Năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, tôi lại nao nao nhớ về Tết quê xưa với những chộn rộn buồn vui khó tả. Ngày ấy, cả nước đang phải gồng mình chống trả chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Cuộc sống chiến tranh thời bao cấp vô cùng vất vả. Mặc dù vậy, mỗi dịp Tết đến, gia đình nào cũng cố lo cho con cái được hưởng trọn vẹn cái phong vị của ngày Tết. Nhưng dạo ấy, làm sao chúng tôi hiểu được để lo một cái Tết đơn giản cho cả nhà, bố mẹ đã phải tính toán, tiết kiệm chi tiêu vất vả tới mức nào?
Bọn trẻ chúng tôi đứa nào cũng háo hức và mong Tết đến cháy lòng. Chỉ đơn giản là để được mặc quần áo mới, được đi chơi thỏa thích, được thưởng thức mùi vị bánh chưng và thích nhất là được nhận tiền mừng tuổi. Có nhiều nhặn gì đâu, chỉ năm xu một hào nhưng với tôi đó là món quà quý lắm, vì nó đúng với ý nghĩa được "mừng tuổi", được nhận may mắn trong suốt một năm. Còn bây giờ, xã hội có nhiều thay đổi, giá trị quà mừng tuổi lớn hơn, có khi nó vượt ra ngoài phạm vi "mừng tuổi". Vậy nên, đối với trẻ con, sự tôn trọng của chúng với người thân, với khách của bố mẹ, nhiều khi tùy thuộc vào giá trị của phong bao "lì xì". ý nghĩa tốt đẹp của một tập quán đang bị mai một đi, có khi còn bị lợi dụng cho những mục đích khác. Thật buồn…
Nhà tôi có thói quen mỗi khi Tết đến, bố lại dẫn chúng tôi đi chọn mua tranh, câu đối về treo đầy nhà. Thật lạ, nhà thì nhà tranh vách đất thôi, vậy mà sau khi trang hoàng, sắp xếp lại, tôi cứ ngỡ mình được dọn sang nhà mới. Tôi ngầm hãnh diện vì bố luôn chiều theo ý tôi. Mua gì, treo ở đâu, bố luôn hỏi ý kiến tôi và cho tôi quyền quyết định. Không khí chuẩn bị Tết xưa chỉ đơn giản như vậy, nhưng trong lòng tôi luôn cảm thấy náo nức và ấm cúng lạ lùng! Tôi nhớ ngày xưa, không sẵn đào, quất, mai… như bây giờ. Nhà cửa chỉ trang trí bằng câu đối, tranh ảnh và thêm lọ hoa tươi hái ở vườn nhà cũng đã thấy rộn ràng không khí Tết rồi.
Sau khi lo Tết " tinh thần" tạm ổn, cả nhà tôi lại xúm xít chuẩn bị cho Tết "vật chất". Công việc chúng tôi yêu thích nhất là gói bánh chưng. Gói bánh tuy tất bật, vất vả nhưng nó gắn kết những thành viên trong gia đình. Chúng tôi được giao mỗi người một việc. Tôi thường được mẹ sai rửa lá dong, bóc hành, giã đỗ. Nhưng tôi thích nhất là công đoạn gói bánh của bố, nên cứ ngồi chầu rìa xem bố gói và để được bố sai vặt, đợi có cơ hội thì bắt chước. Có lần bố đang gói thì có khách, tôi chỉ chờ có thế vội ngồi vào làm tiếp công việc dang dở của bố. Tra gạo, đỗ, thịt thì không có vấn đề gì. Nhưng đến công đoạn gói, thì tôi không biết buộc lạt thế nào cho chặt, nên cứ lóng nga lóng ngóng. May thay bố đã trở lại, giúp tôi với một lời (không biết là khen hay chê): "Giỏi nhỉ"!
Đã thành quen, năm nào bố cũng dành cho mấy anh em tôi mỗi đứa một chiếc bánh "cóc". Vui nhất là lúc luộc bánh vào đêm ba mươi. Bánh được xếp vào nồi quân dụng, bếp được bắc ngay giữa nhà. Tôi không có phận sự nhưng vẫn "tranh" với anh để được trông bánh. Nồi bánh lúc thì âm ỷ, lúc thì sôi sùng sục như thử thách lòng kiên nhẫn của chúng tôi vậy.
