Là xã vùng cao của huyện Nho Quan, hiện Thạch Bình có trên 1.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó rừng sản xuất là 600 ha, còn lại là rừng phòng hộ và rừng khoanh nuôi núi đá. Vào mùa hanh khô, xã Thạch Bình có trên 20 ha khu rừng đồi thông nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Bên cạnh nguyên nhân khách quan do thời tiết nắng hạn, hanh khô kéo dài, còn có nguyên nhân chủ quan từ con người, như đốt cỏ để chăn nuôi, hun khói lấy mật ong, khai thác gỗ, chặt củi trái phép... Để bảo vệ tốt diện tích rừng thông ở khu vực cảnh báo có nguy cơ cháy cao và bảo vệ diện tích rừng trồng và rừng phòng hộ, xã Thạch Bình đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới nhân dân, nâng cao nhận thức trong công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường tuần tra, kiểm soát phát hiện và xử lý kịp thời các tình huống xảy ra.
Anh Đào Văn Lập, thôn Bãi Lóng, xã Thạch Bình cho biết: Gia đình tôi nhận trồng 1 ha keo và khoanh nuôi, bảo vệ hơn 2 ha rừng thông. Được khuyến cáo, cây thông là một trong những loại cây dễ cháy, nhất là vào mùa hanh khô, do đó gia đình tôi cắt cử nhau thường xuyên kiểm tra số diện tích nhận chăm sóc, bảo vệ để kịp thời phát hiện những khu vực nguy cơ dễ xảy ra cháy rừng. Thường xuyên cắt tỉa, phát quang những cành cây thấp, tạo độ thông thoáng để cây phát triển. Đồng thời nắm bắt thời tiết, lắng nghe thông báo trên đài truyền thanh của xã những cấp độ có thể xảy ra cháy rừng để có biện pháp phòng, chống kịp thời…
Đồng chí Đinh Ngọc Nhiên, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bình cho biết: Là xã có diện tích rừng nhiều, trong đó chủ yếu là cây keo tai tượng và thông dễ xảy ra cháy, nhất là vào mùa hanh khô. Để nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống cháy rừng, hàng năm xã đều chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ và phát triển rừng, tổ chức ký cam kết thực hiện nội quy, quy chế phòng cháy, chữa cháy rừng, nâng cao nhận thức của người dân và chủ rừng. Ngay từ đầu mùa hanh khô, Ban lâm nghiệp xã phối hợp chặt chẽ với cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện phụ trách địa bàn xuống từng hộ dân hướng dẫn nhân dân phương pháp cắt tỉa, đốn củi, phát quang bụi rậm, hun khói lấy mật ong… an toàn, yêu cầu các hộ trồng rừng và khoanh nuôi rừng chấp hành nghiêm túc những quy định về phòng, chống cháy rừng; đồng thời có sự chuẩn bị khi tình huống cháy rừng không may xảy ra… Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhiều năm nay trên địa bàn xã Thạch Bình không xảy ra vụ cháy rừng, kể cả rừng sản xuất và rừng khoanh nuôi, bảo vệ.
Theo số liệu thống kê của Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng huyện Nho Quan, toàn huyện hiện có hơn 18.300 ha rừng, trong đó có 11.350 ha rừng đặc dụng, gần 3.200 ha rừng phòng hộ, trên 2.800 ha rừng sản xuất. Số vụ cháy rừng xảy ra từ năm 2006 đến hết năm 2013 là 11 vụ, tổng diện tích thiệt hại là 7,5 ha. Thời tiết khô hanh kéo dài khiến nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất lớn. Với quyết tâm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra và không để cháy rừng xảy ra trên địa bàn, huyện Nho Quan đã xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2012-2015. Theo đó, huyện đã xác định 4 trọng điểm có thể xảy ra cháy, cần triển khai đồng bộ các giải pháp ở các khu vực này, bao gồm: vùng đệm Vườn Quốc gia Cúc Phương gồm các xã Kỳ Phú, Phú Long, chủ yếu là rừng khoanh nuôi núi đá; rừng trồng Thông nhựa, khu vực hồ Đồng Chương, thuộc các xã Phú Lộc, Kỳ Phú; khu đồi Thông thuộc các xã Quảng Lạc, Quỳnh Lưu và Phú Long, chủ yếu là rừng trồng thông nhựa và vùng giáp ranh với các xã của huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình), gồm các xã Thạch Bình, Xích Thổ, chủ yếu là rừng trồng thông nhựa lớn, rừng keo tai tượng và rừng khoanh nuôi tái sinh trên núi đá. Từ đó, huyện đã chỉ đạo các đơn vị có rừng chủ động xây dựng phương án và kịp thời đề ra được các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng trên cơ sở sử dụng tối đa và phát huy thế mạnh của địa phương theo phương châm "4 tại chỗ" .
Hạt Kiểm lâm huyện cũng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt kiểm tra việc triển khai phương án phòng, chống cháy rừng tại các xã vùng cao có nhiều diện tích trồng rừng, đặc biệt là các trọng điểm có thể xảy ra cháy rừng, kiểm tra công tác chuẩn bị, đảm bảo đầy đủ lực lượng, phương tiện, thiết bị, hậu cần phục vụ nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời qua các đợt kiểm tra gắn với việc tuyên truyền để người dân và chủ rừng hiểu được quyền lợi, trách nhiệm trong việc phòng, chống cháy rừng, góp phần nâng cao thu nhập từ kinh tế lâm nghiệp và bảo vệ tài sản của Quốc gia. Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các địa phương giám sát chặt chẽ việc đốt dọn, xử lý thực bì rừng trồng, đảm bảo không để cháy lan. Lực lượng Kiểm lâm huyện đã phối hợp tổ chức tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy rừng, xây dựng và lắp biển dự báo cháy rừng, biển tuyên truyền bảo vệ rừng, tổ chức tuần tra các khu vực trọng điểm dễ cháy. Đồng thời gắn quyền lợi, trách nhiệm của người dân, chủ rừng đến các hộ dân và cộng đồng, góp phần nâng cao thu nhập từ kinh tế lâm nghiệp cho người dân và bảo vệ tài sản của Quốc gia.
Bên cạnh những biện pháp đã triển khai xuống cơ sở, hiện nay công tác phòng, chống cháy rừng ở địa phương cũng gặp những khó khăn khi mà dụng cụ phòng cháy, chữa cháy còn thiếu và thô sơ, kinh phí triển khai tuyên truyền rất ít, chủ yếu là phối hợp tuyên truyền lồng ghép nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao.
Mặc dù còn gặp những khó khăn nhất định trong công tác phòng, chống cháy rừng ở địa phương, nhưng với việc chủ động phòng ngừa cháy rừng, huyện Nho Quan quyết tâm triển khai có hiệu quả công tác này, hạn chế tới mức thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn trong mùa hanh khô năm nay, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có và diện tích rừng trồng của nhân dân …
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh