nghiệp tới du khách khi đến với du lịch bản địa nơi đây...
Bên cạnh đó, huyện Nho Quan cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư và hoàn thiện các khu du lịch trên địa bàn như Khu du lịch nghỉ dưỡng suối nước khoáng nóng Cúc Phương, tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện sân golf và các hạng mục công trình khác của Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Chương, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ công tác phát triển du lịch tuyến hồ Thường Xung, hồ Yên Quang, hoàn thiện cơ sở vật chất khu du lịch hang Bụt… Đồng thời, tăng cường quản lý Nhà nước về du lịch theo hướng du lịch văn hóa kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch hang động. Khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh du lịch phát triển đa dạng nhiều loại hình du lịch hấp dẫn du khách như loại hình du lịch phát huy thế mạnh của địa bàn vùng núi, bản sắc văn hóa dân tộc, kết hợp du lịch với giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa tại Bảo tàng cách mạng Quỳnh Lưu, Đình Mống Lá (xã Yên Quang), Nhà bia tưởng niệm Bác Hồ (xã Lạng Phong)... Qua đó, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền trống của dân tộc, của địa phương, vừa thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế đến với Ninh Bình.
Với tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú, nhưng hiện nay hiệu quả kinh doanh du lịch của huyện tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn thấp, chất lượng dịch vụ chưa cao, chưa thu hút được khách lưu trú dài ngày do thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí, số lượng khách quốc tế còn chiếm tỷ trọng thấp. Hiện nay, toàn huyện mới chỉ có 24 cơ sở lưu trú, trong đó chỉ có 4 cơ sở được xếp hạng từ 1- 2 sao; 15/24 cơ sở lưu trú được cấp biển hiệu và được công nhận là cơ sở lưu trú. Cùng với đó, việc quảng bá, xúc tiến chưa phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức; nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu, sản phẩm du lịch chưa đa dạng, thiếu hấp dẫn, tiến độ hoàn thành các dự án nâng cấp, hoàn chỉnh các khu du lịch trọng điểm trên địa bàn huyện còn chậm tiến độ...
Vì vậy, để phát triển du lịch theo hướng bền vững và khai thác triệt để hiệu quả của ngành công nghiệp "không khói" giàu tiềm năng này, trong thời gian tới, huyện Nho Quan quan tâm đầu tư phát triển đồng bộ, hoàn chỉnh cơ sở vật chất, kỹ thuật của các điểm du lịch và cơ sở hạ tầng phục vụ ngành du lịch; nâng cấp, hoàn chỉnh các khu, tuyến du lịch trọng điểm như: dự án tuyến hồ Yên Quang - đình Mống Lá, tuyến hồ Thường Xung với khu du lịch sinh thái Cúc Phương (với sản phẩm là vui chơi bằng xe ngựa, du thuyền, câu cá); dự án du lịch đường sông Nho Quan - động Vân Trình bằng tàu thủy, kết hợp xây dựng khu công viên vui chơi thể thao, giải trí thị trấn Nho Quan; đầu tư nâng cấp các điểm di tích lịch sử khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu, đền Phủ Đồi Ngang, Quèn Thạch, quy hoạch phục vụ khách du lịch tâm linh; hoàn chỉnh khu du lịch hang Bụt, Đồi Thờ nối liền với khu du lịch Tràng An - Bái Đính. Bên cạnh đó, Nho Quan cần phải xây dựng và tạo ra những sản phẩm độc đáo của địa phương thông qua việc khôi phục và đẩy mạnh phát triển các sản phẩm của các làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống như: thêu ren, gốm, mộc, đá mỹ nghệ... và những phong tục tập quán, các lễ hội văn hóa dân gian, bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Mường, tạo ấn tượng và thu hút du khách đến với địa phương.
Hồng Vân