Bây giờ đời sống vật chất và tinh thần tốt lên rất nhiều. Thích ăn bánh chưng lúc nào ra chợ là có ngay. Tập tục gói bánh chưng đã mai một đi, ít nhà (nhất là ở thành thị) còn giữ được thói quen gói bánh vào dịp Tết. Mặc dù Tết đến, nhà nào cũng có bánh chưng, hay chí ít trên bàn thờ gia tiên cũng phải có cặp bánh, nhưng chủ yếu người ta đặt gói hoặc mua sẵn ở chợ. Trẻ con bây giờ vì thế ít đứa biết được cái vất vả nhưng vô cùng thú vị của công việc gói bánh chưng ngày Tết.
Nhà tôi là dân "thị trấn", bố đi "thoát ly", mẹ cũng là công chức nhà nước, cho nên, dù sao chúng tôi cũng được hưởng cái Tết có vẻ "tươm" hơn bạn bè cùng trang lứa ở nông thôn. Bạn tôi nhiều đứa con nhà nghèo, cơm còn chả đủ no chứ lấy đâu ra quần áo mới mà diện Tết? Chúng tôi thì mỗi năm được bố mẹ sắm cho một bộ quần áo mới, nhưng Tết mới được mặc. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác được mặc quần áo mới vào sáng mồng một Tết. Mặc dù đêm giao thừa chúng tôi thức rất khuya để trông bánh và chờ xem đốt pháo, nhưng sáng mồng một, đứa nào cũng dậy rất sớm không cần bố mẹ phải gọi. Công việc đầu tiên từ trên giường lăn xuống đất của chúng tôi là mặc quần áo mới. Chỉ là những chiếc quần áo bằng vải phin hoa hay vải chéo xanh mua sẵn ở cửa hàng bách hóa thôi, nhưng mặc chúng vào, tôi vô cùng hãnh diện, chỉ muốn chạy ngay ra đường khoe với chúng bạn. Cái mùi vải mới thơm thơm, mùi băng phiến hăng hăng, nồng nồng thật chẳng dễ quên.
Không khí Tết quê xưa rộn ràng lắm, nhà cửa ngõ xóm sạch bong. Mùi xác pháo khen khét quyện với mùi hương trầm tạo thành một mùi đặc trưng rất riêng của ngày Tết. Năm nào chúng tôi cũng được bố mẹ cho đi chúc Tết ông bà, họ hàng và bà con lối xóm. ở quê tôi có lệ nhà nghèo mấy thì sáng mồng một cũng làm vài mâm cỗ cúng Tổ tiên, sau nữa ai đến chúc Tết, mâm cỗ được bưng ra mời khách. Trong nhà ngoài ngõ đầy ắp tiếng cười nói và những lời chúc tụng. Ai cũng chúc nhau có một năm mới mạnh khỏe, làm ăn khấm khá, gia đình an khang, hạnh phúc, thuận hòa, con cái ngoan ngoãn, học giỏi…
Bây giờ cuộc sống ở thành phố khang trang, tiện nghi và đầy đủ hơn, mỗi khi sắm Tết chỉ cầm tiền ra chợ một loáng là Tết đã về tận nhà, không còn phải tất bật, bận bịu lo trước cả mấy tháng như xưa nữa. Trẻ con bây giờ chắc cũng không háo hức mong Tết, bởi ngày thường chúng muốn gì được nấy, có thiếu thứ gì đâu? Có chăng chúng chỉ mong Tết để được nhận tiền mừng tuổi, được giải phóng đầu óc sau những triền miên học tập ở trường, ở nhà.
Tết đến rồi lặng lẽ đi. Không khí Tết bây giờ không còn háo hức và thiêng liêng như xưa nữa. Mặc dù vậy, mỗi khi Tết đến, xuân về, tôi vẫn nhớ về Tết quê xưa với những ký ức tốt đẹp như một niềm tin không thể mất. Có thể không trở lại được ngày xưa, nhưng hoài niệm về ngày xưa để lưu giữ những gì tốt đẹp cũng là điều cần thiết luôn làm tôi ấm lòng. Năm cũ với bộn bề công việc sắp qua đi. Một năm mới đang đến với bao dự định tốt đẹp. Ngoài đường, dòng người, xe hối hả hân hoan chở Tết về nhà. Cây đào ngoài hiên chúm chím những nụ hoa đón chào năm mới.
Mùa xuân đã về!
Nguyễn Thị Bình