Đồng chí Trần Văn Dưỡng, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Nho Quan cho biết: Những năm gần đây, nhân dân huyện Nho Quan tập trung phát triển ngành nghề chăn nuôi, khiến quy mô đàn gia súc, gia cầm của địa phương phát triển mạnh. Hiện nay, huyện Nho Quan có trên 180 nghìn con gia súc và gần 1 triệu con gia cầm. Chăn nuôi trở thành một trong những nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây, do đó công tác phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp coi là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục. Mùa đông nhiệt độ xuống thấp, rét đậm, rét hại là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát triển trên gia súc, gia cầm, nhất là dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng, tụ huyết trùng ở trâu, bò.
Để chủ động các biện pháp chống rét cho đàn gia súc, gia cầm, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo trạm thú y và cán bộ thú y các xã, thị trấn phối hợp với thôn bản tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác tiêm phòng vụ thu - đông, nhằm tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Đến thời điểm này, toàn huyện đã tiêm được 14.000 liều vắc xin lở mồm, long móng, đạt 172% kế hoạch, trên 1.500 liều tụ huyết trùng, gần 32.000 liều vắc xin dịch tả lợn, trên 576.000 liều vắc xin cúm gia cầm. Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân, đặc biệt là các xã vùng cao đảm bảo đủ ấm đối với đàn gia súc già, yếu; đàn gia cầm non, cần có chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp để tăng sức đề kháng đối với dịch bệnh và đói rét.
Đặc biệt, vận động các hộ dân tuyệt đối không thả rông trâu, bò khi thời tiết rét đậm, nhiệt độ xuống thấp, chuẩn bị đầy đủ các loại thức ăn cho đàn gia súc. Huyện cũng cử cán bộ xuống nắm tình hình tại các địa phương, hộ gia đình để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc người dân che chắn, vệ sinh chuồng trại luôn bảo đảm sạch sẽ, khô ráo, lót ấm nền chuồng bằng rơm rạ. Từ việc tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đã có ý thức hơn trong việc chủ động phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm của gia đình.
Tại xã Cúc Phương (Nho Quan), do đặc điểm địa hình vùng cao nên khi thời tiết chuyển rét, nhiệt độ ở đây thường thấp hơn các địa phương khác, có ngày, nhiệt độ ở đây dưới mức 9 độ C. Chính vì vậy, để đảm bảo sức đề kháng cho 1.000 con trâu, bò, 359 con hươu, đàn dê 781 con, đàn nhím 263 con, hơn 655 đàn ong và trên 20.000 con gia cầm, cấp ủy, chính quyền xã Cúc Phương đã tăng cường chỉ đạo các ngành, đoàn thể tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm.
Đồng chí Đinh Thị Văn, Bí thư Đảng ủy xã Cúc Phương cho biết: Cán bộ thú y xã thường xuyên viết bài hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh, tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã. Để sâu sát hơn nữa, các cán bộ trực tiếp xuống tận nơi để hướng dẫn, đôn đốc nhân dân che chắn chuồng trại, đảm bảo đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt, làm ẩm ướt chuồng trại; vận động người dân tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, tăng khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe cho đàn gia súc. Đồng thời khuyến cáo bà con theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, thường xuyên kiểm tra sức khỏe đàn vật nuôi để phòng, chống dịch bệnh kịp thời, khi nhiệt độ xuống thấp tuyệt đối không chăn thả gia súc.
Thực hiện tốt theo hướng dẫn kỹ thuật của các cấp, các ngành chuyên môn địa phương, đàn vật nuôi của gia đình anh Đinh Văn Tuấn, bản Sấm 3, xã Cúc Phương hiện đang khỏe mạnh, phát triển tốt. Anh Tuấn cho biết: Qua nghe thông tin trên phương tiện đại chúng về tình hình thời tiết rét đậm, gia đình tôi đã chủ động chuẩn bị nilon, vải bạt quây kín chuồng trại bảo vệ cho 20 con dê và 6 con bò của gia đình. Vào những ngày giá rét, tôi không chăn thả gia súc vào sáng sớm và khi quá lạnh; chuồng trại được vệ sinh sạch sẽ. Ngoài thức ăn là cỏ khô, để tăng sức đề kháng cho đàn gia súc, tôi cho đàn vật nuôi uống thêm nước muối ấm.
Còn tại xã Đồng Phong, trong những ngày rét đậm này, các hộ chăn nuôi cũng chủ động quây kín chuồng trại, giữ ấm cho đàn vật nuôi của gia đình. Gia đình chị Đinh Thị Xá, thôn Phong Thành là một trong những hộ gia đình chăn nuôi gà thương phẩm với số lượng lớn trên 5.000 con. Chị Xá cho biết: Chăn nuôi đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Do vậy, trước khi bước vào mùa đông, gia đình đã chuẩn bị đầy đủ bạt để che chắn, quây kín chuồng trại và đầy đủ các loại thức ăn tinh như sắn, ngô, cám để đảm bảo cho gà. Nhờ có sự chủ động đó nên đàn vật nuôi của gia đình chị luôn phát triển khỏe mạnh, không bị dịch bệnh, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho đợt Tết Nguyên đán sắp tới gần.
Việc chủ động, tích cực trong chỉ đạo của chính quyền địa phương cộng với ý thức của người dân trong việc phòng, chống rét cho đàn vật nuôi sẽ hạn chế thấp nhất các thiệt hại do tác động của thời tiết gây ra, bảo đảm lợi ích kinh tế cho người dân.
Bài, ảnh: Thái Học