Chuẩn bị cho Lễ khai giảng năm học mới, các buổi sáng, cô và trò Trường Tiểu học Phú Sơn cùng giảng dạy và học tập bình thường, buổi chiều, các em được hướng dẫn vệ sinh lớp học, sân trường và tập luyện nghi thức Đội, các tiết mục văn nghệ biểu diễn trong ngày khai giảng. Em Đinh Thị Hải Hà, học sinh lớp 5 cho biết: Sau gần 3 tháng nghỉ hè, chúng em cảm thấy rất nhớ trường, nhớ lớp, nhớ thầy cô, bạn bè. Lịch tập trung từ giữa tháng 8, chúng em đã đến trường nhận lớp mới, gặp mặt cô giáo dạy mình, sau đó vào học chính khóa. Thời gian này chúng em vừa học, vừa được tổ chức các hoạt động chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới, thật là vui và háo hức. Theo cô giáo Phan Việt Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Sơn: Bước vào năm học mới này, cô và trò nhà trường vui hơn khi trường đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Trước đó, nhà trường huy động xã hội hóa và các nguồn ngân sách hàng trăm triệu đồng để sửa chữa, xây mới hoàn thiện các hạng mục công trình cần thiết như nhà vệ sinh, khuôn viên cây xanh, trang trí khẩu hiệu; đồng thời trang bị đầy đủ bàn ghế, phòng máy tính, quạt mát, thư viện…. theo đúng các văn bản hướng dẫn. Năm học 2016-2017 này, nhà trường có 310 học sinh, chia thành 10 lớp, trong đó có 72 học sinh vào lớp 1, tỷ lệ huy động đạt 100% độ tuổi đến lớp. Với cơ sở vật chất đầy đủ, phòng học đạt tiêu chuẩn, đội ngũ giáo viên hăng say, yêu nghề, các em học sinh hiếu học, chăm ngoan… là điều kiện cần và đủ để nhà trường phấn đấu đạt được những kết quả cao hơn trong năm học mới.
Không có được sự thuận lợi như Trường Tiểu học Phú Sơn, bước vào năm học mới này Trường THCS Lạc Vân còn bộn bề khó khăn, thiếu thốn. Lạc Vân là xã thuộc vùng xả lũ của huyện Nho Quan, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, việc quan tâm đầu tư cho con em học tập còn có mức độ. Đối với nhà trường, cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu thốn và không đồng bộ. Hiện 5 phòng chức năng đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ bị sập được nhà trường niêm phong chờ sửa chữa. Các phòng máy vi tính, thư viện, thí nghiệm… phải di chuyển lên tầng 2 của dãy nhà cao tầng duy nhất để đảm bảo an toàn. Vốn không có nhà hiệu bộ, phòng làm việc của cán bộ, giáo viên phải dùng chung để đảm bảo đủ lớp học cho học sinh. Tuy nhiên, hiện còn 3 lớp của học sinh vẫn phải học ở dãy nhà cấp 4 đã xuống cấp, được lợp tôn tạm bợ rất nóng về mùa hè và không đảm bảo khi mùa mưa.
Thầy giáo Nguyễn Đức Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Vân chia sẻ: Khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng đội ngũ thầy, cô giáo và các em học sinh nơi đây luôn nỗ lực hết mình để đạt kết quả dạy và học cao nhất. Không ít người bất ngờ khi ngôi trường còn khó khăn, thiếu thốn như vậy lại luôn đạt được những thành tích đáng kể: Năm học 2015-2016, Trường xếp thứ 54/142 trường trong tỉnh về tổng điểm thi đỗ vào lớp 10 THPT; xếp thứ 4/27 trường THCS của huyện Nho Quan; năm nào cũng có giải học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; dẫn đầu phong trào KHKT của huyện với nhiều sáng kiến, cải tiến trong giảng dạy và học tập. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngoài tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyên đề còn nỗ lực tự học tập vươn lên, đạt thành tích cao trong các hội thi, cuộc thi.
