Đời sống kinh tế của nhân dân, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn, do đó việc quan tâm đến sự học, nhất là bậc học mầm non còn có mức độ. Tuy nhiên, những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng của các thầy, cô giáo và sự vào cuộc của toàn xã hội, chất lượng Giáo dục và Đào tạo bậc học mầm non của huyện đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi và ngày càng khởi sắc.
Trường Mầm non Thạch Bình tổ chức khai giảng năm học mới 2013 - 2014 trong một ngày trời mưa khá lớn. Mặc dù khó khăn về điều kiện đi lại, song các bậc phụ huynh vẫn bố trí thời gian, công việc nhà nông đưa con em đến trường khai giảng khá đông đủ, sân trường rộn rã tiếng cười đùa của các em nhỏ. Vui hơn khi năm học này, Trường Mầm non Thạch Bình đón gần 700 cháu trong độ tuổi mẫu giáo đến trường, tăng so với năm học trước và đạt 100% số trẻ 5 tuổi, trên 90% số trẻ dưới 5 tuổi đến trường đúng độ tuổi. Có được kết quả đó, những năm qua, các cấp, các ngành và toàn xã hội đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ngày càng khang trang, đầy đủ; đội ngũ giáo viên đạt trình độ chuẩn, đáp ứng yêu cầu chăm sóc và giáo dục trẻ… qua đó thu hút sự quan tâm của cha mẹ và các em nhỏ đến trường.
Tuy nhiên, theo cô giáo Nguyễn Thị Loan, giáo viên Trường Mầm non Thạch Bình, để thu hút được trẻ em tới trường và tới trường đúng độ tuổi là một điều không hề đơn giản đối với một địa phương có diện tích rộng, đường sá đi lại khó khăn, đặc biệt ở các thôn, xóm, bản làng vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn như Thạch Bình. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh bằng các hình thức, qua các phương tiện truyền thông đại chúng, đài truyền thanh 3 cấp, thậm chí là trực tiếp đi đến từng hộ gia đình vận động phụ huynh đưa con tới trường.
Với đặc điểm của trẻ em vùng cao thường được cha mẹ cho tự chơi tại gia đình hoặc theo cha mẹ đi làm, khi tuyên truyền để các gia đình đưa con tới trường học là một điều không dễ dàng, nhưng với sự tận tình, tâm huyết với nghề của các giáo viên cùng sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã làm thay đổi nhận thức của nhiều cha mẹ học sinh ở vùng cao. Đa số các bậc phụ huynh khi được tuyên truyền, vận động đều đồng tình, ủng hộ việc đưa con cháu tới trường để được chăm sóc và giáo dục trong những điều kiện phù hợp với sự phát triển của các bé theo đúng độ tuổi.
Đồng chí Phạm Văn Đại, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nho Quan cho biết: Hiện nay, riêng bậc học mầm non, huyện Nho Quan có 27 trường công lập với 64 điểm trường, 279 nhóm lớp nhà trẻ và mẫu giáo, trong đó huy động số trẻ đến nhà trẻ đạt trên 55%; mẫu giáo huy động đạt 97% dân số độ tuổi, trong đó mẫu giáo 5 tuổi có 71 lớp, huy động đạt 100% dân số độ tuổi. Có 15/27 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, đạt 55,6%. Các phòng học dành cho lớp 5 tuổi đều cao tầng, kiên cố hoặc bán kiên cố với đầy đủ bàn ghế được trang bị đúng quy định, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi đảm bảo đủ các danh mục, phục vụ tốt công tác chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non nói chung, trẻ em 5 tuổi nói riêng. Đội ngũ cán bộ, giáo viên mầm non tương đối đầy đủ. 100% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo, trong đó trình độ trên chuẩn đạt trên 74%. 142 giáo viên nuôi dạy lớp 5 tuổi đều trong biên chế, đạt trình độ chuẩn, trong đó trên chuẩn đạt 93,7%...
Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc và nuôi dạy trẻ, huyện Nho Quan đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, mua sắm trang thiết bị cho các trường mầm non. Từ năm 2010 đến nay, huyện Nho Quan đã đầu tư trên 53 tỷ đồng cho các trường mầm non; trong đó đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp trên 44 tỷ đồng, mua sắm trang thiết bị gần 9 tỷ đồng. Riêng đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp và mua sắm thiết bị cho trẻ 5 tuổi đạt trên 20 tỷ đồng. Đến nay, số lớp 5 tuổi có đủ phòng học đạt yêu cầu chuẩn là 69/71 phòng, đạt 97%.
Ngoài sự quan tâm, tạo điều kiện của Sở giáo dục và đào tạo, UBND huyện Nho Quan, các trường mầm non còn tích cực đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để mua sắm các thiết bị đồ dùng phục vụ công tác phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi. Tháng 4-2013, huyện Nho Quan đã đạt các điều kiện và tiêu chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi theo Thông tư số 32/2010/TT-BGDĐT ngày 02-12-2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Tuy đạt được những kết quả bước đầu trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, nhưng Nho Quan vẫn là huyện miền núi còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp, nhiều xã có địa bàn rộng ảnh hưởng đến việc đi học của các cháu, đội ngũ giáo viên còn thiếu….; đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội quan tâm, đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, nhất là bậc học mầm non.
Trong năm học 2013-2014, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Nho Quan đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng 3 trường học đạt chuẩn Quốc gia, trong đó có 2 trường mầm non. Duy trì, củng cố và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, ưu tiên đầu tư kinh phí xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất và các trang thiết bị cho công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Phát triển đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, tuyển thêm giáo viên, nhân viên kế toán, y tế cho các trường học. Duy trì 100% trẻ em 5 tuổi ra lớp, tỷ lệ chuyên cần đạt trên 96%; 100% trẻ em 5 tuổi được học 2 buổi/ngày; 100% trẻ được học theo Chương trình giáo dục mầm non mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ 5 tuổi, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 6%, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi xuống dưới 7%, thực hiện tốt việc đánh giá trẻ theo Bộ chuẩn phát triển năm tuổi…
Mỹ Hạnh