Cô giáo Phạm Thị Bắc, giáo viên Trường THCS Ninh Thành (thành phố Ninh Bình) là người đạt giải nhất tại Hội thi GVCN lớp giỏi cấp tỉnh cho biết: Ngay khi có kế hoạch tổ chức Hội thi của Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường THCS Ninh Thành đã triển khai đến các giáo viên và tổ chức hội thi cấp trường nhằm chọn được thí sinh tiêu biểu nhất dự thi cấp thành phố. Được vinh dự là đại diện cho trường dự thi cấp thành phố, cô Bắc đã nỗ lực trau dồi mọi mặt trong gần 2 tháng và đạt giải nhì cấp thành phố Ninh Bình. Vinh dự hơn, tại hội thi GVCN THCS lần thứ nhất cấp tỉnh, cô Bắc được Sở Giáo dục và Đào tạo trao giải nhất.
Cô Bắc là giáo viên có hơn 5 năm kinh nghiệm làm giáo viên chủ nhiệm lớp, trong đó phần lớn là chủ nhiệm học sinh khối lớp 7. Theo cô Bắc, khi giáo viên được Ban Giám hiệu nhà trường tin tưởng giao chủ nhiệm lớp, thường phải lựa chọn những giáo viên ngoài có trình độ chuyên môn vững vàng, còn phải có tình yêu nghề, yêu học sinh, sự kiên trì nhẫn nại và cả quỹ thời gian nhất định mới có thể ngày nào cũng phải có mặt ở lớp và gần gũi các em học sinh.
Qua hội thi, cô Phạm Thị Bắc cho biết, mỗi GVCN được học hỏi rất nhiều, đó không chỉ là những hiểu biết, kinh nghiệm trong quá trình làm GVCN, mà cả những kiến thức rộng hơn về đổi mới, cải cách giáo dục trong tình hình hiện nay…
Đặc biệt, được tham gia và cùng dự nghe phần thi ứng xử tình huống sư phạm, giúp mỗi GVCN có thêm kinh nghiệm, kỹ năng trong việc giải quyết các tình huống xảy ra trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội, từ đó đòi hỏi mỗi giáo viên cần tiếp tục có sự đầu tư, tìm hiểu, học hỏi để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ GVCN của mình.
Theo nhà giáo Đỗ Văn Thông, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội thi là một hoạt động chuyên môn nghiệp vụ lần đầu tiên được Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, góp phần triển khai các phong trào thi đua trong các trường THCS, tạo môi trường để giáo viên thể hiện năng lực, học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác chủ nhiệm lớp.
Qua đó, nhằm phát hiện, tuyên dương và nhân rộng những điển hình tiên tiến về công tác chủ nhiệm lớp, đồng thời tuyển chọn, công nhận giáo viên đạt danh hiệu giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp tỉnh, góp phần tạo động lực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Kết quả Hội thi là một trong những căn cứ để đánh giá thực trạng năng lực, nghiệp vụ sư phạm của đội ngũ, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực làm công tác chủ nhiệm lớp của giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Với mục đích đó, trước khi diễn ra Hội thi cấp tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các phòng Giáo dục - Đào tạo triển khai Hội thi cấp huyện, thành phố một cách tích cực và hiệu quả với các hội thi được tổ chức sôi nổi, hào hứng tại cấp huyện, thành phố.
Sau hội thi cấp cơ sở, toàn tỉnh đã lựa chọn được 41 giáo viên tiêu biểu, xuất sắc tham dự Hội thi cấp tỉnh. Tại Hội thi cấp tỉnh, các thí sinh phải trải qua 4 phần thi: Phần thi Hồ sơ, phần thi Hiểu biết, phần thi ứng xử tình huống sư phạm và phần thi Báo cáo thuyết trình.
Theo đánh giá của Ban Giám khảo, các phần thi đều được các thí sinh-GVCN chuẩn bị công phu, có chất lượng, thể hiện kỹ năng sư phạm chững chạc, nghiêm túc. Đặc biệt ở phần thi ứng xử tình huống sư phạm, trên sân khấu, dưới con mắt giám sát của hàng trăm khán giả và Ban giám khảo, thí sinh bốc thăm và trả lời tình huống ứng xử của mình về những tình huống sư phạm được đặt ra trong thời gian 5 phút.
Mặc dù thời gian ngắn, đòi hỏi tư duy nhanh để có câu trả lời sắc sảo, cộng với áp lực sân khấu, nhưng nhìn chung các câu trả lời, các cách ứng xử tình huống của 41 thầy cô tham dự hội thi đều thể hiện sự thông minh, khéo léo, thể hiện việc nắm vững chuyên môn nghiệp vụ sư phạm và bản lĩnh sân khấu rõ ràng. Nhiều câu trả lời ứng xử tình huống đã được đánh giá cao về chất lượng.
Cũng theo đánh giá của Ban Tổ chức Hội thi, mặc dù còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số phòng Giáo dục và Đào tạo có thời điểm chỉ đạo chưa quyết liệt, chất lượng giáo viên tham dự hội thi chưa cao, việc khích lệ, động viên các thầy, cô giáo tham gia dự thi chưa kịp thời; một số Báo cáo sáng kiến và báo cáo thành tích nội dung còn sơ sài, chất lượng chưa cao, chưa khoa học, thiếu tính sáng tạo và tính thực tiễn; một số giáo viên còn mất bình tĩnh, chưa tự tin trong báo cáo thuyết trình; kiến thức nền tảng về nghiệp vụ chủ nhiệm của một số giáo viên còn chưa chắc… Nhưng nhìn chung, Hội thi GVCN lớp giỏi cấp THCS tỉnh lần thứ I đã thành công tốt đẹp.
Đây là những nhân tố quan trọng để ngành Giáo dục Ninh Bình bứt phá vươn lên đạt kết quả cao về chất lượng giáo dục toàn diện trong năm học 2017-2018 và các năm học tiếp theo.
Bài, ảnh: Hạnh Chi