Bước vào năm học mới 2016-2017, Trường THCS Lạc Vân có 267 học sinh của 8 lớp học. Trước những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, Trường THCS Lạc Vân mong muốn được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa, bổ sung các phòng học kiên cố, các phòng bộ môn, hệ thống tường bao, công trình phụ trợ… đảm bảo an toàn và đủ điều kiện cho việc dạy và học tại trường, hướng tới mục tiêu xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia.
Đồng chí Trần Trọng Am, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nho Quan cho biết: Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về các điều kiện phục vụ cho việc dạy và học nhưng năm học 2015-2016, kết quả dạy và học của huyện Nho Quan vẫn đạt được thành tựu đáng mừng. Số trẻ được huy động đến trường mầm non tiếp tục tăng với gần 53% trẻ mầm non, hơn 97% trẻ mẫu giáo; đồng thời duy trì 99,5% trẻ 5 tuổi đến trường. Hiện toàn huyện có 67/81 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt gần 83%, trong đó có 11 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt gần 88%. Trong năm học vừa qua, cùng với sự đầu tư của Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đã tiết kiệm chi và bằng nguồn xã hội hóa mua sắm, sửa chữa, tăng cường cơ sở vật chất trị giá gần 4,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bước vào năm học mới, vẫn còn nhiều trường học gặp khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp. Hiện toàn ngành còn gần 300 phòng học, phòng chức năng là nhà cấp 4; trong đó nhiều phòng đã xuống cấp cần được đầu tư xây mới hoặc sửa chữa. Nguyên nhân là do đặc thù địa hình miền núi rộng, người dân ở xa nhau, các xã có nhiều điểm trường nhỏ lẻ, nhất là cấp học mầm non, do đó việc đầu tư xây dựng gặp khó khăn. Công tác xã hội hóa giáo dục còn hạn chế do đời sống người dân chủ yếu bằng nông nghiệp, thường xuyên bị thiên tai lũ lụt, hạn hán. Thêm vào đó, vài năm gần đây, các chương trình hỗ trợ theo dự án, đề án của Trung ương, của các tổ chức chính trị - xã hội đối với miền núi hầu như không còn, do đó việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học càng gặp khó khăn hơn…
Theo đồng chí Đinh Văn Trang, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan: Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng huyện Nho Quan xác định, cùng với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, huyện rất quan tâm đầu tư cho giáo dục và y tế. Theo đó, mỗi năm, huyện tiết kiệm ngân sách đầu tư trên dưới 20 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất giáo dục, tuy nhiên chưa tương xứng với nhu cầu thực tế. Chuẩn bị cho năm học 2016-2017, UBND huyện đã có công văn yêu cầu UBND các xã, thị trấn, phòng Giáo dục và Đào tạo và các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn tổ chức kiểm tra, rà soát các điều kiện cơ sở vật chất hiện có của các nhà trường trên địa bàn quản lý, đặc biệt là khối phòng học, phòng làm việc của cán bộ, giáo viên và những hạng mục công trình xây dựng đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ mất an toàn cho giáo viên và học sinh để chủ động bố trí, sắp xếp cho phù hợp. Trong điều kiện có thể kịp thời sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ năm học mới; đồng thời lập kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thay thế trong giai đoạn tới. Đối với những phòng không đảm bảo an toàn, trong khi chờ xây dựng, bố trí ở dồn, ghép, bố trí học 2 ca, ưu tiên đảm bảo phòng học kiên cố cho học sinh.
Cùng với sự đầu tư của huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học, cùng với việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đầu tư cơ sở vật chất, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực để phát triển giáo dục, từng bước đảm bảo trường có đủ phòng học, phòng chức năng và phòng bộ môn; củng cố, nâng cao mức chuẩn các trường đã đạt chuẩn Quốc gia gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đồng thời tham mưu điều chỉnh Đề án quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn đến năm 2030 cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Tham mưu với UBND các cấp thực hiện Nghị định số 16 ngày 14-2-2015 của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập…
Mỹ Hạnh